Thúc đẩy mạnh chuyển đổi số
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Thực hiện chủ trương của Trung ương và sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, việc thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh ta có những chuyển biến tích cực.
Ngay trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, UBND tỉnh cụ thể hóa và ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo như Kế hoạch số 909/KH-UBND, ngày 19/3/2021 của UBND tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), phát triển Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 3716/KH-UBND ngày 15/10/2021 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Kon Tum chuyển đổi số; tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 18/02/2022 “về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”...
Theo đó, việc phát triển hạ tầng kỹ thuật chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị, địa phương theo lộ trình triển khai các đề án, dự án, nhiệm vụ được phê duyệt đang triển khai các thủ tục theo quy định để tiến hành nâng cấp, bổ sung trang thiết bị CNTT; mạng truyền số liệu chuyên dùng đang được rà soát, đánh giá và tổ chức thực hiện theo quy định. Việc triển khai các hệ thống thông tin (HTTT) nền tảng, dùng chung của quốc gia như: Hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về thủ tục hành chính (TTHC); HTTT về văn bản quy phạm pháp luật; HTTT lý lịch tư pháp; HTTT quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hệ thống CSDL quốc gia về khiếu nại tố cáo, giúp xây dựng môi trường nhập dữ liệu và khai thác dữ liệu thống nhất từ Trung ương tới địa phương trên môi trường mạng, cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin quản lý. Đồng thời, xây dựng trục kết nối, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin và đã kết nối thành công với Trục kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP).
Bên cạnh đó, việc xây dựng HTTT nền tảng như Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) tỉnh kết nối với Trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia (NCSC) được triển khai thưc hiện. Qua đó, giám sát an toàn thông tin các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh, kịp thời đưa ra các cảnh báo, biện pháp khắc phục các lỗ hổng mất an toàn thông tin.
Các cơ quan, đơn vị tổ chức duy trì, nâng cấp, phát triển mới các hệ thống thông tin chuyên ngành, lĩnh vực thông qua các đề án, dự án, nhiệm vụ theo kế hoạch đã được phê duyệt, phục vụ đắc lực và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chuyên môn của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành, lĩnh vực do các cơ quan Trung ương chuyển giao thuộc các lĩnh vực: Tài nguyên môi trường, kế hoạch và đầu tư, y tế, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội, giao thông vận tải, tài chính.
|
Việc phát triển dữ liệu, hầu hết các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh đã xây dựng các phần mềm phục vụ hoạt động chuyên môn của từng ngành và tiếp nhận các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu từ các bộ, ngành Trung ương. Các CSDL dùng chung về cung cấp dịch vụ công (CSDL TTHC, CSDL khách hàng, CSDL người dùng, CSDL kết quả giải quyết TTHC) đã và đang được xây dựng, hoàn thiện, sẵn sàng kết nối, liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Các HTTT và CSDL chuyên ngành về y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường cũng được xây dựng phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, kết nối vào Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh.
Việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ cũng có những chuyển biến tích cực. Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (VNPT ioffice) được triển khai đồng bộ đến toàn bộ các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. Theo đó, đã hoàn thành kết nối, liên thông và trao đổi văn bản điện tử giữa Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh với Hệ thống của Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Hệ thống thư điện tử công vụ riêng của tỉnh được triển khai đã cấp cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh phục vụ trao đổi, gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước.
Với kết quả trên, có thể khẳng định rằng, việc thực hiện chuyển đổi số đang thực sự tạo ra những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để tiếp tục thúc đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tại Kế hoạch số 1250/KH-UBND, ngày 29/04/2022 của UBND tỉnh đặt ra mục tiêu chung: Chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trong các ngành, lĩnh vực, hình thành được nền tảng chính quyền số để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân. Theo đó, UBND tỉnh đẩy mạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số để phấn đấu đến năm 2025 đưa tỉnh Kon Tum thuộc nhóm 35 địa phương trong cả nước thực hiện tốt nhất về chỉ số đánh giá chuyển đổi số.
Văn Nhiên