Tháng Tư lịch sử về thăm Thành cổ Quảng Trị
Vào những ngày cuối tháng Tư, chúng tôi có dịp về thăm các “địa chỉ đỏ” của tỉnh Quảng Trị, trong đó có Thành cổ Quảng Trị linh thiêng.
Thành cổ Quảng Trị nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị. Từ năm 1809 đến năm 1945, đây là trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự quan trọng của tỉnh Quảng Trị, là tiền đồn bảo vệ kinh đô Phú Xuân từ phía Bắc. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève năm 1954 đã chia đất nước thành 2 miền Nam- Bắc tại vĩ tuyến 17 thuộc tỉnh Quảng Trị. Đây cũng là tuyến lửa của cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
|
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (28/6/1972 - 16/9/1972), Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã giằng co nhau từng mét đất, từng ngôi nhà. Để hậu thuẫn cho quân đội Việt Nam Cộng hòa, Mỹ đã huy động máy bay B52 ném bom cùng pháo hạm bắn phá thị xã Quảng Trị và Thành cổ. Trong 81 ngày đêm, ngôi thành cổ diện tích chỉ vài ki lô mét vuông phải hứng chịu 328.000 tấn bom và đạn pháo. Tính trung bình mỗi chiến sĩ ta phải hứng chịu 100 quả bom, 200 quả đạn pháo.
Những chiến sĩ Quân giải phóng đã chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt 2 sư đoàn cơ động chiến lược của địch, diệt 26.000 tên, bắt sống 71 tên, đánh thiệt hại nặng 19 tiểu đoàn, phá hỏng 349 xe quân sự trong đó có 200 xe tăng và thiết giáp, bắn rơi 205 máy bay, thu 500 súng các loại.
Tại chiến trường vô cùng ác liệt này, hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng chiến đấu và hy sinh, đem theo tuổi thanh xuân với bao ước nguyện, khát vọng sống chưa kịp thực hiện hòa vào lòng đất mẹ.
Theo lời kể của chị hướng dẫn viên, trong chiến dịch 81 ngày đêm có chiến sĩ Lê Văn Huỳnh đang là sinh viên năm thứ tư Đại học Bách khoa Hà Nội đã xung phong vào mặt trận, với câu chuyện về cuộc đời anh trước khi hy sinh đã gây xúc động cho du khách đến tham quan Thành cổ Quảng Trị.
Năm 1972, anh Lê Văn Huỳnh được gia đình tổ chức đám cưới với chị Đặng Thị Xơ, người cùng quê tỉnh Thái Bình, là nữ dân quân 22 tuổi xinh đẹp có tiếng lúc bấy giờ.
Cưới vợ được 3 ngày, Lê Văn Huỳnh lại phải ra Hà Nội học tiếp, nhưng vì chiến tranh ngày càng khốc liệt nên anh đã xung phong ra trận vào Nam chiến đấu. Vì mới lấy vợ nên trước ngày nhập ngũ, anh được tổ chức cho về thăm nhà và ở bên vợ 3 ngày.
|
Trước khi xuất kích đưa hàng qua sông Thạch Hãn, trong lúc nghỉ ngơi ngắn ngủi anh đã viết vội bức thư gửi mẹ và vợ. Bức thư như “thứ thần giao cách cảm” chứa đựng những sự thật, những dự cảm về tương lai của người chiến sĩ trẻ này trước mưa bom, bão đạn.
Bức thư gửi mẹ có đoạn: “Toàn thể gia đình kính thương, con viết mấy dòng cuối cùng trước khi đi “nghiên cứu bí mật lòng đất”. Xin mẹ đừng buồn để sống đến ngày chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng ở bên mẹ, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”.
Trong thư gửi vợ anh viết: “Em yêu thương! Anh rất muốn được sống mãi bên em, song vì chiến tranh thì em ơi hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Giờ đây anh biết nói gì với em, chỉ mong em khỏe, yêu đời. Thôi nhé, em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới công anh. Nếu còn thương anh thực sự thì khi hòa bình, nếu có điều kiện hãy vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về “Nhan Biều 1”. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy sẽ tìm thấy những dòng chữ đục khắc tên anh trên mảng tôn. Thôi nhé, đấy là có điều kiện, còn không em cứ làm tốt những việc anh dặn ở trên là tốt lắm rồi”.
Bức thư viết vội và chưa kịp gửi, trong đêm 11/9/1972, trước khi vượt sông Thạch Hãn anh cũng như các đồng đội đã làm lễ truy điệu cho chính mình và sau đó hiên ngang đi vào cõi chết vì nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Trước khi vào trận đánh, anh không quên đục tên trên bảng tôn để đồng đội tiện bề chôn cất và tìm kiếm sau này.
Ở quê nhà huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình), vợ anh vừa chăm mẹ già, vừa ngóng tin chồng đằng đẵng. Bức thư dài 10 trang đến tay chị Xơ vào cuối năm 1972 cùng giấy báo tử chồng.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chị Xơ nhiều năm mải miết kiếm tìm mộ chồng khắp Thành cổ nhưng bặt vô âm tín. Mãi đến năm 2002, nhờ sự giúp đỡ của đồng đội của chồng, chị lần nữa tìm về và xác định được mộ anh cạnh thôn Nhan Biều 1 như anh đã tiên đoán trong thư. Chị run rẩy, vỡ òa khi thấy tên anh được đục trên mảnh tôn. Một cảm giác xót thương lẫn tự hào trào dâng trong lòng chị. Chị Xơ vẫn ở vậy thờ chồng, hiếu thảo với gia đình chồng cho đến ngày nay.
Trong cái nắng hầm hập ở Thành cổ Quảng Trị chiều hôm ấy, sau khi nghe chị hướng dẫn viên kể chuyện 81 ngày đêm đầy xúc động, những người trong đoàn công tác của chúng tôi không ai kìm được nước mắt.
Chiều tối hôm đó, trước lúc làm Lễ dâng hương và thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn tri ân các anh hùng liệt sĩ, bỗng nhiên mây đen ùn ùn kéo đến, gió giật rất mạnh, sấm chớp liên hồi. Sau khi làm lễ xong, thì “trời yên, sông lặng”, không ai nói với ai, nhưng chúng tôi đều nghĩ rằng “các anh về” chứng kiến cho tấm lòng tri ân của những người hôm nay đối với sự hy sinh xương máu của các anh để đất nước Việt Nam có được hòa bình, độc lập, hạnh phúc như ngày nay.
Đắc Vinh