Tết lính
Tết của lính cũng ấm áp, vui tươi như tết ở nhà. Nhưng lại khác nhiều so với tết ở nhà. Bởi “vui xuân không quên nhiệm vụ”, nên tết lính đến sớm hơn mấy ngày. Thay vì quây quần bên gia đình, bạn bè, người lính có đồng đội, có nhân dân.
Tiếng cười bung ra từ khoảnh sân phía sau, làm cả nắng xuân cũng nhảy nhót reo vui, náo nức. Anh bạn đồn trưởng cười lớn, vỗ vai tôi: Nào, ta ra xem mấy ông tướng ấy đang làm gì mà vui thế!
Ở một góc sân, nơi có một tán cây lớn che bóng mát, tốp lính trẻ xúm xít hướng dẫn mấy cô gái trong làng gói bánh chưng. Họ vừa làm vừa hát nghêu ngao “như hoa phong lan chờ đợi, mưa gió không phai tàn”.
Một góc sân khác, mấy chiến sĩ bận rộn với lá dong, gạo nếp, các loại nhu yếu phẩm ngày tết. Hẳn đây là sĩ quan hậu cần và chiến sĩ nuôi quân đang tính toán, lo chuyện tết nhất.
Tiếng “chào thủ trưởng” vang lên. Vài cậu lính trẻ đang liến thoắng im bặt, mặt đỏ bừng, như kiểu học trò nhìn trộm bài bị bắt quả tang. Đồn trưởng xua xua tay: Các cậu cứ làm đi. Cánh tớ ghé qua chia vui tý thôi. Chuyện tết nhất đến đâu rồi? Cứ phải là thật vui đấy nhé.
Chuyện tết nhất đã có các thủ trưởng lo rồi ạ. Còn bọn em ấy à, chỉ có nhiệm vụ bám cơ sở, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu thôi- một cậu lính tếu táo nói. “Với lại tăng gia nữa ạ”- một cậu khác rụt rè nói thêm.
|
Đúng là ở đây chuẩn bị tết có vẻ chu đáo lắm rồi. Hồi chiều, khi tôi bước chân vào đơn vị, đã nhận thấy sự háo hức, hồ hởi hiện rõ trên gương mặt từng cán bộ, chiến sĩ. Hội trường ngập tràn không khí xuân, với cành mai, chậu quất, mâm ngũ quả được trang trí khéo léo.
Khuôn viên được trang hoàng đẹp hơn, bởi cờ, khẩu hiệu và hoa. Từng chậu cây cảnh được cắt tỉa gọn gàng. Mặc cho nắng rát, khi mùa Xuân chạm tới, cây cối như bừng tỉnh, hoa nở dọc đường, lá non như những chùm nến sáng bừng lên, làm lòng người thêm háo hức.
Lính trẻ có khác. Lạc quan, yêu đời và… nghịch ngợm- tôi vui vẻ nói.
Anh bạn nhìn cánh lính trẻ, mắt như có khói: Lần đầu tiên trong cuộc đời binh nghiệp, tôi đón tết ở một chốt biên phòng giáp nước bạn Lào, điện không, sóng điện thoại cũng không. Đêm giao thừa, nằm nghe Chủ tịch nước chúc tết trên sóng radio mà nhớ nhà rơi nước mắt. Nay nhìn thấy cánh lính trẻ đón tết mà vui đáo để ông ạ.
Tết của lính cũng ấm áp, vui tươi như tết ở nhà. Nhưng lại khác nhiều so với tết ở nhà. Bởi “vui xuân không quên nhiệm vụ”, nên tết lính đến sớm hơn mấy ngày. Thay vì quây quần bên gia đình, bạn bè, người lính có đồng đội, có nhân dân.
Cũng như các năm trước, tết này, Đồn duy trì 70% quân số trực sẵn sàng chiến đấu, đồng thời tăng cường phối hợp các lực lượng công an, quân sự, chính quyền địa phương tuần tra, kiểm soát, bảo vệ an ninh trật tự địa bàn cũng như cột mốc biên giới.
Vì vậy, đã thành thông lệ, khoảng 24-25 tháng Chạp, Đồn tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ ăn tết sớm, cũng mổ heo, gói bánh chưng.
|
Ngày tết, khẩu phần ăn của bộ đội tăng lên, ngoài chế độ ăn thêm ngày tết theo quy định, đơn vị trích quỹ tăng gia của đơn vị đưa thêm vào bữa ăn, bên cạnh đó, đơn vị còn tự túc được nguồn rau xanh, thịt heo, gà đưa vào bữa ăn cho bộ đội.
Sau đó, ai vào việc nấy. Tổ tuần tra đường biên xuất quân, Tổ tăng cường về các thôn cùng ăn tết với bà con cũng lên đường; lãnh đạo đơn vị tổ chức thăm hỏi, tặng quà các hộ gia đình nghèo.
Bên cạnh chuẩn bị vui xuân đón tết cho bộ đội, đơn vị vẫn duy trì nghiêm nề nếp, chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, tổ chức canh gác, tuần tra chặt chẽ; phối hợp với các lực lượng nắm chắc tình hình, không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống, bảo đảm an toàn địa bàn.
Vài cậu lính trẻ, có hoa tay thì được giao nhiệm vụ bày bàn thờ Tổ quốc, bàn thờ Bác Hồ cho thật trang trọng; dọn dẹp, trang hoàng phòng ốc, nhà cửa cho thật đẹp.
Đời quân ngũ, quanh năm bám biên, bám làng, ngày tết cũng phải tươm tươm chút- anh em nghĩ vậy. Thế là mấy anh chàng tha hồ mà trổ tài, thỏa sức mà sáng tạo.
Điều kiện biên giới xa xôi, đi lại khó khăn nên thiếu vắng bóng đào, quất, nhưng không hề gì, đã có mai rừng. Năm nay nhuận tháng Hai, lại rét sớm nên mai rừng nở hết thì đã có... mai giấy. Mấy anh em xúm lại cắt tỉa, gắn lên cành mai thật, thế là đã có mai vàng nhé.
Mà kể ra, lính trẻ đa tài thật. Trong khoảng thời gian ngắn, với cây kéo và xấp giấy màu cùng đôi bàn tay khéo léo, mấy cậu lính trẻ đã tạo nên một cành mai vàng rực rỡ, đủ để rước xuân vào... đồn.
Cành mai ấy “nở bung” viên mãn ngay từ 20 tháng Chạp, làm cho cán bộ, xã, nhất là mấy chị phụ nữ, mấy bạn đoàn thanh niên lên thăm đồn đều phải tấm tắc khen mãi.
Trong thời khắc chuyển giao một năm mới, mọi người quây quần bên nhau, cùng siết chặt tay hát những ca khúc về mùa Xuân, về tình yêu.
Đấy, ai bảo tết lính không vui bằng tết nhà nào? Nhiều khi, được về lại không muốn về, nằn nì xin ở lại, với lý do “đây sẽ là một trong những kỷ niệm đặc biệt nhất, khó quên nhất”.
Như cậu kia kìa- Đồn trưởng chỉ vào cậu chiến sĩ đang gói bánh chưng- Năm ngoái, vì đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ nên được thưởng mấy ngày phép, về ăn tết với gia đình. Khi biết tin, cậu ta vui vẻ, tung tẩy lắm, hát hò suốt.
Ấy thế mà, mới về hôm trước, hôm sau gọi điện lên mếu máo: “Em nhớ đơn vị quá. Với lại, ngày tết, đồng đội vẫn đang vất vả làm thay nhiệm vụ của mình, trong khi mình lại được nhởn nhơ đi chơi, thấy có lỗi”. Rồi nằng nặc xin được trở lại đơn vị.
Tôi cũng cho rằng điều đáng quý của tuổi trẻ là ở đó, gian khổ mấy cũng lướt qua hết. Huấn luyện - tăng gia, tăng gia - huấn luyện, cả ngày mệt nhoài trên thao trường, thế mà cứ như không, luôn cười đùa và sung sức.
Tất nhiên, tết là sum họp, là quây quần bên người thân, bên gia đình. Vì vậy, khi phải đón tết xa nhà, đến “lính già” còn “tâm trạng”, nói gì tân binh. Còn nhớ giáp tết năm nào, khi tôi đến thăm một đồn biên phòng, khi nghe hỏi về chuyện tết, một chiến sĩ trẻ đã òa khóc như một đứa trẻ.
Nhưng cũng chính cậu lính trẻ ấy sau đó đã xung phong ở lại đơn vị, nhường “suất” cho đồng đội. Điều kỳ lạ là ngay cả người “được nhường” cũng xin ở lại. Bởi với người lính, “ở lại” là mệnh lệnh từ trái tim. Với họ, đồn đã là nhà, biên giới đã là quê hương.
Khi ở lại, họ đón tết lính thật vui. Khi ở lại, họ đón một mùa Xuân không chỉ cho riêng mình! /.
Hồng Lam