Tết độc lập và lòng tự hào
Đối với người dân Việt Nam, ngày Tết Độc lập mang ý nghĩa và giá trị đặc biệt to lớn. Đó là ngày ghi nhận mọi người dân được nhận lấy tất thảy giá trị làm người thiêng liêng, cao cả của mình.
1. Năm nay xóm tôi tập trung ăn Tết Độc lập!
Thông tin từ anh “trưởng xóm” làm tôi hào hứng. Hôm họp xóm, vì bận việc nên tôi vắng mặt, thành ra không nắm được “chủ trương” này.
Phải rồi, sao lại không chứ? Tôi nói với anh. Theo như mấy anh em kể, ở xóm trên, người ta tổ chức ăn Tết Độc lập mấy năm nay rồi. Rất vui.
Ban đầu chỉ là một nhóm người tụ tập, cùng nhau chào đón Quốc khánh 2/9. Cũng đơn giản thôi, họ bảo nhau treo cờ Tổ quốc, rồi tập trung ăn với nhau bữa cơm thân mật, rồi hàn huyên chuyện nhà cửa, con cái.
Thời gian sau, nhiều người trong xóm thấy việc sinh hoạt này vừa vui, lại có ý nghĩa, nên số lượng người tham gia mỗi năm một đông. Bây giờ đã trở thành hoạt động chung của cả xóm ấy.
Mấy anh em xóm mình hay nói với nhau: Trông người lại ngẫm đến ta. Xóm có tới mười mấy hộ, vậy mà nghỉ lễ, nhà nào biết nhà ấy. Chán lắm.
Con trẻ cũng chỉ biết Tết Độc lập qua lời kể của bố mẹ, ông bà thôi, chứ đã được ăn tết thực sự bao giờ đâu! Thậm chí, có khi chúng còn chưa hiểu vì sao lại gọi Quốc khánh 2/9 là Tết Độc lập ấy chứ.
|
Thế là chúng tôi háo hức bàn chuyện tổ chức Tết Độc lập năm nay. Ngay chiều nay nhắc các nhà treo cờ Tổ quốc; lập bàn thờ Tổ quốc và treo ảnh Bác Hồ. Ngày mai, ngày kia tập trung mọi người dọn dẹp đường hẻm; phát quang mấy bụi rậm trước nhà.
Mới nghĩ đến đó mà đã thấy rạo rực cả người, thấy việc tổ chức đón Tết Độc lập đúng là rất ý nghĩa. Vừa thắt chặt sự gắn bó, đoàn kết trong xóm vừa là một sinh hoạt tập thể lành mạnh, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức tự hào dân tộc
Cũng không chỉ ở các xóm nhỏ, những ngày này, đâu đâu cũng rực rỡ màu cờ Tổ quốc với ngôi sao vàng lấp lánh chào đón 79 năm Ngày Quốc khánh 2/9. Lá cờ nền đỏ sao vàng rực rỡ, tươi thắm là một biểu trưng đặc biệt, thiêng liêng, cao quý và đầy tự hào của hồn nước, lòng dân.
Mỗi lần ngắm cờ Tổ quốc tung bay trong gió thu, tôi lại nhớ tới giai điệu hào hùng của ca khúc “Ba Đình nắng” của nhạc sĩ Bùi Công Kỳ (phổ thơ Vũ Hoàng Địch): Gió vút lên, ngọn cờ trên kỳ đài phơi phới/ Gió vút lên, đây bao nguồn sống mới dạt dào/ Tôi về đây, lắng nghe vang tiếng gọi/ Của mùa thu cách mạng, mùa vàng sao/ Tôi về đây, trong nắng nhớ thu nào/ Sao vàng mọc, muôn sao vàng tung cánh”.
Từ khi còn nhỏ, và cho đến bây giờ, đi trong muôn ánh sao vàng, tôi vẫn cố hình dung ra không khí Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) chiều 2/9/1945, nhưng đành chịu. Chỉ nhớ rằng, Báo Cứu Quốc (số ra ngày 5/9/1945) có những ghi chép hết sức sống động về không khí tại “vườn hoa Ba Đình” hôm ấy.
“Mới từ 12 giờ trưa, những nẻo đường dẫn vào vườn hoa Ba Đình, nơi đã chọn để cử hành “Ngày Độc lập” đã thấy cuồn cuộn những giòng (dòng) người chảy đến. Đủ mặt các giới, các đoàn thể... Tất cả, hôm đó, đều không còn giữ sự phân biệt của mọi ngày thường về đẳng cấp, về tín ngưỡng, về nam nữ, về thế hệ…, đến đấy, ai cũng chỉ còn là một người dân Việt Nam giữa những người dân Việt Nam khác đi đón nhận lời tuyên bố chính thức về cuộc: độc lập của nước nhà”.
Còn tờ Trung Bắc Chủ Nhật tường thuật: Đột nhiên yên lặng một triệu người nín thở để nhìn một người! Người ấy điềm tĩnh bước lên khán đài. Bận một cái áo vàng cũ kỹ và đội một chiếc mũ lại ọp ẹp và cũ kỹ hơn nữa, người ấy nhìn thẳng vào một triệu người đang nhìn mình. Mắt thì sáng ngời, chòm râu đã hoa râm trên một bộ xương xẩu nhưng cương quyết lạ thường, một sức mạnh hiên ngang đã hiện ra trên bộ quần áo cũ kỹ có lẽ đã nhuốm bao nhiêu sương gió khi người ấy bôn tẩu ở hải ngoại để xây đắp nền độc lập Việt Nam. Người ấy là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với Bản Tuyên ngôn Độc lập vang lên giữa nắng thu Ba Đình ngày 2/9/1945, dân tộc Việt Nam đã chính thức bước vào hàng ngũ những quốc gia độc lập, tự do, thoát ly khỏi hệ thống thuộc địa, phụ thuộc của chủ nghĩa thực dân.
Hôm nay, đọc lại những bài tường thuật về không khí ngày 2/9/1945 trên báo chí đương thời lại càng thêm trân quý, thêm hiểu sâu sắc hơn giá trị thiêng liêng của ngày Tết Độc lập.
2. Ta đang sống trong những ngày thu đẹp nhất. Được cùng bao người hòa vào niềm vui của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam khi mừng đón Tết Độc lập lần thứ 79 với tất cả lòng tự hào.
Sáng nay, một sáng thu đẹp, trời trong xanh, nắng vàng nhẹ, tôi tự tay lấy lá cờ mới tinh ra khỏi túi, vuốt phẳng nếp gấp, cẩn thận luồn vào cán, rồi treo lên trước nhà.
Tôi từng được bà con ở vùng biên giới Ia H’Drai trao vinh dự treo cờ Tổ quốc trong Tết Độc lập năm 2016. Những lá cờ đỏ sao vàng được bà con nâng niu, giữ gìn cẩn thận vô cùng, dù nắng gió vùng biên khắc nghiệt đến thế mà vẫn luôn tươi mới.
Tôi cũng từng được tự tay cắm cờ Tổ quốc trên mái nhà bè lênh đênh trên lòng hồ thủy điện Sê San 4, nơi quần tụ của mấy chục hộ dân mưu sinh nơi thủy bạc.
Giữa mịt mù sóng nước và mênh mông núi rừng, trong những đận gian nan nhất, lá cờ Tổ quốc trao cho chúng tôi sức mạnh và niềm tin vào tương lai tươi sáng- một dân chài thổ lộ.
Nhưng dù ở bất cứ đâu, hay bao nhiêu lần, nhưng chỉ cần được tự tay treo cờ Tổ quốc trong Tết Độc lập, trong tâm hồn tôi luôn trào dâng cảm xúc vừa thiêng liêng vừa tự hào, vừa hưng phấn vừa hồi hộp.
|
Năm đầu tiên ăn Tết Độc lập, anh “trưởng xóm” có sáng kiến tìm bản thu Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 phát trên loa cho cả xóm nghe. Thật là một sáng kiến có ý nghĩa sâu sắc.
Khi những ánh nắng đầu tiên của ngày Tết Độc lập rọi xuống, mọi người trong xóm đều nghe âm vang giọng Bác Hồ: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Niềm tự hào trỗi dậy trong lòng mỗi người, từ già đến trẻ!
Tết Bính Tuất 1946- Tết Nguyên đán đầu tiên sau khi chính quyền về tay nhân dân- được gọi là Tết Độc lập. Các cụ thường nói, Tết Nguyên đán là ngày lễ cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, thiêng liêng nhất đối với người Việt ta, bởi chứa đựng cả quan niệm sống cũng như những phong tục, tín ngưỡng mang đậm nét văn hóa dân tộc, vừa sâu sắc lại vừa độc đáo, phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người và đất trời.
Đối với người dân Việt Nam, ngày Quốc khánh 2/9 còn mang ý nghĩa và giá trị lớn hơn cả Tết Nguyên đán, bởi đó là ngày ghi nhận mọi người dân được nhận lấy tất thảy giá trị làm người thiêng liêng, cao cả của mình.
Bởi vậy, Tết Độc lập được nhân dân ta sử dụng trong dịp mừng Quốc khánh hằng năm.
Tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc là những thứ tồn tại vĩnh hằng trong mỗi người. Cùng nhau hướng về Tết Độc lập cũng chính là để nhắc nhở nhau trách nhiệm tiếp tục giữ gìn và phát huy thành quả của cha ông bền vững cho muôn đời sau.
Và tôi tin rằng, với lòng tự hào ấy, sẽ không cần nhắc nhau về tình yêu đất nước. Với lòng tự hào ấy, bất cứ kẻ thù nào cũng phải e dè mỗi khi có ý định thách thức sự đồng lòng của cả dân tộc Việt Nam.
Hồng Lam