Tâm sự chuyện nghề: Kỷ niệm viết về an toàn giao thông
Nghề báo là những chuyến đi rong ruổi trên khắp mọi vùng, miền, đến với thực tiễn để có được những bài báo hay, mang đến cho độc giả thông tin một cách nhanh nhất, chính xác nhất.
Trong gần 20 năm làm báo, tôi không thể nhớ hết mình đã đi bao nhiêu chuyến thực tế trên cùng một địa phương. Tuy nhiên, ngần ấy thời gian trong nghề, với ngót nghét chục năm theo dõi mảng an toàn giao thông, tôi nhớ như in những chuyến đi để viết về đề tài này. Và, những chuyến đi ấy đã để lại trong tôi khá nhiều ấn tượng, vui có, buồn có... Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ xin nêu một chút buồn khi tác nghiệp để viết về những vụ tai nạn giao thông.
Ai cũng biết tai nạn giao thông đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội, mà một phần nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông là do ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông còn kém. Vì thế, cần thiết phải đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành, trong đó thông tin kịp thời những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng cũng là cách để mọi người lấy đó răn mình, từ đó nâng cao ý thức chấp hành, tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác khi tham gia giao thông.
|
Thế nhưng, có không ít trường hợp khi tai nạn giao thông xảy ra, một số địa phương, đơn vị chức năng làm khó phóng viên, không cung cấp thông tin kịp thời với lý do “đang điều tra” hay “chưa có ý kiến thủ trưởng”, “lên gặp thủ trưởng”…
Tôi xin nêu ra một vụ điển hình khiến tôi buồn lòng trong khi tác nghiệp. Đó là vào tháng 6 cách đây hai năm, tôi nhận được thông tin có vụ tai nạn giao thông tự ngã chết người gần khu vực cầu Đăk Mốt (xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô). Do ở xa chưa thể lên kịp, tôi bèn dùng điện thoại gọi đến lực lượng Cảnh sát Giao thông trên địa bàn để nắm thông tin vụ việc. Khi ấy, anh đội trưởng lấy lý do rằng đang điều tra nên chưa thể cung cấp. Tôi đặt vấn đề rằng nguyên nhân vụ việc thì các anh cứ điều tra xác định, còn tôi chỉ thông tin vụ việc để làm công tác tuyên truyền. Anh đội trưởng lại đưa ra lý do là do tự ngã, đâm vào cọc tiêu bên đường, không phải là vụ tai nạn giao thông nên “chúng tôi không nắm”.
Tôi đem câu chuyện kể với bạn bè, ai cũng phản đối lý do mà anh đội trưởng này đưa ra. Chẳng lẽ, xác định vụ tai nạn giao thông là phải hai xe tông nhau dẫn đến bị thương nặng hoặc chết người; còn chạy xe do không làm chủ tốc độ tự ngã, tự đâm dẫn đến tử vong không phải là tai nạn giao thông?
Khi đến cuối tháng, đọc bản báo cáo đánh giá của ngành chức năng trong tháng đó, tôi không thấy có thông tin vụ việc nêu ở trên. Tôi thực sự buồn, chẳng lẽ vì thành tích mà đơn vị chức năng lại vậy, hay lại sợ bị phê bình, mất thi đua khen thưởng... Điều này tôi đã được chứng kiến khá nhiều. Bởi cũng có tuần, tất cả thông tin những vụ tai nạn riêng lẻ tôi đều phản ánh cụ thể, nhưng đến khi cuối tháng trong báo cáo thì lại “bốc hơi” đi một hai vụ, một hai người chết.
Ngoài vụ việc nói trên, còn có nhiều những vụ việc buồn khi theo dõi, viết về mảng an toàn giao thông trong nhiều năm qua mà trong bài viết và dòng tâm sự này khó có thể nói hết được.
Việc đưa thông tin càng nhanh, càng chân thực về những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng cũng là một hình thức để tuyên truyền, giáo dục góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ và ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông của mọi người. Vì thế, mong rằng những chuyện tương tự như trên không còn xảy ra trong thời gian tới.
Phúc Nguyên