“Sức sống mới” nơi các thôn, làng
Mỗi độ Tết đến, Xuân về, câu chuyện xây dựng nông thôn mới lại được người dân nhiều thôn làng đồng bào DTTS bàn luận rôm rả. Bởi, qua mỗi năm, những làng quê nghèo lại thêm khởi sắc, cuộc sống của người dân ngày một no ấm.
Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Thôn Thanh Xuân (xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà) có 110 hộ với 498 nhân khẩu, trong đó 95% người dân tộc Thái. Sau nhiều năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới, đặc biệt từ khi được huyện Đăk Hà chọn làm điểm xây dựng thôn, làng nông thôn mới vùng đồng bào DTTS, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, người dân trong thôn tích cực đóng góp công sức để thực hiện các tiêu chí với quyết tâm cao.
Cuối năm 2022, thôn Thanh Xuân đã hoàn thành 10/10 tiêu chí nông thôn mới. Và tháng 7/2023, thôn được UBND huyện Đăk Hà công nhận đạt chuẩn thôn, làng nông thôn mới.
Chỉ về những con đường đã được bê tông hóa thẳng tắp, bà Vi Thị Diệp bộc bạch: Trước đây, đường sá trong thôn Thanh Xuân đều là đường đất, rất xấu và hẹp, trời mưa đi lại khó khăn, nhà cửa của người dân còn lụp xụp, cuộc sống người dân vô cùng thiếu thốn. Giờ thì đường bê tông ra đến từng xóm, ra đến ruộng, rẫy; nhà cửa được người dân đầu tư xây dựng khang trang.
|
Những năm qua, với nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ từ Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, người dân trong thôn có điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, từ đó có kinh phí đầu tư áp dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất để tập trung phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng, thôn không còn hộ nghèo.
Đến thôn Kon Stiu II (xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà), chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của bà con nơi đây khi giữa năm 2023, thôn được công nhận đạt chuẩn thôn, làng nông thôn mới vùng đồng bào DTTS.
Ông Ngô Tấn Khoa - Chủ tịch UBND xã Ngọk Wang cho biết: Với sự tuyên truyền, vận động của xã, người dân trong thôn Kon Stiu II đã hiểu họ chính là chủ thể và người trực tiếp thụ hưởng thành quả xây dựng nông thôn mới. Thế nên, khi địa phương triển khai làm đường, xây dựng hệ thống điện công lộ, sửa chữa nhà rông, các gia đình trong thôn tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công để thực hiện các công trình. Điều đáng mừng là, người dân đã từng bước thay đổi tư duy, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà tích cực thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý; có ý thức tiết kiệm, tích luỹ để phát triển kinh tế. Từ đó, cuộc sống của 205 hộ dân trong thôn từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 46,5 triệu đồng.
Ở thôn Kroong Klah (xã Kroong, thành phố Kon Tum), già A Lău (76 tuổi) là người cảm nhận được rõ nét những đổi thay trên mảnh đất mà bản thân đã gắn bó mấy chục năm qua, kể từ khi dời làng cũ lên định cư ở nơi mới.
Già A Lău chia sẻ: Từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới đến nay, thôn Kroong Klah ngày càng khang trang, sạch đẹp. Tất cả các tuyến đường giao thông trong thôn đều được bê tông hóa, điện lưới được kéo đến từng nhà. Các gia đình đều có hàng rào, trồng cây xanh trước nhà, cải tạo lại vườn tược, bố trí lại chuồng trại chăn nuôi phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường. Bà con trong thôn tích cực thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ các hủ tục, chăm chỉ lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và góp phần xây dựng thôn, làng giàu đẹp.
Thôn Kroong Klah hiện có 310 hộ đồng bào dân tộc Ba Na, trong đó, có 50 hộ giàu, 76 hộ khá. Thu nhập bình quân đầu người đạt 43,4 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn khoảng 7%.
Có thể thấy, việc triển khai xây dựng thôn, làng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS là động lực quan trọng để nhiều thôn, làng trên địa bàn tỉnh đổi thay, phát triển.
Không “đánh mất bản sắc”
Trong hành trình xây dựng nông thôn mới, cùng với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống người dân, nhiều địa phương cũng rất chú trọng đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, phát triển bền vững. Đây là yếu tố cốt lõi để nông thôn mới đậm bản sắc với những giá trị văn hóa riêng biệt, trở thành “những miền quê đáng sống”.
Ở thôn Thanh Xuân, nhiều năm qua, người Thái nơi đây vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.
Từ quê hương Thanh Hóa vào lập nghiệp, xây dựng quê hương mới, bà con dân tộc Thái mang theo những nét đẹp văn hóa truyền thống của miền quê mình sinh ra. Từ tiếng kèn bè của thanh niên trai tráng; những chiếc khăn, chiếc váy thổ cẩm được dệt lên bằng đôi tay khéo léo của người phụ nữ Thái, điệu múa xòe hoa của các bà, các mẹ cho đến những ché rượu nếp cẩm được chuẩn bị kỹ càng để mời khách đến chơi nhà.
|
Vào những dịp lễ tết, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, khi cây cối đâm chồi nảy lộc, bà con trong thôn Thanh Xuân lại sum họp, cùng hòa nhịp khua luống, chiêng trống, đắm say trong điệu múa sạp để chúc mừng năm mới vui vẻ. Sau Tết Nguyên đán khoảng một tháng, nhà nhà trong thôn Thanh Xuân lại rộn ràng tổ chức lễ mừng cơm mới.
Thôn Kon Klor (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) có trên 230 hộ với gần 1.000 nhân khẩu, tất cả đều là đồng bào dân tộc Ba Na. Kể từ khi địa phương bắt đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn cũng như đời sống của người dân trong thôn Kon Klor từng bước được cải thiện. Tháng 8/2023, thôn Kon Klor đạt chuẩn thôn nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS.
Điều đáng nói, dù ở rất gần phố thị, chịu nhiều tác động của đời sống hiện đại, nhưng người dân thôn Kon Klor vẫn luôn trân quý, bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống cha ông để lại.
Ở giữa làng, ngôi nhà rông sừng sững với mái cao vút vẫn được giữ nguyên; những hoạt động, nghi lễ văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng, hộ gia đình như làm rượu cần, dệt thổ cẩm, đan lát dụng cụ phục vụ sản xuất và sinh hoạt, các lễ hội truyền thống, các đội cồng chiêng, múa xoang vẫn được người dân duy trì. Mỗi khi làng có lễ hội hay vào những dịp lễ tết, trong làng lại ngân vang tiếng chiêng hòa cùng điệu xoang nhịp nhàng đắm say lòng người.
Không chỉ ở thôn Thanh Xuân hay thôn Kon Klor, việc xây dựng nông thôn mới gắn với gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc là mục tiêu chung đang được các thôn làng, địa phương nỗ lực thực hiện. Từ đó, tạo nên bức tranh nông thôn mới sống động, tươi mới và giàu bản sắc.
Việc xây dựng thôn, làng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã và đang đạt được những kết quả tích cực. Đây chính cơ sở quan trọng góp phần thực hiện xây dựng xã nông thôn mới đạt kết quả cao và thực chất./.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 42 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; 37 thôn, làng DTTS đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025.
Thùy Hương