Sớm tu sửa, phát huy di tích lịch sử cách mạng căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum
Di tích lịch sử cách mạng căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dù đã được đầu tư tôn tạo nhưng di tích hiện có nhiều hạng mục hư hỏng, xuống cấp cần được đầu tư tu sửa.
“Dễ thủ khó công”
Tháng 8/1959, Ban cán sự tỉnh Kon Tum tiếp thu phương hướng, nhiệm vụ của Khu ủy xây dựng tỉnh Kon Tum thành một tỉnh căn cứ cách mạng, xây dựng lực lượng tự vệ, lực lượng vũ trang, phòng chống địch càn quét, diệt ác ôn, đầu sỏ… và đã chọn địa điểm suối Đăk Y Hai, thuộc xã Măng Xăng (nay là xã Măng Ri) làm căn cứ hoạt động.
Sở dĩ vùng vùng đất này được chọn làm khu căn cứ vì có địa hình chia cắt rất phức tạp, một hệ thống đồi núi liên hoàn nằm trong quần thể núi Ngọc Linh vô cùng hiểm trở “dễ thủ khó công”.
|
Vùng đất này lại có một hành lang giao thông liên hoàn rất thuận lợi cho hệ thống liên lạc: Phía đông là căn cứ Khu ủy Khu V; phía nam là căn cứ cách mạng Tam Rông, Tu Kép, Tu Thó; phía tây là vùng căn cứ cũ… rất thuận lợi trong việc triển khai nhiệm vụ do Khu ủy Khu V giao phó.
Bên cạnh đó, địa bàn còn là nơi có đủ điều kiện để tổ chức tăng gia sản xuất phát triển kinh tế nông nghiệp, cung cấp lương thực, thực phẩm khá dồi dào cho quá trình hoạt động cách mạng lâu dài.
Với những điều kiện thuận lợi như vậy, cơ quan Tỉnh uỷ đã đặt tại nơi đây và hoạt động trong suốt 12 năm (1960-1972), huy động được sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt các nội dung cốt lõi của Đảng “Lấy dân làm gốc”.
Trên cơ sở đó, trong suốt cuộc đấu tranh chống Mỹ, nhân dân các dân tộc trong vùng căn cứ như xã Ngoc Lây, Tê Xăng, Măng Ri… đã tham gia tích cực trong mọi hoạt động chống quân thù. Đặc biệt, riêng nhân dân xã Măng Ri đã có nhiều đóng góp to lớn cả về nhân lực cũng như vật lực để phục vụ cách mạng, phục vụ kháng chiến. Cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang, dân quân du kích xã đã trực tiếp tham gia 17 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt và làm tan rã 2 tiểu đoàn Mỹ - Ngụy, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch.
Cũng tại đây, cơ quan Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức thành công 4 kỳ đại hội (Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I, tháng 3/1960; Đại hội Đảng bộ tỉnh lần II, tháng 10/1965; Đại hội Đảng bộ tỉnh lần III, tháng 11/1968 và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần IV, tháng 11/1971); đồng thời chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chỉ thị của tỉnh, của cấp trên ban hành, chỉ đạo quân và dân Kon Tum giành được nhiều thắng lợi quan trọng trên chiến trường, góp phần đánh bại hoàn toàn các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ ngụy.
Trong đó, nổi bật là chiến dịch Xuân Hè năm 1972 trên địa bàn tỉnh Kon Tum, ta đã tiêu diệt phần lớn sinh lực địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, tiêu diệt nhiều cứ điểm quan trọng của địch, nhất là cụm phòng ngự Đăk Tô - Tân Cảnh, làm thay đổi cục diện chiến tranh trên địa bàn tỉnh Kon Tum và Bắc Tây Nguyên.
Cần sớm được tu sửa
Vào năm 2007, Khu căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum được công nhận Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. 4 năm sau, vào năm 2011, Dự án tôn tạo, xây dựng khu di tích do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư được triển khai nhằm trùng tu, tôn tạo thành điểm tham quan, du lịch và là địa chỉ “Về nguồn” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 81 tỷ đồng, dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 (đã hoàn thành năm 2015) đầu tư đường vào Khu Di tích; xây dựng nhà đón tiếp, cổng, sân lễ hội; phục dựng các khu chức năng của Tỉnh ủy cũ, như nhà Ban cơ yếu, hội trường, hầm làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nhà hậu cần, nhà bộ phận phục vụ... Giai đoạn 2 (đang triển khai) xây dựng nhà trưng bày, nhà bia, cụm tượng đài...
|
Đầu năm 2016, Dự án tôn tạo, xây dựng khu di tích sau khi hoàn thành giai đoạn 1 đã được bàn giao về cho UBND huyện Tu Mơ Rông quản lý, khai thác sử dụng. Tuy nhiên, cho đến nay, sau một thời gian phục dựng, đưa vào phục vụ tham quan, du lịch, nhiều hạng mục tại đây đã hư hỏng, xuống cấp.
Theo báo cáo của huyện Tu Mơ Rông, các hệ thống chòi nghỉ chân hiện nay đã bị người dân địa phương viết chữ lên tường, các trụ cột và có nhiều vết rạn nứt. Nhà làm việc của Bí thư, Phó bí thư, hội trường, Văn phòng Tỉnh uỷ, Nhà điện đài, Ban cơ yếu... phần mái lợp bằng tranh, do tác động của thời tiết đã bị mục nát. Hạng mục hầm của Bí thư, Phó bí thư, hội trường, Văn phòng Tỉnh uỷ, Nhà điện đài, Ban cơ yếu ... đã vùi lấp chưa phục dựng. Hệ thống nhà đón tiếp, làm việc và quản lý cũng như hệ thống nhà vệ sinh của Khu Di tích hiện nay xuất hiện tình trạng mối mọt, rong rêu, cỏ lá bao phủ và một số hệ thống điện, nước bị hư hỏng… Ngoài ra, theo quan sát của chúng tôi, con đường lên Khu Di tích cũng có một số điểm, đoạn, rãnh thoát nước bị hư hỏng, xuống cấp.
“Đáng lo ngại nữa là bà con trong vùng phát rẫy gần đến Khu Di tích, nếu không bảo vệ thì có nguy cơ xâm hại Khu di tích. Các công trình phục dựng, tôn tạo thì chưa có biển báo và biển chỉ dẫn để du khách đến xem nên không nhận ra các điểm di tích cụ thể. Cùng với đó chưa có hạng mục bia di tích để cho du khách khi đến đây biết về giá trị lịch sử của di tích tích này trong tiến trình lịch sử của tỉnh Kon Tum trong những năm chống Mỹ cứu nước” – Một cán bộ huyện Tu Mơ Rông nói.
Khu Di tích có diện tích 37.000m2. Trong đó, diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích khu I là 10.000m2 (có các hạng mục công trình đã tôn tạo như: Nhà làm việc của đồng chí Bí thư, nhà làm việc của đồng chí Phó bí thư, nhà bộ đội, nhà hậu cần, hầm trú ẩn, nhà điện đài, hội trường, văn phòng và phòng làm việc của đồng chí Bí thư, nhà ban cơ yếu, Văn phòng Tỉnh ủy, các công trình vệ sinh, đường, nhà bếp); diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích khu II là 20ha, quy hoạch bảo vệ rừng gắn với khu du lịch sinh thái, diện tích này hiện nay do Công ty CP sâm Ngọc Linh quản lý.
Tại buổi làm việc với đồng chí Trần Thị Nga- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, UBND huyện Tu Mơ Rông kiến nghị giao tổng diện tích 3,75ha khuôn viên Khu di tích để địa phương quản lý và đưa công trình đã đầu tư giai đoạn đầu hơn 63 tỷ vào quản lý, khai thác tiềm năng du lịch… Huyện cũng đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí tôn tạo các hạng mục giai đoạn 2 và tu bổ, sửa chữa các hạng mục đã bị xuống cấp, đồng thời chỉ đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận Di tích cấp Quốc gia…
Ông A Hơn - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Khu Di tích được giao về cho huyện quản lý nhưng không có kinh phí nên trước mắt huyện đã phải trích tiền thuê hai người hàng ngày làm công tác chăm sóc, bảo vệ.
Thiết nghĩ, để phát huy hiệu quả của di tích, các cấp, các ngành cùng với việc sớm đầu tư, sửa chữa các hạng mục, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân trong khu vực nêu cao ý thức quản lý, bảo vệ di tích.
Văn Phương