Sớm hỗ trợ đền bù cho người dân
Một số hộ dân trên địa bàn xã Tân Cảnh (huyện Đăk Tô) phản ánh từ ngày nhà máy thủy điện Đăk Pô Kô được xây dựng đi vào hoạt động thì hàng ngàn mét vuông đất nông nghiệp, cây trồng của người dân bị cuốn trôi theo mỗi lần tích, xả nước thủy điện.
Thủy điện Đăk Pô Kô (có công suất 16,5 MW), do Công ty CP Đầu tư và Phát triển điện năng Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư được triển khai xây dựng năm 2015 trên sông Pô Kô thuộc địa bàn xã Tân Cảnh và Pô Kô, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2018. Nhưng, theo một số hộ dân trên địa bàn xã Tân Cảnh, kể từ sau khi thủy điện đi vào hoạt động, nhiều diện tích đất nông nghiệp, hoa màu của người dân nằm phía thượng lưu và hạ lưu đập liên tục bị sạt lở xuống lòng sông làm mất đất sản xuất và cây trồng của người dân.
|
Gia đình ông Thạch Quang Thống (73 tuổi) ở thôn 1, xã Tân Cảnh là một trong những hộ dân bị ảnh hưởng nặng nhất. Gia đình ông có 3,7ha đất trồng cà phê nằm ở phía thượng lưu, cách đập thủy điện Đăk Pô Kô chỉ vài trăm mét. Mảnh đất này có trên 50 mét tiếp giáp với khu vực lòng hồ thủy điện.
Theo ông Thống, mỗi lần thủy điện tích-xả nước đất sản xuất nông nghiệp lại bị sạt lở xuống dòng nước một ít. Ước tính, diện tích đất của gia đình ông Thống cũng đã bị sạt lở trên 1.500m2 cùng nhiều cây cối. “Nhìn đất đai, cây cối bị cuốn theo dòng nước tôi thấy xót vô cùng. Vì vậy, tôi đã kiến nghị và gửi đơn kêu cứu chính quyền địa phương và đề nghị thủy điện có biện pháp giảm tình trạng sạt lở và hỗ trợ, đền bù thiệt hại cho người dân nhưng nhiều năm rồi đến nay vẫn chưa được giải quyết” - ông Thống nói.
Tương tự, gia đình ông Trần Kim Sáu (53 tuổi, trú tại thôn 1, xã Tân Cảnh) có diện tích đất canh tác cà phê ở đối diện cửa xả thủy điện Đăk Pô Kô. Theo ông Sáu, mỗi lần thủy điện xả lũ, nước sông dâng lên, đất đai, cây trồng cũng bị cuốn theo. Trong 3 năm qua, gia đình ông bị sạt lở khoảng 1.000m2 đất canh tác, thiệt hại khoảng 80 gốc cà phê đang kinh doanh xuống lòng sông.
“Chúng tôi đã nhiều lần ý kiến lên chính quyền địa phương. Cán bộ xã, huyện cũng đến đo đạc, xác định thiệt hại. Nhưng đến bây giờ, chúng tôi vẫn chưa được đền bù thỏa đáng”- ông Sáu cho hay.
|
Cũng nằm trong tình cảnh tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Nghị (58 tuổi) có 5ha đất đang sản xuất nằm ở phía hạ du, cách cửa xả nước của thủy điện Đăk Pô Kô khoảng 200 mét. Theo ông Nghị, nhiều năm trước gia đình ông canh tác không có vấn đề gì, kể cả trận lũ lịch sử năm 2009 cũng không bị sạt lở. Thế nhưng, từ khi có thủy điện, nước từ cửa xả chảy thẳng vào đất của gia đình ông gây xói lở. Đến nay, khoảng hơn 3 sào trồng cà phê, bời lời, dừa đã bị cuốn trôi khiến ông càng thêm lo lắng sẽ tiếp tục bị xói lở trong thời gian tới”.
Ông Mai Huy Hưng- Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh cho biết, sau khi có ý kiến của người dân, Sở Công thương thành lập đoàn liên ngành đến hiện trường tìm hiểu. Qua làm việc, đoàn liên ngành kết luận nguyên nhân tình trạng sạt lở là do bão và cũng có một phần do thủy điện. Qua đó, xác định có 8 hộ với khoảng 20.000m2 đất bị thiệt hại, hơn 1.500 cây trồng các loại bị cuốn trôi. Phía thủy điện đã thông qua UBND xã hỗ trợ mỗi hộ một vài triệu để tự khắc phục nhưng bà con không nhận, chính quyền đã trả lại cho thủy điện.
Cũng theo ông Hưng, quá trình đầu tư xây dựng, thủy điện Đăk Pô Kô đã có biên bản ghi nhớ với địa phương là sẽ làm kè trước cửa xả để tránh sạt lở đất của người dân nhưng chỉ làm bằng bao cát nên thời gian ngắn là hỏng. Xã cũng đã đề nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo chủ đầu tư nhà máy sớm có phương án xây dựng kè phía hạ lưu đập thuỷ điện để chống sạt lở đất sản xuất của người dân.
Mới đây, ngày 4/1, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với các phòng chức năng của huyện, xã, người dân và chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Đăk Pô Kô tiếp tục đi kiểm tra, xác định, đánh giá mức độ ảnh hưởng, đồng thời, họp bàn thống nhất các giải pháp khắc phục, hỗ trợ cho người dân. Hơn lúc nào hết, người dân mong muốn ngoài việc hỗ trợ đền bù một cách thỏa đáng thì nhà máy cũng cần có biện pháp khắc phục nhằm tránh gây ảnh hưởng sạt lở đất đai, cây trồng, để người dân yên tâm sản xuất.
Hà Nam