Sau 5 năm thực hiện Dự án 600 Phó Chủ tịch xã: Sức trẻ trên vùng đất khó
Bằng nhiệt huyết, sức trẻ, kiến thức, các đội viên trí thức trẻ Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 63 huyện nghèo theo Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 26/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt Dự án 600 phó chủ tịch xã) đã hiến kế nhiều mô hình, đề án phát triển kinh tế - xã hội mang lại hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận.
Kiến thức + sức trẻ
Trong chuyến công tác về xã Pờ Ê (huyện Kon Plông), chúng tôi gặp chị Đinh Thị Hạnh – Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Ê. Chị Hạnh là một trong số những đội viên tham gia Dự án 600 phó chủ tịch xã.
Khó mà kể hết sự chân tình của bà con dành cho chị Hạnh khi chúng tôi cùng chị về thôn Vi Ktàu thăm mô hình dệt chiếu cói của bà con nơi đây. Miệng nói, tay trực tiếp làm hướng dẫn, chị Hạnh cùng bà con trò chuyện từ mùa vụ, các loại giống mới đến nuôi dạy con cái, nhắc nhở đưa các cháu đi tiêm phòng, cho đến lớp theo đúng độ tuổi…
Chị kể rằng, năm 2012, sau khi tốt nghiệp đại học ngành Kinh tế phát triển ở Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum thì tỉnh có thông báo tuyển trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã các huyện nghèo, chị liền đăng ký tham gia. Là người dân tộc Hrê, chị cảm thấy mình may mắn và phù hợp khi được phân công về xã Pờ Ê với gần 100% là người dân tộc Hrê. Mang theo năng lực, tâm huyết cộng với những hiểu biết về phong tục, tập quán, biết ngôn ngữ, chị phát huy được lợi thế và đem những kiến thức mình học được để giúp bà con. Để chị thuận tiện trong công tác, chồng con chị cũng chuyển từ thị trấn Đăk Rve (huyện Kon Rẫy) lên sinh sống ở Pờ Ê cùng với chị.
|
Mọi việc bước đầu cơ bản thuận lợi, chị Hạnh bắt tay vào công việc. Chị Hạnh tâm sự, là người Hrê nên chị hiểu rõ những khó khăn của bà con nơi đây. Bà con khổ vì nhận thức còn hạn chế, mình phải tuyên truyền, làm mẫu, làm gương thì bà con mới tin và nghe theo. Chị cũng nhận thấy nơi đây mùa vụ ngắn, nắng ít nên thời gian tập trung vào mùa, vệ sinh môi trường cũng là vấn đề. Vậy là, chị đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, để lắng nghe, chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng bà con. Rồi, chị cùng lãnh đạo xã vận động bà con hỗ trợ nhau đổi công mùa gặt, làm nhà, nuôi trâu bò chung… vừa lợi công vừa mang lại hiệu quả. Chính phương châm “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) ấy, chị Hạnh đã tạo được tình cảm, niềm tin yêu của bà con với một phó chủ tịch xã trẻ.
Tâm huyết đó, cống hiến đó có lẽ không là của riêng chị Hạnh. Trong đợt tuyển chọn thực hiện Dự án 600 phó chủ tịch xã, tỉnh đã tuyển chọn và bố trí 18 đội viên tăng cường giữ chức danh phó chủ tịch xã ở hai huyện nghèo Tu Mơ Rông và Kon Plông. Trong đó, có 13 người được phân công phụ trách lĩnh vực văn hoá-xã hội, 5 người phụ trách lĩnh vực kinh tế (sau đó, có 1 đội viên xin nghỉ việc vì hoàn cảnh gia đình).
Sau 5 năm, bằng nhiệt huyết, sức trẻ, kiến thức, các đội viên đã hiến kế, xây dựng nhiều tiểu đề án, mô hình phát triển kinh tế - xã hội đưa vào thực hiện như: Đề án trồng cà phê xứ lạnh, mô hình chăn nuôi bò sinh sản, mô hình trồng cây bời lời đỏ… Các đội viên cũng đã phối hợp với các đoàn thể xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Với sự kiên trì, không ngừng học hỏi, cấp ủy, chính quyền nơi các đội viên công tác đã ghi nhận, nhân dân tín nhiệm. Cụ thể, có 3 đội viên được bầu vào Ban chấp hành đảng ủy xã nhiệm kỳ 2015-2020; 14 đội viên được kết nạp Đảng, 3 đội viên được đi học cảm tình Đảng; 16 đội viên được địa phương quy hoạch bố trí công tác sau khi kết thúc Dự án.
Ông A Hơn – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông nhận xét rằng: Qua 5 năm công tác, các đội viên đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, đem tri thức và sức trẻ cùng chính quyền địa phương triển khai, thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Đặc biệt, khi các đội viên của Dự án về địa phương, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc cấp xã, ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong sản xuất của bà con đã có nhiều đổi mới.
Mở lối “đầu ra”
Thời gian trước, khi chúng tôi gặp chị Đinh Thị Hạnh và cũng như các đội viên trí thức trẻ tăng cường về làm phó chủ tịch xã ở hai huyện nghèo ai ai cũng băn khoăn về “đầu ra” khi Dự án kết thúc (tháng 6/2017 này). Vì các đội viên thuộc biên chế tăng cường chứ không nằm trong biên chế cấp xã nên khi hết thời hạn của Dự án, các địa phương không thể tiếp nhận. Trong cuộc họp trực tuyến đánh giá thực hiện Dự án do Sở Nội vụ tổ chức với các huyện trong tháng 4/2017 mới đây, chị Y Ly Sa – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông) cũng đã bày tỏ mong muốn tiếp tục làm việc tại xã để có thêm cơ hội rèn luyện, trưởng thành, cống hiến và cụ thể hơn là tiếp tục theo đuổi những mô hình do chị đứng ra triển khai, đưa vào áp dụng rộng rãi.
Và điều đáng mừng là những băn khoăn, lo lắng về “đầu ra” của các trí thức trẻ tình nguyện đã cơ bản được hóa giải. Tháng 4/2016, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã có Thông báo số 06 thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 63 huyện nghèo. Theo đó, Bộ Nội vụ có công văn số 2436 triển khai các nội dung về tiếp tục thực hiện Dự án 600 phó chủ tịch UBND xã theo hướng đối với tất cả những đội viên hoàn thành nhiệm vụ sẽ được cấp ủy hoặc chính quyền từ cơ sở xem xét, bố trí công việc phù hợp với trình độ, năng lực của từng đội viên, có thể trở thành công chức từ cấp xã trở lên.
Cũng từ trên cơ sở này, Sở Nội vụ đã công văn số 54 đề nghị UBND hai huyện Kon Plông và Tu Mơ Rông báo cáo tình hình bố trí, sử dụng đội viên trong và sau khi kết thúc Dự án; đồng thời, rà soát chỉ tiêu biên chế của toàn huyện để sắp xếp, bố trí, sử dụng đội viên Dự án này. Theo đó, như ở huyện Kon Plông đã có dự kiến bố trí công tác và đề nghị tuyển dụng 6 đội viên vào công chức cấp xã (tùy vào ngành học, năng lực công tác để huyện dự kiến bố trí vào các chức danh khác nhau: Tư pháp – Hộ tịch, Tài chính – Kế toán, Văn phòng – Thống kê…) nên những đội viên như chị Hạnh vô cùng phấn khởi, tập trung vào nhiệm vụ được phân công.
Như vậy, khi “đầu ra” cho các đội viên cơ bản đã rõ hướng thì càng khẳng định được những hiệu quả Dự án 600 phó chủ tịch xã mang lại. Không chỉ tạo được sự chuyển biến trong phát triển kinh tế xã hội, giúp thay đổi lề lối, tư tưởng làm ăn của bà con, Dự án còn tạo nguồn cán bộ trẻ có trình độ và kinh nghiệm cho các vùng đất khó.
N.P