Sa Thầy phấn đấu đạt mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo
Triển khai thực hiện Nghị quyết về giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều của Tỉnh ủy giai đoạn 2016-2020, huyện Sa Thầy đề ra mục tiêu mỗi năm giảm 6% tỉ lệ hộ nghèo và đến năm 2020 giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn xuống còn 10,33%.
Định hướng giúp hộ nghèo
Năm 2009, sau khi cưới vợ, anh A Lun ở làng Trấp, xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy) vẫn ở chung với bố mẹ – vì gia đình đông con, bố mẹ không có đủ đất đai để phân chia. Thường ngày, vợ chồng A Lun chỉ biết đi làm thuê, làm mướn.
Năm 2014, chứng kiến sự khó khăn của đôi vợ chồng trẻ, địa phương đã vận động bà con trong dòng họ của gia đình A Lun có nhiều đất sản xuất sang nhượng bớt cho gia đình anh 3 sào để ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.
Được bà con trong dòng họ sang cho mảnh đất bằng phẳng, nằm sát mặt tiền dẫn vào làng Trấp, vợ chồng A Lun đã quyết định ra riêng dựng nhà tạm để ở, phần đất còn lại vợ chồng anh trồng mỳ.
Nhằm tạo động lực cho gia đình A Lun sớm thoát nghèo, chính quyền địa phương đã vận động anh vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư mua tôn lợp nhà, số tiền còn lại mua giống cây bời lời về trồng xen mỳ.
Căn nhà của vợ A Lun tuy vẫn còn đơn sơ, cuộc sống vẫn còn chật vật nhưng như lời vợ chồng anh cho biết: So với trước đây thì bây giờ đỡ vất vả hơn rất nhiều.
A Lun nói: Vợ chồng mình cố gắng động viên nhau làm ăn để có điều kiện chăm lo cho con cái học hành. Bởi, mình sợ cái cảnh nghèo đeo bám, con cái sẽ không được học hành rồi sinh ra các tệ nạn…
“Mới đây, được cán bộ xã tư vấn phát triển thêm nghề chăn nuôi heo, vừa lấy phân bón cho cây trồng, vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình nên vợ chồng cũng đang dành dụm tiền để xây dựng chuồng trại và mua cặp heo giống về nuôi” – chị Y Phúc, vợ anh A Lun phấn khởi khoe với chúng tôi.
Sau khi cưới nhau vợ chồng A Hin ở làng Lút, xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy) được bố mẹ cho vài sào lúa rẫy nhưng cuộc sống vẫn chật vật, làm không đủ ăn, vì đất rẫy không được tốt lại bị chim chuột phá hại.
|
Để giúp gia đình A Hin thoát nghèo, năm 2014, qua tìm hiểu thực tế, địa phương cử cán bộ xuống vận động họ hàng của người thanh niên này sang nhượng 2 sào đất để giúp anh phát triển kinh tế. Cán bộ cơ sở cũng đã hướng dẫn cách làm ăn, tư vấn cho A Hin vay mượn ít tiền của người thân đầu tư trồng bời lời. Để có tiền trang trải cuộc sống, vợ chồng anh còn tranh thủ đi làm thuê, làm mướn; thuê đất trồng mỳ để có thêm thu nhập…
Làm theo hướng dẫn của cán bộ địa phương, tiền làm thuê, làm mướn hàng ngày cũng đủ để vợ chồng A Hin chi tiêu. Riêng khoản thu nhập từ 1ha đất trồng mỳ, mỗi năm được 15 triệu đồng, vợ chồng anh dành dụm để xây nhà.
A Hin nói: Trước đây, ngoài thiếu vốn, thiếu đất sản xuất thì không biết cách làm ăn cũng là nguyên nhân dẫn đến cái nghèo. Được cán bộ địa phương tư vấn, giúp đỡ, bây giờ, bản thân đã mạnh dạn hơn; làm ăn kinh tế đã biết tính đến lợi nhuận.
Chủ tịch UBND xã Ya Tăng - Rơ Mah Nhơn cho biết, với một xã còn nhiều khó khăn thì nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo phụ thuộc vào các chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, với cách nghĩ, cách làm của bà con như lâu nay thì những hộ nghèo rất khó thoát nghèo, dù được cấp vốn. Nhận thấy được điều này, địa phương chỉ đạo mặt trận và các đoàn thể, cán bộ trực tiếp làm công tác giảm nghèo tích cực tư vấn, hướng dẫn cho bà con cách thức làm ăn để mỗi hộ nghèo phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, nhờ thế nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững...
Giúp người nghèo vươn lên
Theo ông Lê Văn Phúc – Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Sa Thầy, quan điểm của huyện đối với công tác giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2020 là bên cạnh phát huy hiệu nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cần vận động sự đóng góp của xã hội và sự tự lực vươn lên của người dân để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là về sản xuất lâm nghiệp-nông nghiệp để giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội bền vững; trong đó sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của chính hộ nghèo sẽ là nhân tố quyết định sự thành công của mục tiêu giảm nghèo.
Bên cạnh đó, giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhanh và bền vững là phương pháp mới nên vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể các cấp cần phát huy mạnh mẽ hơn, sâu sát hơn, đồng bộ hơn; các bước, các khâu trong công tác giảm nghèo cũng phải phát huy được vai trò làm chủ của người dân, từ việc xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá hiệu quả chính sách giảm nghèo.
Quyết tâm đạt mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, hướng đi của Sa Thầy là tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn kinh tế nông lâm, thủy sản gắn với phát triển các ngành nghề truyền thống; tập trung hỗ trợ các nguồn lực về cây con giống cho người nghèo, để người nghèo có điều kiện, cơ hội phát triển, vươn lên thoát nghèo; tiếp tục chuyển giao các khoa học kỹ thuật về thâm canh, canh tác để tăng năng suất các loại cây trồng; khai thác lợi thế trên địa bàn để mở các dịch vụ kinh doanh, tạo nguồn sản phẩm cho người dân; kết hợp với doanh nghiệp trên địa bàn để thu mua sản phẩm nông sản cho nông dân.
Đối với các xã đặc biệt khó khăn, tiếp tục tăng cường các chương trình đầu tư mục tiêu từ ngân sách để phát triển như hệ thống chính sách về vốn vay, giải quyết việc làm, củng cố các loại hình kinh tế HTX liên kết với nhà máy chế biến nông lâm thủy sản trong vùng, các dịch vụ đầu tư và đầu ra của sản phẩm; tăng cường công tác truyền thông về chính sách DS-KHHGĐ để giảm bớt áp lực về dân số, chống thất nghiệp và thiếu việc làm - ông Lê Văn Phúc chia sẻ.
Tú Quyên