Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc: Phát huy sức mạnh của toàn dân
Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào công cuộc bảo vệ an ninh trật tự, những năm qua, cấp ủy và chính quyền các cấp đã tăng cường công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Từ đó, nhiều nhân tố mới, mô hình, điển hình tiên tiến xuất hiện, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong những năm qua, Công an tỉnh thường xuyên tăng cường lực lượng đến các địa bàn trọng điểm nắm tình hình, tuyên truyền các chuyên đề pháp luật về phòng chống tội phạm; phòng chống ma túy, an toàn giao thông; phòng, chống cháy nổ, quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ... cho mọi người dân hiểu và nắm vững để thực hiện.
Trong 10 năm qua (giai đoạn 2006-2016), lực lượng công an các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cùng các ban, ngành, đoàn thể đã tổ chức trên 2.500 buổi tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các thôn, làng trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự với khoảng trên 343.000 lượt người tham gia. Tại các trường trung học phổ thông, trường giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn, cũng có trên 60 đợt phát động với hàng chục ngàn học sinh, sinh viên, giáo viên tham gia...
Đánh giá về hiệu quả của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Đại tá Nguyễn Công Văn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh khẳng định: Qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, người dân thường xuyên được cung cấp thông tin về tình hình hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; hoạt động của các loại tội phạm...; đồng thời, đẩy mạnh vận động toàn dân tham gia phòng ngừa phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội. Vì vậy, mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đều được nâng cao nhận thức chính trị, ý thức cảnh giác; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, các hoạt động lợi dụng tôn giáo, dân tộc gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự...
|
Để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sức mạnh của toàn dân trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Ban chỉ đạo phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các cấp đã nghiên cứu và lựa chọn các mô hình, các điển hình tiên tiến hoạt động có hiệu quả trong phong trào, phù hợp với từng địa bàn, khu dân cư để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo xây dựng, nhân rộng...
Được xây dựng điểm vào năm 2009 tại hai khu dân cư trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự là thôn Kon Rờ Bàng 1 và Kon Rờ Bàng 2 (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum), mô hình “Đội tự quản về an ninh trật tự” có từ 10-12 thành viên hoạt động dựa trên hương ước, quy ước khu dân cư theo hình thức tự nguyện, tự quản, tự phòng, đã góp phần không nhỏ trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng thôn, làng văn hóa, không có tội phạm, tệ nạn xã hội. Từ năm 2010, mô hình này đã trở thành điển hình và được thành phố Kon Tum nhân rộng ở tất cả các thôn, làng còn lại trên xã Vinh Quang và sau đó được nhân rộng hầu hết các xã, phường để học tập, triển khai.
Bên cạnh đó, UBMTTQ Việt Nam tỉnh chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên và lực lượng công an chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng các mô hình điểm về phòng chống tội phạm; phòng chống ma túy, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Qua đó, tiến hành khảo sát và xây dựng 15 mô hình khu dân cư điểm không có tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông cấp tỉnh và 30 mô hình khu dân cư điểm đảm bảo an toàn giao thông cấp huyện...
Riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã xây dựng 9 câu lạc bộ “Phụ nữ tích cực phòng, chống ma túy từ trong gia đình” tại 9 xã thuộc 9 huyện, thành phố; 2 câu lạc bộ “Phụ nữ phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em” tại 2 xã biên giới của hai huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi, cùng nhiều câu lạc bộ, mô hình khác về phòng, chống ma túy; bạo lực trong gia đình, gia đình không có người thân vi phạm pháp luật, vi phạm an toàn giao thông... đã và đang hoạt động có hiệu quả.
Hội Nông dân tỉnh xây dựng, thành lập điểm 13 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” ở 9 thôn, xã thuộc ở 7 huyện (Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Kon Rẫy, Đăk Hà, Sa Thầy, Tu Mơ Rông), với mục đích là hoạt động trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân. Từ 13 câu lạc bộ điểm, đến nay các cấp hội đã nhân rộng thành 32 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” và đã thực hiện trên 2.000 lượt tư vấn pháp luật cho khoảng trên 11.000 hội viên, nông dân...
Ngoài ra, lực lượng công an còn phối hợp với các đoàn thể khác xây dựng nhiều mô hình như “Cựu chiến binh cảm hóa thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật” của phường Duy Tân; mô hình “Tổ xung kích, tự quản” của các cấp Hội Cựu chiến binh trong tỉnh... Các mô hình này đã và đang được triển khai sâu rộng trên khắp địa bàn tỉnh góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội ở địa phương.
Thông qua phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong đảm bảo an ninh trật tự, quần chúng nhân dân đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng điều tra làm rõ các vụ án; hòa giải thành công các vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay tại cơ sở. Nhờ đó, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội và mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân giảm đáng kể, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo nên thế trận an ninh nhân dân liên hoàn, vững chắc.
Bài ảnh: Dương Đức