Phát triển nhà ở xã hội
Nhà ở xã hội đang là giải pháp được kỳ vọng giải quyết khó khăn về nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp hiện nay. Nhưng thực tế phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh cho thấy nhiều bất cập, cần có “cú huých” đủ mạnh trong thời gian tới.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta xác định nhà ở là 1 trong 3 trụ cột của an sinh xã hội, "an cư mới lạc nghiệp", công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề cập nhiều nội dung để bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng về nhà ở cho công dân, phát triển nhà ở xã hội.
Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 388/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Đối với tỉnh ta, phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó quan tâm phát triển nhà ở xã hội cho các nhóm đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội theo quy định.
|
Theo Niên giám thống kê tỉnh Kon Tum năm 2020, từ năm 2014 đến năm 2020, nhà ở toàn tỉnh tăng từ 123.645 căn lên 142.473 căn (tăng 18.828 căn nhà). Bao gồm các loại hình nhà ở thương mại; nhà ở do người dân tự xây dựng; dự án nhà ở xã hội; dự án nhà ở tái định cư; nhà ở công vụ.
Những năm gần đây, quỹ đất dành cho việc phát triển nhà ở xã hội đã được quy hoạch và xem xét phê duyệt tại các khu quy hoạch, các dự án phát triển nhà ở thương mại và dự án phát triển đô thị trên địa bàn.
Tuy nhiên, thực tế phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh cho thấy nhiều bất cập, và chưa được như kỳ vọng.
Theo báo cáo từ ngành chức năng, đến nay toàn tỉnh mới có 2 dự án nhà ở xã hội với 144 căn, gồm dự án Khu dân cư Hoàng Thành (xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum) với 48 căn; dự án nhà ở xã hội - nhà ở tái định cư tại Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla (thành phố Kon Tum) với 96 căn.
Thực tế này cho thấy việc kêu gọi đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra thủ tục hành chính lựa chọn chủ đầu tư còn vướng mắc, chồng chéo do quy định của pháp luật thì quy trình thực hiện nhiều bước, thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian cũng là rào cản.
Điều này lý giải vì sao một số quỹ đất đã được phê duyệt quy hoạch dành cho phát triển nhà ở xã hội vẫn “nằm im”, chưa được đầu tư xây dựng.
Quá trình đưa vào vận hành dự án nhà ở xã hội đã có cũng cho thấy những bất cập. Đơn cử câu chuyện về cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội tại chung cư Nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước tại Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla.
Đây là dự án nhà ở xã hội được xây dựng với quy mô khối nhà 9 tầng, tổng diện tích sàn 8.856,5m2, với 96 căn hộ. Đơn vị quản lý cho thuê 24 căn hộ; cho thuê mua 72 căn hộ (chiếm 75% tổng số căn hộ).
Phải nói rằng, rất nhiều người có thu nhập thấp đã hy vọng khi dự án đưa vào khai thác sẽ là cơ hội để họ có được ngôi nhà của mình.
Nhưng thực tế diễn ra lại khác. Người có thu nhập thấp khó có thể tiếp cận nhà ở xã hội. Thứ nhất, giá thuê, thuê mua nhà ở xã hội không hề rẻ, nếu muốn nói là quá cao. Thứ hai, việc thuê, thuê mua nhà ở xã hội không hề dễ dàng, đòi hỏi thủ tục rất phức tạp.
Hậu quả là dự án này lâm vào tình trạng ế ẩm. Đến tháng 2/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 11/2024/QĐ-UBND điều chỉnh giảm giá thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội tại dự án trên.
|
Theo đánh giá của UBND tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phát triển nhà ở xã hội không đạt yêu cầu, dù tỉnh đã tích cực kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội tại địa phương.
Trong đó bao gồm tâm lý người dân vẫn thích sở hữu nhà và đất riêng lẻ chứ không thích ở căn hộ chung cư; nhu cầu nhà ở xã hội chưa cao như các đô thị khác.
Chính sách pháp luật về đất đai, đầu tư có nhiều thay đổi, nhiều dự án khảo sát chưa kỹ dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất còn chậm, nguồn lực tài chính của nhà đầu tư còn hạn chế, việc bố trí cơ cấu nguồn vốn cho các dự án còn chậm, hạn chế.
Nguồn lực để đầu tư phát triển nhà ở xã hội của tỉnh còn hạn chế, chủ yếu từ vốn của doanh nghiệp. Trong khi cơ chế ưu đãi chưa đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư tham gia lĩnh vực có lợi nhuận thấp như nhà ở xã hội.
Mới đây, tại Quyết định số 380/QĐ-UBND ngày 14/7 phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022 - 2026 và năm đầu kỳ, UBND tỉnh xác định khuyến khích phát triển loại hình nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
Mục tiêu phấn đấu là đến năm 2026, toàn tỉnh phát triển được khoảng 135.366m² sàn nhà ở xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền cần chủ động quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở, trong đó đặc biệt quan tâm tới quỹ đất bố trí nhà ở xã hội; khai thác có hiệu quả nguồn lực về đất đai để huy động các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; tạo ra một hành lang pháp lý rộng rãi, bao gồm thủ tục đơn giản, thông thoáng hơn, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này, từ đó đem lại nhiều cơ hội sở hữu nhà ở hơn cho người có thu nhập thấp.
Đồng thời, đã đến lúc cần sửa đổi quy định về đối tượng được mua nhà ở xã hội, để đảm bảo đó là “cánh cửa” mở ra cơ hội an cư cho người cần thật sự, và là hàng rào chặn người có điều kiện trục lợi.
Thành Hưng