Phát triển nguồn nhân lực trong tình hình mới
Nguồn lực lao động đóng vai trò quyết định đối với mọi hoạt động kinh tế trong các nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội. Trong những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm, tạo điều kiện để phát huy vai trò nguồn lực lao động. Chính vì vậy, nguồn lực lao động của tỉnh phát triển cả về số lượng, chất lượng.
Kon Tum là một tỉnh biên giới, miền núi, địa bàn rộng và phức tạp, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, với gần 55% dân số là đồng bào DTTS, sống phân tán, theo từng cụm, gần nơi sản xuất; trình độ văn hóa thấp, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại.
Đó là những thách thức lớn trong việc khai thác, phát triển nguồn lực lao động, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động trong thời gian qua ở Kon Tum.
Tuy vậy, xác định vai trò quan trọng của nguồn lực lao động, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Kon Tum đã thực hiện nhiều giải pháp, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.
Trong đó, đã triển khai, vận dụng tốt các chính sách ưu tiên với tỉnh biên giới, miền núi, vùng đồng bào dân tộc của Đảng, Nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia; triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hộ nghèo, hộ DTTS trong học tập như: hỗ trợ học phí, hỗ trợ bảo hiểm y tế, cho vay ưu đãi học phí sinh viên; thực hiện chính sách cử tuyển tạo nguồn nhân lực tại chỗ…
Ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện thể chất, sức khỏe, tầm vóc người dân. Đến nay, 100% thôn, làng đã có điện lưới quốc gia; nhiều công trình nước sạch, trạm y tế được xây dựng, trường học được kiên cố hóa, đảm bảo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
|
Chất lượng giáo dục-đào tạo chuyển biến tích cực, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS. Đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và giáo dục trung học cơ sở. Quy mô dạy nghề tăng nhanh, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề và thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp- dịch vụ.
Việc quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực được triển khai thực hiện thường xuyên. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện, tỷ lệ lao động được đào tạo đến năm 2020 là 52%. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Cuối năm 2020, toàn tỉnh có 9.500 người có trình độ đại học trở lên, trong đó có 755 người có trình độ thạc sỹ và tương đương, 36 người có trình độ tiến sỹ. Tri thức Kon Tum có mặt hầu hết trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, các lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ và các doanh nghiệp.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã không ngừng được nâng lên, đến năm 2021, có 85,79% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn (trong đó cán bộ đạt chuẩn là 78,76%, công chức đạt chuẩn là 94,4%).
Công tác giải quyết việc làm cho người lao động tiếp tục được quan tâm thông qua việc tổ chức đào tạo, cung ứng lao động; tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cho các đối tượng thanh niên, hộ nghèo, lao động chưa có việc làm. Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2021, đã giải quyết việc làm cho 6.177/5.700 người, đạt 108,3% kế hoạch.
Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan, nguồn lực lao động trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là, lực lượng lao động tuy đông, song chủ yếu là lao động nông nghiệp; chất lượng nguồn lực lao động thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và so với các địa phương khác. Tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động còn thấp.
Một bộ phận khá lớn lực lượng lao động chưa có việc làm thường xuyên, chủ yếu là lao động thời vụ, như hái cà phê, thu hoạch mì… Thu nhập của lao động còn thấp, ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất lao động.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI xác định mục tiêu: “Tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phấn đấu đến cuối năm 2025 có trên 60% lao động qua đào tạo, trong đó đào tạo nghề đạt 44%...”.
Đề án “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh (ban hành ngày 25/5/2021) cũng đề ra mục tiêu là phát triển nguồn nhân lực tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững của tỉnh.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm.
Theo đó, cần ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho công tác dân số, chăm sóc y tế nhằm cải thiện thể chất, sức khỏe lao động; thúc đẩy các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, tăng thu nhập.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững. Trong đó tập trung đào tạo nâng cao kỹ năng nghề và nhóm kỹ năng mềm.
Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm. Đa dạng hóa các hoạt động giới thiệu việc làm; đẩy mạnh triển khai và đa dạng hóa các dịch vụ cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Cập nhật và nắm bắt đầy đủ tình hình biến động về lao động tại các doanh nghiệp để đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời, gắn kết hoạt động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp với giao dịch việc làm nhằm nhanh chóng đưa người lao động quay trở lại thị trường lao động. Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động.
Ngoài ra, chính quyền và các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác dự báo về thị trường lao động ngắn hạn và dài hạn, về nguồn nhân lực địa phương, báo cáo xu hướng việc làm, nghề nghiệp, các ngành nghề dịch chuyển dưới tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề sau dịch Covid-19 và các ngành nghề đang phát triển, sẽ thu hút nguồn nhân lực trong thời gian tới nhằm hỗ trợ tối đa cho các đối tượng tham gia vào thị trường lao động.