Phát triển giáo dục nghề nghiệp
Kết quả giám sát của HĐND tỉnh về giáo dục nghề nghiệp của tỉnh cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, còn có nhiều bất cập cần giải quyết, nếu như muốn giáo dục nghề nghiệp phát huy đúng vị trí, vai trò trong nâng cao chất lượng lao động.
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh. Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ chính sách đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động nông thôn.
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh hiện nay gồm 1 cơ sở GDNN công lập (Trường Cao đẳng Kon Tum đào tạo từ trình độ cao đẳng trở xuống); 3 cơ sở GDNN ngoài công lập, đào tạo trình độ sơ cấp và 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) công lập cấp huyện có hoạt động GDNN đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng.
|
Các cơ sở GDNN và cơ sở có hoạt động GDNN được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, công trình phụ trợ, trang thiết bị đào tạo nghề, bố trí giáo viên để đảm bảo thực hiện đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội và chỉ tiêu giao, phù hợp với năng lực đào tạo của từng đơn vị.
Trong giai đoạn 2017-2023, các cơ sở GDNN đã được bố trí tổng kinh phí hơn 413,15 tỷ đồng để thực hiện công tác dạy nghề. Cũng trong 5 năm qua, đã có 39.395 chỉ tiêu được đào tạo nghề ở các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 3 tháng.
Công tác đào tạo nghề có nhiều đổi mới cả về nội dung chương trình và hình thức đào tạo theo hướng xã hội hóa, hợp tác liên kết để nâng cao chất lượng, gắn với nhu cầu xã hội.
Kiến thức chuyên môn, trình độ kỹ năng nghề của người học sau tốt nghiệp trường nghề ngày càng tiệm cận thực tế sản xuất, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Theo UBND tỉnh, hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo nghề, từ đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, giáo dục nghề nghiệp còn những tồn tại, hạn chế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho trình độ chuyên môn nghề nghiệp của lao động trong tỉnh còn thua kém so với các tỉnh trong khu vực và cả nước.
Báo cáo giám sát của HĐND tỉnh về giáo dục nghề nghiệp của tỉnh cũng chỉ rõ những bất cập, tồn tại cần giải quyết, nếu như muốn giáo dục nghề nghiệp phát huy đúng vị trí, vai trò trong nâng cao chất lượng lao động.
Trong đó nổi lên việc định hướng ngành nghề đào tạo nhìn chung chưa đảm bảo theo các định hướng ngành nghề chủ lực của địa phương mà chủ yếu dựa vào danh mục nghề đã có để đào tạo. Dẫn đến có tình trạng người lao động học theo kiểu “miễn cưỡng”; hoặc tham gia học nghề để hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Đáng chú ý hơn là, dù nhiều năm qua, chủ trương phân luồng học sinh sau bậc THCS theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã được triển khai, nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế.
|
Số liệu thống kê chỉ ra rằng, tỷ lệ học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp THCS không được cải thiện đáng kể qua từng năm. Như năm 2020 đạt 4,94%, năm 2021 đạt 8,1%, năm 2022 đạt 9,3%.
Số học sinh tốt nghiệp THPT học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng cũng trong tình trạng tương tự, thậm chí tụt lùi: Năm 2020 đạt 15,1%, năm 2021 đạt 16,1%, năm 2022 giảm xuống 12,4%.
Bên cạnh đó là nhiều hạn chế khác, như việc giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho các địa phương chủ yếu dựa vào chỉ tiêu của trung ương giao, chưa sát với nhu cầu thực tế.
Trang thiết bị đào tạo nghề hầu hết được đầu tư trang bị từ nhiều năm trước, không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa dẫn đến hư hỏng, xuống cấp, lạc hậu, không sử dụng nhưng hiện nay vẫn chưa có phương án xử lý nên khó thu hút người học.
Một số cấp ủy, chính quyền chưa có biện pháp chỉ đạo tích cực trong công tác tuyên truyền tư vấn học nghề; việc khảo sát nhu cầu học nghề chưa sát với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Để thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp phát triển, ngày 11/7/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3101/KH-UBND về việc thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kế hoạch xác định một số chỉ tiêu cụ thể như, đến năm 2030 thu hút 45-50% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động. Đến năm 2045, đáp ứng cơ bản nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, tiếp cận được trình độ tiên tiến của thế giới.
Muốn hoàn thành được các mục tiêu trên, tỉnh cần chỉ đạo rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN trên các tiêu chí, tiêu chuẩn như quy mô đào tạo, trình độ giáo viên, quản trị, gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm, trình độ học viên sau đào tạo, việc làm.
Từ đó sắp xếp, củng cố, đầu tư mua sắm trang thiết bị có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động phù hợp với điều kiện thực tế.
Các ngành liên quan, chính quyền địa phương phối hợp giao chỉ tiêu đào tạo nghề, trình độ đào tạo nghề phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các chương trình MTQG liên quan đến công tác đào tạo nghề.
Thực hiện thực chất, có hiệu quả đối với học sinh sau tốt nghiệp THCS hoặc THPT tham gia học nghề theo Đề án phân luồng học sinh đã được phê duyệt.
Các cơ sở GDNN, cơ sở có hoạt động GDNN trên địa bàn tỉnh cần chủ động trong xây dựng kế hoạch và tạo thương hiệu cho đơn vị để thu hút người học nghề. Tăng cường nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, vốn dễ thay đổi theo xu hướng phát triển kinh tế - xã hội.
Thành Hưng