Phẩm giá nghề giáo
Không phải tự nhiên mà nghề giáo được tôn vinh là nghề cao quý! Sự cao quý ấy được hình thành và bồi đắp qua đằng đẵng tháng năm, bằng phẩm giá của bao thế hệ nhà giáo, và sự tin tưởng, tôn trọng của xã hội.
1. Khi xem hình ảnh cô giáo bị học trò nhốt trong lớp, ném dép vào người và quay clip ngày 29/11, phản ứng đầu tiên của tôi choáng và không tin được vào mắt mình.
Đoạn clip phát tán trên mạng xã hội đêm 4/12 cho thấy, một cô giáo bị nhóm học sinh ném giấy, dép vào người, xúc phạm và đóng cửa lớp để cô không ra ngoài được. Khi bị ném chiếc dép vào đầu, cô giáo đã ngất xỉu.
Theo thông tin của báo chí vụ việc xảy ra từ ngày 29/11. Chính quyền địa phương đã yêu cầu các đơn vị liên quan xác minh, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của giáo viên, học sinh, đề xuất biện pháp xử lý.
Liên quan vụ việc, ngày 5/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản chỉ đạo xác minh làm rõ. Trong văn bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định việc học sinh nhốt, ném đồ vào cô giáo là hành động bạo lực, vi phạm đạo đức nghiêm trọng.
|
Rất nhanh chóng, vụ việc “gây bão” trên mạng xã hội cũng như dư luận xã hội, với rất nhiều ý kiến tranh luận gay gắt về giáo dục và đạo đức học đường, phẩm giá nghề giáo hiện nay.
Đa số đều cho rằng, các em học sinh làm như vậy là quá vô lễ và không còn kỷ luật. Cho dù bất kỳ nguyên nhân gì, thì việc các em làm như vậy là vi phạm đạo đức, đi ngược lại truyền thống tôn sư trọng đạo.
Và ý kiến nhận được nhiều sự đồng tình nhất là: Ngay cả cô giáo, các em còn có thể hành xử như thế, thì lấy gì đảm bảo các em sẵn sàng có các hành vi “kéo bè” gây thêm các vụ bạo lực khác.
Tôi không cho là cô giáo không có lỗi khi để xảy ra vụ việc, nhưng từng trải qua tuổi học sinh đầy nghịch ngợm, tôi cũng thấy rằng, việc học sinh nhốt, ném đồ vào cô giáo là hành động bạo lực, vi phạm đạo đức nghiêm trọng.
Tôi nhớ lại những thầy cô giáo đã dạy mình nhiều năm về trước, từ lớp vỡ lòng cho đến đại học. Đó có thể không phải là những thầy cô giỏi nhất, nhưng đều hết mực yêu thương học trò.
Nhưng không phải các thầy, cô giáo ngày ấy không nghiêm khắc, không áp dụng kỷ luật hay “roi vọt” với học sinh. Thậm chí, những năm cấp I, ở trường làng có thầy giáo có tiếng là “dữ đòn”.
Tôi vẫn nhớ những lần bị phạt phải úp mặt vào tường, dọn vệ sinh lớp học một tuần, nhổ cỏ vườn hoa hay nhảy lò cò quanh sân tập thể dục.
Càng nhớ cây thước bằng gỗ to bản, dài 60cm của cô giáo chủ nhiệm hồi cấp I. Mỗi lần cô cầm cái thước nhịp nhịp trong tay, hay gõ trên bàn, là cả lớp im re. Đa số con trai trong lớp đều đã “được” cô “tặng” cho mấy thước vào mông.
Nhưng không có phụ huynh nào lên trường chửi mắng, dọa dẫm “bóc phốt” hay “kiện cho chừa” vì con mình bị phạt, bị tét vào đít cả.
Tôi cũng từng “ăn” thước vì tội xé vở của một bạn trong giờ học và vẩy mực lên áo của một bạn khác trong giờ ra chơi.
Hôm sau, bố tôi xách tai thằng con trai nghịch ngợm lên xin lỗi cô giáo, xin lỗi nhà trường và “nạn nhân”. Trước đó, ông cũng đã “thưởng” cho tôi mấy roi mây đau xoắn cả mông.
Mỗi thời mỗi khác, tôi không kể ra để so sánh, mà chỉ để thấy lo lắng về cái nỗi giáo viên bây giờ sợ phụ huynh, thậm chí cả học sinh, lắm lắm.
Nhất là trong thời buổi mạng xã hội lên ngôi, và ở đó có “quyền” chửi bới, nhục mạ bất cứ ai, đi cùng đó là “hội chứng đám đông”. Chỉ cần giáo viên “đụng chạm” đến học sinh là mạng xã hội đã rần rần phán xử, kết tội, không cần rõ ngọn nguồn.
Hậu quả là, giáo viên ngày càng ngại va chạm, sợ phụ huynh nên không dám răn dạy, phạt khi học sinh mắc lỗi, nhất là những học sinh nghịch ngợm- vốn là một trong những nhiệm vụ của “trồng người”.
2.Không phải tự nhiên mà từ xưa đến nay, bất kể trong thời kỳ nào, nghề dạy học luôn được coi là nghề vẻ vang, cao quý, được xã hội tôn vinh. Nếu không có các thế hệ thầy, cô giáo mẫu mực, yêu nghề thì đã không có những thế hệ học sinh thành đạt.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng nói “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”.
Cho dù đây đó vẫn còn một số nhà giáo có vi phạm, nhưng đó là rất nhỏ so với hàng triệu nhà giáo đang ngày đêm cống hiến, với tấm lòng cao cả, làm hết sức mình vì thế hệ học sinh thân yêu.
|
Trở lại vụ việc ngày 29/11. Càng đau lòng hơn vì vụ việc xảy ra khi chỉ ít ngày trước, chúng ta vừa hân hoàn chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Rất nhiều hoa tươi, quà và những lời chúc tụng được gửi tới thầy cô giáo; nhiều hoạt động tri ân được tổ chức.
Hẳn rằng, vào ngày hôm đó, cô giáo H. đã nở nụ cười hạnh phúc, rạng ngời nhận hoa tươi và những lời chúc mừng từ gia đình, bạn bè, phụ huynh và học sinh.
Hẳn rằng, trong số những học sinh ném dép, ném giấy, nói những lời xúc phạm, nhốt cô trong phòng học hôm 29/11 sẽ có những em từng bẽn lẽn tặng hoa cô giáo trong ngày 20/11.
Cũng có một số ý kiến quá khích đổ lỗi cho nền giáo dục ngày nay đã bị “thương mại hóa”; hoặc “có thêm tiếng nói của đồng tiền và sự lạnh lùng của cơ chế thị trường”.
Nhiều ý kiến nghi hoặc về nguyên nhân vụ việc. Bởi trong một clip khác, một giáo viên (được cho là chính cô giáo này) cầm dép đuổi đánh học sinh, tạo nên cảnh tượng hỗn loạn trong lớp học.
Nhưng suy nghĩ lại, cái clip đó liệu đã đủ để bênh vực cho hành động nổi loạn của nhóm học sinh?
Cần phải khẳng định rằng, đó là những học sinh hư, và đừng lấy lý do “lỗi là ở cô trước”, hay “các em còn trẻ người non dạ” để đổ lỗi hay bao che.
Nếu chúng ta giúp các em tìm lý do biện minh cho hành vi sai trái ấy thì chẳng khác nào đang tạo cho các em tâm lý “mình không sai, mà do cô sai trước”, cho nên “không việc gì phải sợ”.
Hôm nay chúng ức hiếp thầy cô, mai chúng sẽ dám đánh người lớn khác, và sau nữa, chúng có thể dám bức hại bất cứ ai không vừa mắt trong cuộc đời này.
Trong môi trường giáo dục hiện nay, học sinh được quyền lên tiếng về những vấn đề của minh. Đó là tất nhiên, và chúng ta khuyến khích điều này.
Nhưng điều đó không có nghĩa là được nổi loạn và có hành động vô kỷ luật, thiếu kiểm soát và bạo lực với chính cô giáo mình.
Nếu như trước đây, có một hành động không lễ phép với thầy cô giáo, đó là học sinh hư. Và học sinh hư là điều buồn nhất, không chỉ với giáo viên, mà với cả nhà trường, gia đình.
Phẩm giá nghề giáo không phải tự nhiên mà có, mà được hình thành và bồi đắp qua đằng đẵng tháng năm, bằng phẩm giá của bao thế hệ nhà giáo, và sự tin tưởng, tôn trọng của xã hội. Vì thế cần không ngừng gìn giữ và bồi đắp, không phải chỉ từ chính nhà giáo, mà còn từ mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội.
Hồng Lam