Nỗ lực giữ và nâng chuẩn chất lượng phổ cập THCS
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng cùng với các cấp chính quyền, các trường THCS trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực duy trì sĩ số, giữ vững, nâng cao chất lượng phổ cập trung học cơ sở.
Với địa bàn còn nhiều khó khăn, việc ổn định, duy trì sĩ số cũng như phổ cập trung học cơ sở tại xã Đăk Năng (thành phố Kon Tum) gặp rất nhiều gian nan. Thế nhưng đến nay, cùng với sự quan tâm sâu sát, thường xuyên, kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, Trường THCS Lý Thường Kiệt đã nỗ lực duy trì sĩ số, nâng cao tỷ lệ thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 tốt nghiệp trung học cơ sở.
Thầy Phan Đình Kiên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, những ngày đầu thành lập trường, địa phương đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở (72%). Tuy nhiên, vì địa bàn xã còn nhiều khó khăn, nhận thức của người dân về việc học chưa cao nên việc duy trì sĩ số đến lớp rất gian nan. Để học sinh đi học chuyên cần, hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng, nhà trường đã phải nỗ lực, tập trung tuyên truyền, vận động tích cực.
“Thời điểm đầu năm học, sau những kì nghỉ kéo dài hoặc thời điểm trong mùa vụ, học sinh lại lười, không đến trường, để duy trì sĩ số, chúng tôi phải xuống tận nơi vận động phụ huynh, học sinh rồi… chở học sinh đi học. Chúng tôi cũng phối hợp với chính quyền xã cùng tuyên truyền vào những buổi chào cờ đầu tuần để nâng cao nhận thức cho các em, nhờ vậy, tỉ lệ chuyên cần luôn đạt trên 90%” – thầy Kiên chia sẻ.
|
Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, nắm bắt được tâm lý của học sinh vùng khó, thầy cô trong nhà trường thường xuyên trao đổi về chuyên môn, kinh nghiệm để tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp, nâng cao hứng thú cho học sinh trong trường. Song song với chất lượng giảng dạy, nhà trường đẩy mạnh các hoạt động phong trào, tạo điều kiện cho học sinh có sân chơi bổ ích, phát triển cả về thể chất, thêm vui, thêm yêu trường, yêu lớp.
Cùng với đó, những ngày đầu năm học, nhà trường cũng vận động thầy cô trong trường, các nhà hảo tâm ủng hộ sách vở, quần áo, cặp… hỗ trợ cho những em có hoàn cảnh khó khăn, để tránh trường hợp “cái khó bó con đường đến trường”. “Ngoài vận động, tìm nguồn sách giáo khoa, những năm qua chúng tôi cũng vận động, kêu gọi được các nhà hảo tâm ủng hộ vở cho các em. Đến nay, cơ bản các em đều đủ sách, vở đến lớp” – thầy Kiên cho hay.
Với những nỗ lực tích cực, đến thời điểm hiện tại, dù còn nhiều khó khăn nhưng chất lượng phổ cập trung học cơ sở trên địa bàn xã Đăk Năng đã đạt 91,2%. “Chúng tôi sẽ luôn nỗ lực để duy trì sĩ số cũng như có những biện pháp tích cực, phù hợp để nâng cao chất lượng học tập, giữ vững chuẩn phổ cập trung học cơ sở” – thầy Kiên chia sẻ.
Tương tự địa bàn xã Đăk Năng, xã Ngọc Réo (huyện Đăk Hà) cũng gian nan trong việc huy động học sinh ra lớp, giữ chuẩn trung học cơ sở. Thầy Đoàn Chí Thành – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Trung học cơ sở Ngọc Réo nói rằng, học sinh ở rải rác ở 8 thôn (trong đó có 4 thôn đường xá đi lại xa xôi, khó khăn). Dù theo quy định toàn trường có 134/346 học sinh được bán trú, tuy nhiên, vì cơ sở vật chất chưa đảm bảo nên mới chỉ đáp ứng được cho 20 học sinh ăn ở bán trú từ đầu tuần đến cuối tuần, do vậy, việc duy trì sĩ số học tập không dễ dàng.
“Gần 100% học sinh trong trường là người dân tộc thiểu số, nhận thức về việc học chưa cao. Hơn nữa, đa số các em là lao động chính trong gia đình nên thường hay bỏ học trong những ngày mùa vụ. Chúng tôi phải tích cực vận động, tạo điều kiện để các em đi học đầy đủ” – thầy Thành chia sẻ.
Theo đó, cùng với chính quyền địa phương, nhà trường phân công giáo viên phụ trách từng nhóm, từng thôn; phân công đảng viên phụ trách từng nhóm hộ để kịp thời tuyên truyền, vận động các em đến lớp, nỗ lực duy trì sĩ số. “Những ngày mùa vụ, chúng tôi căn cứ vào tình hình, vận động các em tập trung cho buổi học chính thức và dời lại lịch học phụ đạo để các em có thể phụ giúp gia đình. Cũng nhờ vậy, tỉ lệ học sinh bỏ học hàng năm luôn dưới 2%” – thầy Thành nói.
Bên cạnh việc vận động, nhà trường cũng tích cực đẩy mạnh các phong trào, hoạt động, tạo hứng thú để các em đến lớp đầy đủ. Đặc biệt, nhà trường thường xuyên kêu gọi các tổ chức từ thiện, cá nhân, các đơn vị kết nghĩa với xã tham gia ủng hộ quần áo, giày dép, sách vở để các em yên tâm đến trường. Với sự nỗ lực đó, đến nay, nhà trường vẫn đảm bảo tỉ lệ học sinh bỏ học dưới 2%, duy trì sĩ số đạt trên 95%; tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hàng năm đều đạt trên 90%; giữ vững việc đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở với tỉ lệ 88,3%, vượt so với quy định.
“Trong thời gian đến, nhà trường sẽ tiết kiệm ngân sách nhà nước, huy động giáo viên cũng như các nguồn xã hội hóa để xây dựng bếp nấu, hoàn thiện nhà ăn, tổ chức nấu ăn tập thể để các em có chỗ ăn, chỗ nghỉ, yên tâm đến lớp. Nhà trường sẽ cố gắng khắc phục những khó khăn để đảm bảo và duy trì sĩ số đến lớp, nâng cao chất lượng dạy và học” – thầy Thành chia sẻ.
Bình An