Những kết quả tích cực trong chuyển đổi số ở Đăk Glei
Mặc dù gặp nhiều khó khăn về nhân lực, cơ sở hạ tầng, nhưng với sự quyết tâm, cùng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Đăk Glei đã từng bước tháo gỡ được các khó khăn, tạo chuyển biến mới trong thực hiện chuyển đổi số.
Tìm hiểu tại xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei), chúng tôi nhận thấy UBND xã đã đầu tư, nâng cấp hệ thống mạng nội bộ, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đáp ứng nhu cầu công việc chuyên môn và phục vụ người dân; lắp đặt phòng họp trực tuyến; cán bộ xã đều có máy tính để phục vụ công tác; khu vực hành chính xã đã lắp đặt điểm phát wifi công cộng giúp cán bộ, công chức truy cập thông tin, tài liệu phục vụ hội nghị mà không cần giấy tờ, hoặc thực hiện giải quyết hồ sơ, báo cáo điện tử tích hợp chữ ký số giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Ông A Cẩm – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Hoong cho biết, đến nay, 100% hồ sơ công việc tại xã được xử lý trên hệ thống văn bản thông qua việc ứng dụng chữ ký số để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và tính xác thực, tất cả hồ sơ được scan lên hệ thống; 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản xuất và người dân được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, phát triển kinh tế, mua bán, phân phối hàng hóa dựa trên môi trường mạng; các sản phẩm, dịch vụ lợi thế của xã được quảng bá, giới thiệu trên trên mạng internet, mạng xã hội như Facebook, Zalo. Tỷ lệ doanh nghiệp trên địa bàn xã nộp thuế điện tử đạt 100%, khuyến khích hộ kinh doanh và người dân trên địa bàn xã sử dụng các kênh thanh toán không dùng tiền mặt để giao dịch. UBND xã đã thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 95% hồ sơ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4.
|
Cùng với hiện đại hóa trong giải quyết thủ tục hành chính, xã Mường Hoong đã đẩy mạnh việc triển khai thu phí, lệ phí bằng các hình thức thanh toán trực tiếp, trực tuyến, cho tổ chức, công dân có nhu cầu thanh toán phí, lệ phí bằng tài khoản ngân hàng; góp phần bảo đảm tính minh bạch trong quá trình thu phí và lệ phí thủ tục hành chính, tiết kiệm được chi phí in ấn, chi phí văn phòng phẩm.
Theo báo cáo của UBND huyện Đăk Glei, công tác chuyển đổi số được cấp ủy, chính quyền các địa phương, lãnh đạo các đơn vị thuộc huyện Đăk Glei đặc biệt quan tâm. Các cơ quan, đơn vị địa phương theo chỉ đạo của huyện đã tập trung đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như phối hợp mở các lớp tập huấn, các hội nghị trực tiếp, trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, gắn với cải cách hành chính nhằm xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số, cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp; ứng dụng các chương trình, phần mềm trong hoạt động hành chính, từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử, chính quyền số.
Ngoài ra, hạ tầng số của các đơn vị trên địa bàn huyện Đăk Glei cũng đã được cải thiện, hệ thống mạng Internet đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, ổn định và an toàn giúp cán bộ giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả. 100% các cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện, xã/thị trấn kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan nhà nước. Việc xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đảm bảo 100% văn bản điện tử của UBND huyện được ký số thay thế văn bản giấy. Trong năm 2023, có 17.835 văn bản được thực hiện gửi, nhận dưới dạng văn bản điện tử.
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã triển khai nhiều ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp. Năm 2023, tổng số dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần đã cung cấp trên địa bàn huyện là 225; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình 53,7% (121/225 thủ tục hành chính); tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến 13% (1.285/9.876 hồ sơ); tỷ lệ thủ tục hành chính có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến: 35,03%.
|
Trong phát triển kinh tế số, huyện cũng đã triển khai hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân tham gia sàn thương mại điện tử; tham gia các nhóm bán hàng trên mạng xã hội Zalo, Facebook, từ đó từng bước thay đổi nhận thức về cách thức bán hàng, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm. Một số sản phẩm đặc trưng của địa phương như thịt hun khói, sâm dây, măng khô và nhiều loại dược liệu khác được đưa lên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội được thiết kế thêm bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, từ đó sản phẩm được nhiều người biết đến hơn.
Bà Y Thanh – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Đăk Glei tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách, pháp luật về ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số và chuyển đổi số; tiếp nhận hồ sơ của người dân qua hệ thống bưu chính công ích và thực hiện thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt; tăng cường ứng dụng chữ ký số chuyên dùng, Hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh phục vụ trao đổi công việc giữa các cơ quan nhà nước; sử dụng hiệu quả Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh.
Đồng thời, huyện cũng chú trọng đảm bảo duy trì hiệu quả hoạt động Trang thông tin điện tử huyện, cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ; tăng cường cài đặt và sử dụng phần mềm phòng chống mã độc tập trung của tỉnh đến tất cả các máy tính.
Nguyễn Ban