Người khuyết tật khó chọn nghề, tìm việc
Sau hơn nửa tháng Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức “Ngày hội việc làm cho người khuyết tật năm 2017”, chỉ có 23/100 người khuyết tật đăng ký học nghề mới. Theo các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sản xuất trong tỉnh, phần lớn người khuyết tật chưa mở lòng, thiếu tự tin và quyết đoán trong việc tự giới thiệu, tự lựa chọn nghề học phù hợp.
Gặp khó khi chọn nghề
Ngày 17/4 vừa qua, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức chương trình “Ngày hội việc làm cho người khuyết tật” cho 100 người khuyết tật tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Tại đây, các đối tượng đã được giao lưu với 10 doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh sản xuất vừa và nhỏ trong tỉnh để tìm hiểu về hoạt động của đơn vị. Đồng thời, người khuyết tật còn nhận sự hỗ trợ, tư vấn học nghề miễn phí từ các doanh nghiệp, cũng như có ưu tiên tạo việc làm mới ngay sau khi được đào tạo. Thế nhưng cho đến nay, nhiều người vẫn chưa tìm được nghề để học, nên cơ hội việc làm cũng khó tìm thấy.
Liên lạc với anh A Loắc ở xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, anh cho biết, tham gia ngày hội vừa qua, bản thân mong muốn được học nghề sửa chữa các loại máy công nông đơn giản, vừa có thể phục vụ gia đình và mở tiệm làm nghề tại nhà. Từ ngày đăng ký nguyện vọng này đến nay, anh vẫn chưa thấy Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh liên hệ lại.
|
Vốn trước đó, ở ngày hội việc làm trên, A Loắc tâm sự, năm 2010, trên đường đi làm rẫy về, anh bị tai nạn giao thông mất đi tay trái và chân trái. Từ đó đến nay, mọi việc nặng nhọc trong nhà đều trông vào vợ, con trai lớn 17 tuổi. Anh mong muốn có nghề nghiệp, việc làm ổn định.
Tại ngày hội, các chủ cơ sở hoạt động về công nghệ thông tin, nghề điêu khắc, thợ mộc, sản xuất cửa sắt đều tư vấn, giới thiệu nghề học và việc làm cho A Loắc nhưng anh đều từ chối. Anh nói: Tôi thấy các nghề này không hợp với bản thân, do họ (cơ sở sản xuất) yêu cầu phải có năng khiếu về mỹ thuật, hoặc mang vác nặng khi học việc.
Còn bạn trẻ Nguyễn Thị Ái Mỹ Châu ở thôn Măng Tôn, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi đến buổi giao lưu dành cho người khuyết tật với mục đích tìm việc làm phù hợp với sức khỏe của mình. “Vừa rồi em tìm hiểu, trò chuyện với cô Lan là chủ một cơ sở bánh kem ở thành phố Kon Tum. Cô ấy nói, nếu em có nhu cầu học nghề trang trí, làm bánh kem các loại, thì cơ sở sẵn sàng giúp tiền đi lại tháng đầu tiên học việc ở đây. Đối với chỗ ở, em tự nhờ nhà bạn bè. Sang các tháng kế tiếp, công việc phụ giúp có chuyển biến tích cực, chủ cơ sở trả tiền lương cho em tùy vào công sức bỏ ra. Hiện tại, em chưa thể quyết định. Em nghĩ phải bàn bạc với gia đình và có hứa với cô chủ sẽ liên lạc sớm nhất” - Châu bộc bạch.
Lao động còn thiếu tự tin
Đưa người khuyết tật tham gia ngày hội việc làm và chứng kiến nhiều đối tượng chọn nghề, chọn việc làm, chị Vũ Thị Bích Thảo – cán bộ công tác thương binh xã hội ở thị trấn Đăk Rve (huyện Kon Rẫy) chia sẻ: Bình thường, các anh chị em khuyết tật ngại tiếp xúc, tự ti với khiếm khuyết của bản thân, nên cơ hội ra ngoài giao lưu không nhiều. Có thể điểm yếu này của họ sẽ đánh mất luôn sự tự quyết lựa chọn học nghề, vươn lên tạo việc làm, thay đổi cuộc sống thiếu trước hụt sau trong tương lai.
Chứng kiến sự đắn đo, lúng túng của A Định ở xã Măng Cành (huyện Kon Plông) muốn học nghề sửa chữa máy tính, cài đặt các phần mềm công nghệ thông tin, anh H - chủ một cửa hàng vi tính ở thành phố Kon Tum đã tư vấn cho lao động về học nghề miễn phí chừng 1 năm. Tuy nhiên, A Đinh hỏi anh H, có thể mở tiệm ở xã Măng Cành được không. Dù anh H cố gắng giải thích cho đối tượng đối với nghề gắn với công nghệ thông tin ở xã vùng sâu rất khó có thu nhập ổn định lâu dài, do nhu cầu sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin không nhiều, nhưng lao động vẫn cương quyết chỉ học nghề thôi, không làm việc ở đây sau khi thành thạo công việc. Với ý định quá thật thà như thế, chủ cửa hàng đành từ chối tiếp nhận lao động, bởi lẽ cửa hàng đang rất cần tuyển dụng người vừa học vừa làm. Theo anh H, người khuyết tật vẫn chưa có định hướng, lựa chọn nghề học phù hợp cho bản thân sinh kế sau này.
Liên hệ với bà V – chủ cơ sở may mặc tư nhân ở phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum) tham gia sau tuyển dụng lao động trên, bà V cho biết, hầu hết các đơn vị sản xuất - kinh doanh đến ngày hội đó với tâm ý cam kết, hỗ trợ đào tạo miễn phí và sẵn sàng tạo việc làm cho người khuyết tật, sau khi học nghề. Thế nhưng, người khuyết tật vẫn chưa mở lòng, thiếu tự tin và suy xét quá nhiều về những ưu ái, giúp đỡ của đơn vị tổ chức, cũng như các cơ sở đang có nhu cầu tuyển dụng lao động. Nhiều anh chị lao động không biết mình có năng lực, sở trường gì và thiếu thông tin nhu cầu lao động ngoài xã hội. Họ còn ngại khó, ngại khổ, đắn đo học nghề gì, học xong những nơi đó có nhận vào làm hay không... Điều này, có thể làm cho nhà tuyển dụng và lao động là người khuyết tật khó có tiếng nói chung. Nói cách khác, chính đối tượng khuyết tật đã làm mất đi cơ hội có nghề và việc làm ổn định, phát triển sau này.
Ông Nguyễn Trung Thuận - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thông tin, đây là năm đầu tiên, đơn vị cố gắng kêu gọi được 10 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đa lĩnh vực trên địa bàn tỉnh ưu tiên tuyển dụng việc làm dành cho người khuyết tật. Đây cũng là điểm mới dành cho đối tượng lao động đặc biệt với phương châm “Đem cho con cá không bằng đem cho người khuyết tật cần câu cá”, góp phần cho họ từng bước hoà nhập cộng đồng thuận lợi hơn.
Cũng theo ông Thuận, sự thiếu tự tin của người khuyết tật rất cần các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất – kinh doanh địa phương sẻ chia, cảm thông. Về phía đơn vị, thời gian đến sẽ nỗ lực huy động nhiều tổ chức chính trị - đoàn thể, các cộng tác viên công tác xã hội và các cấp, các ngành giúp đỡ để họ cởi mở hơn. Từ đó có cái nhìn thực tế, mạnh dạn chọn nghề, chọn việc làm chủ động, cải thiện cuộc sống tích cực hơn.
Mai Trâm