Người dân chủ động phòng cháy
Nhận thức được những hậu quả nặng nề do cháy nổ gây ra, khi được lực lượng chức năng tuyên truyền, người dân đã chủ động mở lối thoát nạn thứ 2, trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy theo đúng quy định, để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.
Nhà của anh Đàm Đình Hiến (tổ 7, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) có 5 tầng. Kinh doanh các thiết bị điện tử, được hướng dẫn, anh Hiến đã trang bị 3 bình chữa cháy cũng như tiêu lệnh chữa cháy. Đặc biệt, vừa qua, khi được hướng dẫn, anh đã trang bị thêm thang dây thoát hiểm để có thể thoát nạn từ những vị trí trên cao một cách an toàn khi xảy ra sự cố cháy.
“Bản thân tôi đã được tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và thực tập các phương án chữa cháy. Nắm bắt các nguyên nhân gây cháy nổ nên tôi cũng chủ động phòng ngừa. Tôi thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tắt hết các thiết bị điện khi không sử dụng” – anh Hiến chia sẻ.
Cơ sở thu mua phế liệu của chị Nguyễn Thị Chinh, thôn Plei Rơ Hai 2, phường Lê Lợi (thành phố Kon Tum) rộng khoảng 300m2. Trong cơ sở, các sản phẩm được phân loại thành từng khu vực rõ ràng; biển cấm hút thuốc được treo, dán khắp nơi. Cơ sở cũng trang bị 4 bình chữa cháy và thùng đựng nước.
|
Ba năm nay, để đảm bảo an toàn, cơ sở thuê 1 người trông coi, thường xuyên túc trực, kiểm tra để kịp thời phát hiện những bất thường. Cơ sở rộng, thoáng, tuy vậy, để đảm bảo an toàn theo quy định, chị Chinh cho biết, trong thời gian đến sẽ làm thêm 1 cửa bên hông để tạo lối thoát hiểm thứ 2.
“Chúng tôi đều được tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, nắm rõ các tiêu lệnh chữa cháy cũng như cách sử dụng các bình chữa cháy. Bản thân tôi nhận thức rõ hậu quả các vụ cháy, nổ rất kinh hoàng. Mua bán phế liệu, vốn là các mặt hàng dễ gây cháy, nổ, nên chúng tôi càng cảnh giác và luôn chủ động trong công tác phòng ngừa” – chị Chinh nói.
Để đề phòng cháy, nổ, việc quan trọng nhất là phải nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy cho người dân. Do đó, cùng với các giải pháp, Công an tỉnh Kon Tum đã phát động phong trào “Tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tạo lối thoát nạn thứ 2, tự trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ”. Qua quá trình vận động, tuyên truyền, nhiều hộ gia đình đã tự dỡ bỏ các lồng sắt bịt kín các ban công, lô gia của nhà ở riêng lẻ, tiến hành mở cửa tạo lối thoát nạn thứ 2, lắp đặt thang thoát nạn ngoài nhà, mở lối thoát nạn lên mái; tự trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ, như bình chữa cháy, phuy cát, nước chữa cháy và trang bị các dụng cụ phá dỡ thô sơ cho gia đình khi có sự cố, tai nạn, cháy, nổ xảy ra.
Cụ thể, trước đây, trên địa bàn tỉnh có 10.794 hộ gia đình chưa có 2 lối thoát nạn. Đến nay, đã có 10.692 hộ gia đình đã mở lối thoát nạn thứ hai, chiếm 99,05%.
|
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tuyên truyền, phát tờ rơi về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; kiểm tra, tuyên truyền và hướng dẫn ký cam kết đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với 134.509 hộ kinh doanh, hộ tiểu thương, hộ kinh doanh khu vực chợ, trung tâm thương mại.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ cháy nhà dân, chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ bar, công trình dân dụng; làm 1 người chết và thiệt hại gần 4,9 tỷ đồng. Các vụ cháy nổ, hỏa hoạn xảy ra để lại hậu quả nặng nề, bởi vậy, mỗi người dân nâng cao ý thức, chủ động “phòng hơn chữa” để đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân, người thân và bảo vệ tài sản cho chính mình.
Hoài Tiến