Ngọt ngào đu đủ dây
Bổ dưỡng đơn sơ, đồng thời là món ăn vặt dân dã thường nhật không thể không kể đến trái đu đủ dây thơm ngon, lành mát.
Ngày ấy, đu đủ dây được trồng leo giàn trước căn nhà tường thâm mái ngói nâu cũ. Năm nào cũng vậy, khi cơn mưa cuối mùa dùng dằng đi qua, mẹ bắt đầu trộn đất thả giống. Đến cận Tết thì trên cái giàn cột gỗ cây le buộc nối vào nhau thành những ô vuông chắc chắn, đã nhanh chóng tỏa ra từng chiếc ngọn đua mập mạp. Những chiếc lá xanh thẫm to như bàn tay dần che kín mặt giàn.
Mẹ bảo, đu đủ dây không khó trồng, nếu thân gốc của nó được chăm chút kỹ càng từ khi ươm giống. Cây không chịu chỗ ngập trũng, song khi trồng lại được đào hố hơi sâu và chứa vào đó nhiều tro trấu, phân chuồng hoai mục, như là cách dự trữ nguồn dưỡng chất để sinh trưởng khỏe mạnh trong suốt cả chu kỳ. Cây không chịu úng, song phải tưới mát hằng ngày trong cả mùa nắng, mùa khô. Công việc này khá vừa sức nên chị em tôi thường thay nhau, mỗi đứa một hôm đỡ đần cho mẹ.
|
Nghe ra dường rất xa xôi, bởi nguồn gốc cây đu đủ dây tận bên Nam Mỹ, song ngày ấy, khi nhà tôi biết đến thứ trái thơm ngon này, thì mẹ bảo nó đã có mặt khá nhiều tại miền Trung, miền Nam và các tỉnh Tây Nguyên lân cận. Có nơi quen gọi “dưa gang tây” hay “đu đủ leo”, song xem ra, “đu đủ dây” vẫn cái tên gần gũi. Giàn dây trước nhà, lá che xanh thắm, mát rượi. Giàn dây càng thêm sắc màu và tíu tít bướm ong đi về vào mỗi lúc nở bông.
Vào những lúc ấy, sáng nào không đi học, tôi lại theo mẹ ra giàn để thụ phấn cho cây. “Cái giống này, chỉ trông chờ vào bướm, vào ong thôi chưa đủ, cứ phải có bàn tay người mới có được trái sai ...” - Mẹ thường nhẩn nha giải thích. Những lúc này, mẹ chăm chú lắm. Nhẹ nhàng từng bước, khẽ khàng từng động tác tay. Từ mỗi chiếc nụ chum chúm chừng ngón tay cái nơi nách lá, khi bông đu đủ dây nở ra, là bung thành cả chùm hoa tím thẫm. Trông như chiếc ô-doa dốc ngược, từng chiếc bông tím được mẹ dùng tay phết nhẹ vào chỗ phấn vàng vàng trên những tia cánh rồi chấm vào bên trong cái nhụy màu trắng nằm sát cuống hoa.
Mẹ thật mát tay, nên hầu như tất cả các bông được “chấm” phấn hoa, đều thành hình thành trái. Cũng bởi hoa ngọt, hoa thơm nên ong bướm rủ nhau, sáng nào cũng vờn, cũng đậu. Để tránh bị chích bị châm, mỗi trái dù hẵng còn non cũng đều được mẹ cho mặc “áo tơi”, tức là một túi nilon rỗng đầu để mà “phòng vệ”.
Cũng nhờ mẹ thật mát tay, nên cả giàn đu đủ dây leo, từng đợt từng đợt theo nhau, bông tím được thụ phấn hoa đều thành trái nhỏ. Trái bé từng ngày lớn lên, đến khi chật căng chiếc bì được bao quanh nó. Dầu nắng dầu mưa, nó vẫn an toàn. Khi trái hình trụ dài bầu thon hai đầu đã chật căng và phần bụng trái ngả màu ửng vàng, là đến hồi thu hoạch.
|
Trong khi bông tím nở bung, giàn đu đủ dây tỏa ra mùi hương hoi hoi, ngai ngái; thì lúc chín, những trái đu đủ dây tròn căng thân mềm lại mang đến mùi thơm thơm, dìu dịu rất riêng.
Trái xanh có thể gọt vỏ, nấu canh giống như bí đỏ, bí xanh, song mẹ chẳng bao giờ tranh thủ tận thu, bởi mẹ bảo cứ dành cho nó chín dây, thêm nhiều bổ dưỡng.
Để cho các con mỗi đứa một ly sinh tố từ đu đủ dây thật ngon, mẹ cũng tự tay làm. Ấy là, khi mỗi trái chín mềm được bổ đôi theo chiều dọc, rất dễ dàng tách ra phần ruột (gồm chi chít các hạt chín được bao bọc bởi lớp thịt hạt trong suốt và hơi nhầy như một thứ keo dính). Kế đó, phần thịt của trái được dùng muỗng lấy ra giữa lớp vỏ ngoài của trái và lớp vỏ trong vốn bao bọc kín phần ruột.
Ruột đu đủ dây ngòn ngọt, chua chua và có mùi thơm dịu được trộn với phần thịt bở của trái thành món ngon thanh mát, chứa nhiều khoáng chất và vitamin, tác dụng hoạt huyết, khỏe tim, hỗ trợ ổn định thần kinh. Càng thơm ngon và độc đáo hơn, khi nguyên chất ấy từ đu đủ dây được thêm vào vài nhúm đường kính trắng hay ít sữa đặc ngọt the.
Năm tháng đi qua. Nếp nhà xưa giờ không còn nữa, nhưng đu đủ giàn xanh thì mẹ vẫn trồng chăm bên mé sau vườn. Vẫn xanh lá, trái sai, bướm ong đến đậu. Mỗi mùa chín ngọt ngào, mẹ lại để dành cho các cháu, các con.
Thanh Như