Ngọc Hồi: Tăng cường hợp tác với các tỉnh Nam Lào
Huyện Ngọc Hồi có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào dài 34,653 km, trong đó có Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y. Trong nhiều năm qua, huyện đã tăng cường hợp tác với các tỉnh Nam Lào và đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị.
|
Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi Nguyễn Chí Tường cho biết: Những năm qua, trên đà phát triển của mối quan hệ láng giềng truyền thống, các lĩnh vực hợp tác song phương Việt Nam - Lào luôn được huyện Ngọc Hồi quan tâm, chú trọng. Trong đó, đã triển khai Thỏa thuận về Chiến lược hợp tác trên các mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục với các địa phương giáp ranh giữa huyện với Lào; đồng thời, lực lượng vũ trang huyện luôn phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ biên giới của Lào hỗ trợ lẫn nhau nhằm bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Từ mùa khô năm 2016 đến nay, huyện Ngọc Hồi đã phối hợp với các ngành chức năng liên quan của Lào tổ chức quy tập và hồi hương được 41 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Lào về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ngọc Hồi.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện, các đồn Biên phòng của tỉnh và lực lượng vũ trang của huyện đã tạo điều kiện hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ biên giới Lào về vật tư phòng, chống dịch, lương thực, thực phẩm. Trong đó, năm 2021, Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Bờ Y tổ chức 10 lượt gặp gỡ để trao đổi về tình hình quản lý biên giới với mỗi lượt là 20 cán bộ, chiến sĩ tham gia và hỗ trợ vật tư phòng dịch, nhu yếu phẩm trị giá 15 triệu đồng; Đồn Biên phòng Sa Loong tổ chức gặp gỡ, trao đổi được 10 lần với 3 đơn vị của Lào; Đồn Biên phòng Đăk Xú tổ chức tặng các lực lượng phòng, chống dịch của Lào 500 chiếc khẩu trang.
Đặc biệt, hiện nay, huyện Ngọc Hồi đã ký kết hợp tác với huyện Phu Vông (tỉnh Attapư, Lào). Thông qua các nội dung ký kết, hai bên thường xuyên thông tin cho nhau về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh; phối hợp tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân 2 huyện nâng cao nhận thức về truyền thống đoàn kết, tình hữu nghị đặc biệt Việt-Lào và tuyên truyền về các bộ luật như: Luật Biên giới quốc gia, Luật Xuất nhập cảnh, Luật Lao động, Luật Cư trú, Luật Quốc tịch và phổ biến pháp luật về Quy chế bảo vệ biên giới. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, các doanh nghiệp của huyện Phu Vông cũng như các doanh nghiệp khác của Lào sang đầu tư kinh doanh tại huyện Ngọc Hồi và ngược lại.
Thực hiện nội dung ký kết về xây dựng “Vườn hữu nghị Phu Vông-Ngọc Hồi”, đến nay đã khai hoang được 6ha đất và triển khai trồng cây lưu niệm, làm nhà truyền thống, nhà làm việc của 2 đoàn, xây cầu qua suối, làm ruộng trồng lúa truyền thống, đào ao nuôi cá, xây nhà ở cho người bảo vệ vườn, chỉnh sửa nhà truyền thống dân tộc, trồng cây ăn quả và cây nông nghiệp.
Cụ thể, năm 2016, huyện Ngọc Hồi hỗ trợ 330 cây ăn quả các loại để trồng tại “Vườn hữu nghị Phu Vông-Ngọc Hồi”. Riêng kinh phí hỗ trợ triển khai các hạng mục tại Vườn hữu nghị này trong 2 năm 2016 và 2017 là 220 triệu đồng, trong đó huyện Ngọc Hồi hỗ trợ 100 triệu đồng.
Năm 2018, hai huyện Phu Vông-Ngọc Hồi tiếp tục thực hiện các hạng mục như: Xây dựng đường điện 0,4kv, trạm biến áp 0,25kv, đào ao, xây dựng mương nước, khoan giếng nước, chỉnh sửa và xây dựng nhà ở và nhà vệ sinh, trồng cây xung quanh vườn, thả cá, thuê người bảo vệ vườn, mua phân bón vật tư… với tổng kinh phí tương đương 555 triệu đồng. Trong đó, tỉnh Kon Tum hỗ trợ 455 triệu đồng, 2 huyện Ngọc Hồi và Phu Vông 50 triệu đồng/huyện.
Năm 2019, huyện Ngọc Hồi hỗ trợ 370 triệu đồng mua vật liệu, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp góp công xây dựng cầu treo qua “Vườn hữu nghị Phu Vông-Ngọc Hồi”.
Ngoài ra, hai huyện Ngọc Hồi-Phu Vông thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh, con người, văn hóa và lịch sử. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chuyên môn và địa phương tập trung tuyên truyền những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, an ninh-chính trị, chính sách thu hút đầu tư; thế mạnh sản xuất hàng hóa, đặc biệt là bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện (dệt thổ cẩm, cồng chiêng của người Brâu và Giẻ Triêng; ẩm thực của người Giẻ Triêng; các di tích lịch sử Đăk Seang, Chiến thắng Plei Kần; hay những địa điểm, tiềm năng du lịch như: Cột mốc 3 biên, Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, Quốc Môn, làng du lịch Đăk Răng, Đăk Mế....) để giới thiệu với bạn bè, góp phần thu hút đầu tư vào huyện.
Trong 3 năm (2017-2019), huyện Ngọc Hồi đã tạo điều kiện thuận lợi cho 102 bệnh nhân huyện Phu Vông qua khám và chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi, trong đó cán bộ nghỉ hưu đều được khám và chữa bệnh miễn phí.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Chí Tường khẳng định: Qua ký kết hợp tác, lực lượng vũ trang hai huyện Ngọc Hồi và Phu Vông thường xuyên triển khai công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và các hoạt động xâm nhập vượt biên trái phép, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và đã đạt kết quả tốt. Công tác kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện qua lại khu vực biên giới giữa hai huyện được tăng cường. Công tác phòng, chống và ngăn chặn các hoạt động gian lận thương mại như: buôn lậu, vận chuyển hàng cấm tiếp tục đạt nhiều kết quả. Qua đó, ngày càng góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt-Lào “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
NGUYÊN HÀ