Nghịch lý dược liệu
Với 835 loài cây thuốc, Kon Tum được xem là một trong những vùng dược liệu có tiềm năng khai thác rất lớn. Thế nhưng có một nghịch lý, hiện nay các đơn vị khám chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh không sử dụng cây thuốc của địa phương mà đều phải nhập nguồn từ nơi khác về.
Vùng đất thuốc
Với diện tích rừng nguyên sinh chiếm trên 80% trong tổng số hơn 100.000ha diện tích tự nhiên, mảnh đất Kon Plông được xem là vùng đất thuốc với nhiều loại thảo dược quý hiếm.
Không chỉ có hồng đẳng sâm (sâm dây), cốt toái bổ, diệp linh châu, sâm đương quy, củ khúc khắc, dây ka na, sâm bảy lá, ở đây còn có nhiều loại nấm được dùng làm thuốc như: nấm linh chi, nấm hắc chi, nấm tai khỉ, nấm da lươn...
|
Không riêng gì Kon Plông, được mẹ rừng ưu đãi ban tặng, Đăk Glei cũng có rất nhiều loài dược liệu quý hiếm tự mọc dưới các tán rừng trong tự nhiên như: cây cẩu tích (hay còn gọi là cây culi), đảng sâm, đương quy, cốt toái bổ... Hay mảnh đất Tu Mơ Rông cũng được xem là thủ phủ sâm Ngọc Linh, sâm dây, đương quy...
Nói về nguồn dược liệu ở Kon Tum, bác sĩ Đoàn Thị Tuần – Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết, theo nghiên cứu của Viện Dược liệu, Kon Tum là một trong những vùng đất thuốc khi có 835 loài cây thuốc (có tới 55 loài nằm trong danh sách cây thuốc mọc tự nhiên, có thể khai thác và đưa ra thương mại), thuộc 549 chi, 191 họ thực vật và nấm lớn. Trong đó nhiều nhất là cẩu tích với khả năng khai thác trên 300 tấn một năm; củ mài núi và nga truật đều có khả năng khai thác đến 100 tấn một năm.
Bên cạnh đó, Kon Tum cũng là tỉnh hiện có 35 loài dược liệu có tên trong diện những cây thuốc cần quan tâm bảo tồn ở Việt Nam. Nổi bật nhất là sâm Ngọc Linh, cỏ nhung, một lá, trọng lâu, bách hợp, hoàng tinh vòng và đảng sâm.
Mặc dù số lượng, trữ lượng dược liệu khá phong phú, tuy nhiên, vì người dân khai thác theo kiểu “ăn xổi ở thì" khiến nhiều cây thuốc bị tận thu. Như tại các xã trên địa bàn huyện Kon Plông, trước đây cây kim cương mọc rất nhiều. Sau một thời gian người dân đổ xô đi tìm về bán, đến nay loài cây này ít đi và trở nên hiếm dần.
"Vì cái lợi trước mắt, người dân cứ thấy là hái chứ không kể lớn bé. Những loài cây này là lâm sản phụ mọc dưới tán rừng, trong tự nhiên nên không thể biết được là trữ lượng bao nhiêu; các loại cây này cũng không đưa vào diện cấm khai thác nên rất khó để quản lý được“ – ông Vũ Đình Viết - Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Kon Plông giãi bày.
Hay những ngày đầu năm 2016, người dân ở khu vực Đăk Glei đã ồ ạt vào rừng để khai thác cây cẩu tích. Ông A Nang – Chủ tịch UBND xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei nói rằng, trong thời gian từ tháng 3 đến cuối tháng 4, thôn nào trong xã cũng có người đi khai thác cẩu tích. Mỗi một tối phải có đến 2-3 xe tải đến chở 300 - 400kg củ cẩu tích. Vì khai thác nhiều nên xã phải chỉ đạo dừng, không được khai thác nữa.
Nhập dược liệu
Không chỉ dồi dào về số lượng, dược tính của những cây thuốc trên địa bàn tỉnh còn được đánh giá cao. Theo một số đề tài nghiên cứu của Sở KH&CN, hàm lượng sa pô nin trong cây sâm dây tại Kon Tum cao hơn so với sâm dây trồng ở các địa phương khác. Phổ biến và có chất lượng tốt hơn hẳn, thế nhưng tại những cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh đều phải nhập sâm dây từ nơi khác về. Và đó cũng là nghịch lí với nhiều cây thuốc khác.
Bác sĩ Phạm Hoàng Thanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho biết, mỗi năm bệnh viện phải nhập dược liệu từ các công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội. Trong năm 2016, bệnh viện đã phải nhập về 5 tấn thuốc với 198 vị. Và điều đáng nói, giá thành nhập dược liệu vào gấp nhiều lần so với giá thành bán ra tại Kon Tum.
Đơn cử như cây cốt toái bổ ở Kon Tum xuất đi chưa tính vận chuyển chỉ có giá 15 ngàn/kg nhưng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh nhập về với giá 105 ngàn/kg. Hay như sâm đương quy người dân chỉ bán từ 200-300 ngàn đồng/kg khô thì bệnh viện nhập vào với giá 518.800 đồng/kg...
"Theo cơ chế, muốn đưa cây thuốc, dược liệu vào khám chữa bệnh phải đấu thầu thuốc của các công ty có đủ điều kiện năng lực. Ở Kon Tum có Công ty TNHH Thái Hòa nhưng công ty này cũng không đủ năng lực để cung ứng thuốc, tham gia đấu thầu, do vậy dù nguồn dược liệu tại địa phương rất đa dạng, phong phú, song chúng tôi không thể đưa vào sử dụng“ – Bác sĩ Thanh cho biết.
|
Không riêng gì Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, theo số liệu từ Hội Đông y tỉnh, trung bình mỗi năm các nhà thuốc y học cổ truyền, khoa y học cổ truyền tại các bệnh viện trên cả tỉnh sử dụng khoảng gần 300 tấn dược liệu. Mặc dù có thị trường rất tiềm năng, song nghịch lý là các cây thuốc trên địa bàn tỉnh không tìm được chỗ đứng. Mà một trong những nguyên do trọng tâm là việc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn còn bỏ ngỏ.
Dù có đến hàng trăm loại dược liệu nhưng thực tế đến nay trên địa bàn tỉnh hầu như chỉ có sâm dây, sâm Ngọc Linh, sâm đương quy được nghiên cứu và đánh giá về dược tính, còn lại, những cây thuốc khác mới chỉ được biết đến như những lâm sản phụ dưới tán rừng hoặc được coi là hàng nông sản do người dân nuôi trồng.
Bên cạnh đó việc trồng và khai thác cây thuốc trên địa bàn cũng chưa đảm bảo theo đúng những tiêu chí được Bộ Y tế đặt ra cho cây dược liệu. Bởi vậy, trong lúc cây thuốc tại địa phương đa dạng, bán với giá rẻ và được thương lái thu mua, vận chuyển đi nơi khác thì những cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh buộc phải nhập dược liệu từ các công ty ngoài tỉnh với giá thành cao hơn rất nhiều.
Nhận biết được giá trị kinh tế của cây thuốc trên địa bàn, một số huyện như Kon Plông, Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Rẫy… đã có chính sách hỗ trợ giống, khuyến khích người dân trồng cây thuốc, phát triển kinh tế. Thế nhưng, ngoài lợi ích về mặt kinh tế, các địa phương hầu như chưa quan tâm đến việc đưa cây thuốc trở thành cây dược liệu theo đúng quy chuẩn mà Bộ Y tế ban hành.
“Tỉnh cần phải đăng ký với Bộ Y tế các loại cây trở thành dược liệu cho cả nước. Nếu được Bộ Y tế cùng với Cục Y học cổ truyền thống nhất thì bà con mình trồng hàng loạt mới được chứ như bây giờ thì rất khó”- bác sĩ Thanh cho hay.
Như vậy, để cây thuốc trở thành cây dược liệu thì phải có sự đầu tư, nghiên cứu, hình thành vùng chuyên canh trồng và khai thác cây dược liệu đảm bảo theo tiêu chí được Bộ Y tế đặt ra. Phát triển dược liệu là một lợi thế của tỉnh, vậy nên cần có hướng đi, có sự đầu tư thỏa đáng và quản lý chặt chẽ hơn nữa nguồn dược liệu quý để tránh tình trạng có dược liệu mà không được sử dụng hoặc “chảy máu dược liệu”.
Hoài Tiến