Nghệ nhân của làng
Đó là cách người dân làng Đăk Wâk, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei gọi già A Thơng - người truyền tình yêu cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong làng.
Sinh ra và lớn lên ở làng Đăk Wâk, từ nhỏ được cha dẫn đi xem biễu diễn cồng chiêng trong các dịp lễ hội, cậu bé A Thơng dần nảy sinh niềm đam mê âm thanh của cồng chiêng. Năm 15 tuổi, A Thơng bắt đầu theo cha và các ông, các chú trong làng tập đánh cồng chiêng.
Lúc đó, nghe ở đâu có đánh cồng chiêng là tôi đều đến xem để học hỏi; không biết thì hỏi mấy ông, mấy chú chỉ cho, dần dần rồi cũng biết đánh. Cùng với sự kèm cặp, chỉ dạy của cha, năm 16 tuổi tôi đã đánh cồng chiêng thành thạo. Mỗi khi đi làm trong rừng về mệt mỏi, nghe được âm thanh cồng chiêng vang vọng là mình cảm thấy rất vui vẻ, mệt mỏi như tan biến - già A Thơng chia sẻ.
Giờ đây ở làng Đăk Wâk, già A Thơng được xem như cây đại thụ của làng, bởi già là người duy nhất còn biết cách đánh nhiều bài chiêng, hát những làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc Giẻ - Triêng. Nay đã 75 tuổi, sức khỏe cũng đã suy yếu, nhưng bằng niềm đam mê văn hóa truyền thống của dân tộc, già A Thơng luôn dành thời gian tập cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong làng ở khoảng sân trước nhà.
|
Tôi nói với bà con rằng, thanh thiếu niên làng mình ai cũng phải biết đánh cồng chiêng, có như vậy mới giữ gìn được văn hóa truyền thống của người Giẻ - Triêng. Mỗi tháng 2 lần, tôi tổ chức dạy tại nhà, hoặc ở sân nhà rông. Không chỉ mình tôi, những người biết cũng dạy lại cho người chưa biết. Thấy con cháu biết đánh cồng chiêng, tôi mừng lắm - già A Thơng bày tỏ.
Nhờ những đóng góp của già A Thơng, hiện thôn Đăk Wâk đã thành lập được 2 đội cồng chiêng, múa xoang với 40 người. Anh A Tia, được già A Thơng dạy đánh cồng chiêng và hiện đang tham gia đội cồng chiêng, múa xoang làng Đăk Wâk cho biết: Già A Thơng rất tâm huyết với văn hóa của dân tộc, nhờ già chỉ dạy kỹ càng, giờ đây tôi đã biết đánh thành thạo. Đặc biệt, khi đã biết đánh rồi, tôi cảm nhận được giá trị của cồng chiêng, cảm thấy yêu quý hơn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, từ đó có trách nhiệm gìn giữ, phát huy.
Ngoài cồng chiêng, già A Thơng còn giữ được nghề đan lát truyền thống. Bằng đôi bàn tay khéo léo, già A Thơng đã làm ra những chiếc gùi, rổ, đơm cá để phục vụ cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt, hiện già là người duy nhất ở làng Đăk Wâk đan được chiếc klec (gùi đeo vai của đàn ông). Klec được đan rất cầu kỳ và chỉ dùng nan làm từ sợi mây. Gùi được đàn ông dùng khi đi rừng, đi rẫy rất tiện lợi vì có 3 ngăn và để được rất nhiều vật dụng phục vụ cho sản xuất.
Bà Hoàng Thị Thủy - Chủ tịch UBND xã Đăk Kroong, cho biết: già A Thơng là một người rất tâm huyết với văn hóa của dân tộc, già đã không ngại vất vả để truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Cũng chính nhờ sự đóng góp của già A Thơng mà làng Đăk Wâk được xem là một điểm sáng trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn xã. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của người dân và vai trò của các nghệ nhân trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Bằng niềm đam mê và trách nhiệm với văn hóa dân tộc, già A Thơng vẫn đang miệt mài truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong làng. Với ông, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc khi thanh thiếu niên trong làng biết yêu quý và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Phạm Nguyên