Ngày Nhà giáo
Ý nghĩa của Ngày Nhà giáo Việt Nam đã được minh định là để mỗi nhà giáo nhắc nhở về sứ mệnh thiêng liêng của mình, về hành trình thực hiện sứ mệnh “trồng người” chứ không phải để mưu cầu phúc lợi cho mình.
|
1.Chiều muộn. Gió se sắt thổi trên phố, làm những sạp hoa bày bên đường Trần Phú rung rinh như những đàn bướm đủ sắc màu. Những sạp hoa tươi nhắc tôi nhớ hôm nay là Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Tôi dừng xe quan sát một nhóm học sinh mặc đồng phục, có vẻ là học sinh trung học cơ sở, đang xúm xít bên một sạp hoa. Hình ảnh ấy làm tôi tò mò vì hầu hết khách hàng ghé vào mua hoa đều là người lớn, có người chở theo con mình, nhưng ở đây là các em tự đi chọn hoa.
Và trong câu chuyện hồn nhiên, tôi biết các em mua hoa để tặng thầy giáo chủ nhiệm mà em nào cũng nhất mực yêu quý. Tôi cũng biết, thầy giáo chủ nhiệm sẽ chiêu đãi các em một “chầu” bánh canh do chính thầy nấu.
Từ tò mò, tôi chuyển sang thích thú khi thấy các em góp tiền lại để mua hoa. Những tờ tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng được góp lại, vuốt phẳng phiu trước khi trả cho cô chủ sạp hoa. Cô chủ cười: Chị giảm giá cho các em nhé. Cả nhóm ồ lên thích thú.
Trong nắng chiều, bó hoa tươi trở nên rực rỡ trên tay một bạn nữ, trôi xa dần cùng tiếng cười nói của nhóm học sinh.
Cảnh ấy gợi lên trong tôi bao ký ức về những năm tháng tuổi học trò dưới mái trường làng đã xa lắc lơ. Những ngày tháng bồng bột mà đắm say, vừa ngọt như đường phèn lại nhẩn nha đắng như mạch nha.
Lạ một điều, có nhiều chuyện, tôi chỉ nhớ một cách mơ hồ; có những gương mặt, dù cố nhớ lại, cũng như phủ một lớp khói sương. Chỉ có hình ảnh về những Ngày Nhà giáo Việt Nam đơn sơ mà ấm áp lại rõ nét vô cùng.
Tôi vẫn nhớ như in ngôi trường làng đơn sơ, vách nứa, mái lợp tranh nép mình dưới um tùm cây xanh. Vào ngày 20/11, tấm bẳng đen và bàn giáo viên sẽ được trang trí bằng những chùm hoa dại, do đám con gái hái trên đồi, hoặc xin trong vườn các nhà xung quanh.
Cô giáo sẽ dành một tiết học để sinh hoạt với chủ đề về Ngày Nhà giáo Việt Nam. Cô nói ngắn gọn thôi, giải thích vì sao ngày 20/11 lại là Ngày Nhà giáo Việt Nam và ý nghĩa của ngày này. Sau đó là những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” do học sinh thể hiện.
Chúng tôi khoái nhất là buổi chiều được nghỉ học, cả lớp kéo đến nhà của cô chơi. Tụ tập nhau ở cổng trường, chúng tôi rồng rắn đi trên con đường làng khấp khểnh vết chân trâu đến nhà cô giáo.
Đại diện lớp tặng thầy cô những món quà rất nhỏ về vật chất, thường là cây bút, cuốn sổ mà cả lớp góp tiền, tất nhiên là không thể thiếu bó hoa được hái vội từ vườn nhà, nhưng chúng tôi tặng cô với tình cảm chân thành.
Điều đặc biệt là tôi để ý thấy vào ngày này, thầy cô của mình có rất nhiều anh chị các khóa trước về thăm. Bao giờ cô giáo cũng chiêu đãi học trò một món gì đấy, đơn giản thôi nhưng thân tình và ấm áp.
Nếu không có cuộc gặp gỡ với ông chú, một phóng viên truyền hình, thì hẳn là cuộc đời tôi đã gắn với nghề giáo.
Thế hệ tôi, ở ngôi làng nghèo ở Bắc miền Trung “chó ăn đá, gà ăn sỏi” ấy, số gia đình cho con học hết cấp 3 có thể đếm trên đầu ngón tay.
Sau khi tốt nghiệp, đi học cao đẳng sư phạm là lựa chọn tất yếu của hầu hết trong số đó.
Điều này cũng lý giải vì sao lớp 12 của tôi ngày ấy có 40 học sinh thì có đến gần 30 người học sư phạm. Bây giờ, mỗi năm có ngần ấy “thầy cô giáo” tham gia họp lớp.
Là con nhà nghèo, từ khi còn nhỏ, tôi đã được định hướng học cao đẳng sư phạm. Lý do là ít tốn kém, lại gần nhà, thời gian học ngắn, ra trường có việc làm ngay, có thể giúp bố mẹ nuôi các em. Và tôi chấp nhận sự sắp đặt ấy như một điều hiển nhiên.
Cho đến một ngày, ông chú làm phóng viên ở Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh về chơi bỗng dưng ngó tôi lom lom rồi nói: Chú thấy mày cũng có khiếu viết lách đấy. Hay đi theo nghề của chú quách cho rồi. Chú sẽ nói với bố mẹ cháu.
Cứ tưởng nói chơi, ai ngờ chú tôi thuyết phục được bố mẹ tôi thật. Thế là tôi nộp hồ sơ dự thi vào Khoa Báo chí trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (bây giờ là Đại học KHXH&NV- Đại học Quốc gia Hà Nội).
Dù cuộc đời rẽ sang hướng khác, nhưng tôi có nhiều, rất nhiều bạn bè làm nghề giáo. Và trong tôi mãi vẹn nguyên sự trân quý dành cho họ.
|
2.Do nghề nghiệp, nên tôi cũng được tiếp cận với những câu chuyện không vui.
Có lần, một người bạn tâm sự với tôi, sắp tới ngày 20/11 rồi mà chưa có gì làm quà cho giáo viên chủ nhiệm của con. Tôi hỏi lại: Tại sao cậu nghĩ phải tặng quà giáo viên của con mình?
Cậu ta cười cười: Cũng chỉ là mong con mình được cô quan tâm thôi. Trong lớp, phụ huynh nào cũng có quà, con mình không có thì khó coi lắm.
Mặc dù là người từng trải nhưng tôi vẫn hơi sốc khi nghe điều đó. Vì đâu phụ huynh lại lăn tăn về quà cáp, như một thứ nghĩa vụ bắt buộc, gửi đến giáo viên? Vì đâu phụ huynh cho rằng phải có quà tặng giáo viên thì con mình mới được quan tâm, hoặc sẽ được đối xử một cách thiên vị so với các bạn khác?
Phải chăng "cơ chế thị trường" đã khiến phụ huynh nhìn khác đi về nghề được xem là cao quý. Hay chuyện “phong bì” đã làm phai nhạt đi tình cảm thầy trò.
Tôi nhớ về cô giáo chủ nhiệm năm lớp 5 của mình. Chồng mất sớm, một mình cô nuôi 2 con nhỏ, mà không, có thể nói cô vất vả với mấy chục “đứa con” là chúng tôi.
Vào Ngày Nhà giáo Việt Nam, cô nói với chúng tôi rằng, điều vui nhất trong Ngày Nhà giáo Việt Nam là "được nghe các em tâm sự, ôn lại kỷ niệm”. Và “lời hứa sẽ trở thành người có ích của học trò mới là món quà tri ân lớn nhất mà thầy cô mong muốn”.
Nhớ lại những lời ấy, nghĩ về những nhà giáo xung quanh mình- những người đang sống, đang cống hiến tâm huyết và trí tuệ cho sự nghiệp trồng người, tôi vững tin rằng, câu chuyện “quà cáp” kể trên chỉ là một nốt chênh trong bản trường ca nghề giáo.
Dù có thế nào đi nữa, mỗi giáo viên vẫn luôn là hình mẫu để học trò noi theo; là người định hướng và dẫn dắt học sinh mình tiến về phía trước.
Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định lấy ngày 20/11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngày 20/11/1982, lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước.
Từ đó đến nay, Ngày Nhà giáo Việt Nam không chỉ là ngày truyền thống của ngành giáo dục, mà còn là ngày để cả xã hội tôn vinh những người làm công tác trồng người.
Tôi tin rằng, kể từ lần đầu tiên Ngày "quốc tế hiến chương các nhà giáo" được tổ chức tại Việt Nam vào năm 1958, ở miền Bắc, thì ý nghĩa của ngày này đã được minh định là để mỗi nhà giáo nhắc nhở về sứ mệnh thiêng liêng của mình, về hành trình thực hiện sứ mệnh “trồng người”.
Chứ không phải vì mưu cầu phúc lợi cho mình!
Hồng Lam