Ngày của Mẹ - Tôn vinh những người mẹ
Mẹ là người có vị trí đặc biệt trong cuộc sống của mỗi người. Thế nhưng, không phải ai cũng đối xử đúng mực với mẹ và không phải lúc nào chúng ta cũng biết thể hiện tình yêu thương với mẹ. Vì vậy, “Ngày của Mẹ” là một ngày để tôn vinh những người mẹ và tình mẹ, là dịp để mỗi người con thể hiện sự biết ơn, công sinh thành và dưỡng dục của người mẹ.
1. Về lịch sử, theo nhiều tài liệu, “Ngày của Mẹ” đương thời được ra đời tại nước Mỹ, nó được khởi xướng bởi bà Anna Marie Jarvis tại thành phố Grafton, tiểu bang Tây Viginia của nước Mỹ để tôn vinh những người mẹ hiền, đặc biệt là trong khung cảnh của mái ấm gia đình.
Đến năm 1914, Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson đã ký nghị quyết ấn định ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5 làm “Ngày của Mẹ” và công nhận đây là một trong những ngày lễ quan trọng để những người con bày tỏ yêu thương, lòng biết ơn đối với đấng sinh thành của mình. Do đó, “Ngày của Mẹ” sẽ không giống như ngày lễ khác không cố định cụ thể một ngày nào, và mỗi năm thì ngày của mẹ có sự thay đổi bởi nó được quy ước chính là ngày chủ nhật thứ 2 của tháng 5 hàng năm.
Vào ngày này, những người con sẽ thể hiện tình cảm và tấm lòng của họ tới người mẹ của mình bằng những cách khác nhau như qua những câu chúc, thiệp chúc mừng tự làm, hoa… Những món quà dù là vật chất hay tinh thần với mong muốn người Mẹ của mình sẽ luôn được vui vẻ, hạnh phúc.
Ở nước ta, trước đây có ngày Vu lan báo hiếu; sau này có thêm ngày 20/10, ngày 8/3 là dịp để tôn vinh, ghi nhận những cống hiến của người phụ nữ Việt Nam, của những người mẹ, người chị trong gia đình và xã hội. Những năm gần đây, chúng ta có thêm một ngày nữa để thể hiện lòng biết ơn với mẹ đó là “Ngày của Mẹ”. Trải qua thời gian, ý nghĩa “Ngày của Mẹ” càng trở nên sâu sắc.
2. “ Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” - từ bao đời nay, người phụ nữ, người mẹ có vai trò vô cùng quan trọng đối với gia đình. Dù theo thời gian, những quan niệm về chuẩn mực của người phụ nữ có nhiều thay đổi nhưng phụ nữ vẫn là người thắp lửa trong gia đình, vẫn là người có tác động đặc biệt quan trọng đối với mỗi thành viên trong gia đình, nhất là đối với con cái.
Từ xa xưa, việc chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái đã là thiên chức của người mẹ. Trong cuộc đời mỗi con người, mẹ là người giữ vai trò chính yếu trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái nên người. Tất cả những người mẹ đều yêu thương con mình, cho dù người con đó có khoẻ mạnh, thành đạt và có địa vị trong xã hội hay không. Dù trong mọi hoàn cảnh nào, mẹ vẫn luôn là người bao dung, che chở, dõi theo bước con đi. Chỉ có người mẹ mới luôn sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm của con mình.
Ngày nay, vai trò của người mẹ càng được đề cao, họ không chỉ là người nắm giữ chìa khoá hạnh phúc của mỗi gia đình, mà còn đảm nhận và có vị trí trong nhiều công việc xã hội… Chính vì thế, trách nhiệm của người phụ nữ cũng lớn lao hơn.
3. Hầu hết những người con cũng đều yêu thương mẹ mình, hiểu thảo với cha mẹ. Mỗi người con lại có cách để thể hiện tình yêu, trách nhiệm đối với cha mẹ khác nhau. Tuy nhiên, trong cuộc sống bận rộn hôm nay, chúng ta có quá nhiều việc, nhiều mối quan hệ, có nhiều thứ để quan tâm nên đôi lúc chúng ta xao nhãng đến việc quan tâm tới mẹ; những thói quen, những cử chỉ quan tâm, yêu thương ít dần đi, thậm chí những bữa ăn với bố mẹ, ông bà hay việc ở bên cạnh lúc ốm đau cũng ít hơn. Có những người vì lý do quá bận rộn đã chọn giải pháp thuê người chăm sóc cha mẹ để có nhiều thời gian hơn cho công việc riêng…
Ở đâu đó hằng ngày, chúng ta vẫn thấy những bi kịch khi có những người con đối xử tệ bạc, bất hiếu với cha mẹ, nhất là với những mẹ già. Đã có không ít trường hợp con cái nhẫn tâm đánh đập, thậm chí sát hại chính cha mẹ ruột của mình; anh em bất đồng bỏ rơi cha mẹ, đẩy cha mẹ ra đường tự bươn chải mưu sinh...
Thời gian qua, theo dõi trên các phương tiện thông tin, nhiều người chắc hẳn còn nhớ những chuyện đau lòng như trường hợp một người con ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) kể công 8 năm nuôi dưỡng mẹ, và kiện lên tòa đòi mẹ bồi thường tiền phụng dưỡng; chuyện một người con ở Nghệ An thượng cẳng chân hạ cẳng tay khiến mẹ già ngất xỉu, chỉ vì mẹ ốm không nấu cơm được cho con; rồi lại có chuyện một người con ở Đăk Nông treo cha già lên vì ông không còn kiểm soát được khả năng đi vệ sinh mà trót nhiều lần đi ở trong quần...
Tất nhiên, đây chỉ là những trường hợp cá biệt, nhưng đây cũng là tiếng chuông cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức của con người trong xã hội hiện đại.
Có một nhà thơ đã nói rằng “Không có người mẹ thì cả nhà thơ và người anh hùng đều không có... Mọi cái làm cho thế giới này tự hào đều do người mẹ làm ra cả”. Vì thế, mỗi người con không nhất thiết phải đợi đến dịp lễ tết mới bày tỏ yêu thương, sự biết ơn đến các đấng sinh thành. Tuy vậy, “Ngày của Mẹ” vẫn được xem là một dịp thiêng liêng để mỗi người con chúng ta nhìn lại trách nhiệm của mình và thể hiện lòng biết ơn, sự trân quý đối với mẹ.
Thuỳ Hương