Ngành Y tế tỉnh: Từng bước thực hiện Chương trình Chuyển đổi số
Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đến nay, ngành Y tế tỉnh kiện toàn tổ chỉ đạo về chuyển đổi số và ban hành các kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số y tế hàng năm và từng giai đoạn, qua đó cải thiện chất lượng y tế, tiết kiệm thời gian, chi phí trong khám, chữa bệnh và đồng bộ hóa thông tin y tế.
|
Qua 2 năm (2020-2022) triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số, ngành Y tế tỉnh đã thống nhất Hệ thống quản lý văn bản điện tử và điều hành (VNPT-iOffice), ứng dụng chữ ký số và chứng thư số trong việc phát hành văn bản điện tử trong toàn ngành, đồng thời hạn chế việc sử dụng giấy tờ tại cơ quan Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc.
Hiện nay, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến trong ngành Y tế tỉnh đã có 15 điểm cầu, gồm: Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi và 10 trung tâm y tế các huyện, thành phố. Trong thời gian qua, trên 90% các hội nghị, hội thảo, tập huấn do Sở Y tế tổ chức đều áp dụng hình thức trực tuyến và đã triển khai 90/162 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4, chiếm 55,6%.
Ngành Y tế tỉnh hiện đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động y tế. Trong đó, hệ thống thông tin quản lý khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế tại 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Sở Y tế từ tỉnh đến huyện và xã. Đồng thời, đã kết nối liên thông thường xuyên hàng ngày với Hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cổng dữ liệu của Bộ Y tế và hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân tại 102 xã, phường, thị trấn. Việc thanh toán bảo hiểm y tế không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh và huyện; sử dụng ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên điện thoại thông minh để thay cho thẻ bảo hiểm y tế bằng giấy hoặc thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân thay thế thẻ bảo hiểm y tế phục vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, bệnh viện.
Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp với các bệnh viện tuyến trên triển khai tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa; kết nối, liên thông các cơ sở kinh doanh, cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh với Cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Các ứng dụng hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 (khai báo y tế, quản lý thông tin tiêm chủng vắc xin Covid-19) và một số ứng dụng do Bộ Y tế cùng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế triển khai trên địa bàn tỉnh, cụ thể như: Phần mềm quản lý tiêm chủng quốc gia, phần mềm thống kê y tế điện tử, phần mềm quản lý bệnh truyền nhiễm, quản lý lao, HIV…
Tuy nhiên, Chương trình Chuyển đổi số nhiều chi phí đầu tư, trong khi khả năng tài chính của ngành và của các đơn vị trực thuộc có hạn; đội ngũ công chức, viên chức làm công tác công nghệ thông tin thiếu về số lượng và năng lực chuyên môn còn hạn chế, đặc biệt là tuyến huyện đa số mới ra trường, thời gian công tác không nhiều, thiếu kinh nghiệm và không chuyên sâu về công nghệ chuyển đổi số trong ngành Y tế; cơ sở hạ tầng nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhất là tuyến cơ sở chưa đảm bảo cho việc triển khai một số ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Từ những bất cập đó, ngành Y tế tỉnh đã có nhiều giải pháp để triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số trong thời gian tới, như: Đầu tư cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế tuyến huyện có giường bệnh đảm bảo đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; tiếp tục triển khai và hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành điện tử, lưu trữ điện tử trong ngành Y tế tỉnh, hạn chế việc sử dụng giấy tờ tại cơ quan Sở Y tế và các đơn vị trong ngành.
Tiếp tục phát triển các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và đẩy mạnh việc triển khai các ứng dụng như: Hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế, kết nối liên thông với các hệ thống ID y tế, hồ sơ sức khỏe điện tử, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, khám bệnh và chữa bệnh từ xa, thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng thẻ căn cước công dân thay thế thẻ bảo hiểm y tế để phục vụ khám bệnh và chữa bệnh.
Hoàn thiện các phần mềm quản lý và số hóa bệnh viện; triển khai kê đơn thuốc điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định, từng bước triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện. Sẵn sàng triển khai các nền tảng số y tế thuộc Chương trình Phát triển nền tảng số quốc gia theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ Y tế, bao gồm: Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử, nền tảng quản lý tiêm chủng, nền tảng hỗ trợ tư vấn khám bệnh và chữa bệnh từ xa, nền tảng trạm y tế xã.
Vĩnh Hà