Lương hưu và Bảo hiểm y tế: Điểm tựa cho mọi người khi về già
Tuổi già là độ tuổi thường phải đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe. Vì vậy, tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) khi trẻ để đến khi về hưu, người lao động được nhận lương hàng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí trọn đời, giúp an tâm chăm sóc sức khỏe khi về già.
Hưu trí là một trong những chế độ quan trọng của chính sách BHXH, góp phần đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động, người dân khi hết tuổi lao động. Theo thống kê của BHXH tỉnh Kon Tum, hiện đơn vị đang thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho khoảng 10.500 người.
Thời gian qua, việc đảm bảo các chế độ, quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT luôn được BHXH tỉnh đặt lên hàng đầu. Lương hưu được giải quyết và chi trả kịp thời, đúng quy định, người hưởng lương hưu có thể nhận lương hưu hàng tháng bằng tiền mặt hoặc qua tài khoản ngân hàng, tạo thuận lợi nhất cho người hưởng lương. Việc cấp thẻ BHYT cho người hưởng lương hưu cũng được thực hiện đầy đủ, đảm bảo kịp thời ngay khi người tham gia BHXH có quyết định hưởng lương hưu.
|
Với những người được hưởng lương hưu, đa số đều có cuộc sống nhẹ nhàng, không phải tất bật lo toan. Đồng thời, họ cũng được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, tốt hơn vì được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Ông Trần Thanh Bình, 72 tuổi (ở Tổ 1, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Có lương hưu nên cuộc sống của tôi khá thảnh thơi, bởi tiền lương hàng tháng đủ để trang trải cuộc sống, còn khi đau ốm ra bệnh viện được khám, cấp thuốc miễn phí; có lúc đau nặng phải nằm viện điều trị, nhưng gần như cũng không tốn kém gì. Càng lớn tuổi, tôi càng thấy giá trị của lương hưu, bởi người già thì hay đau ốm, không có lương, không có BHYT đến bệnh viện thì lo vô cùng.
Gần 1 tuần điều trị bệnh gan tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhưng ông Đào Đức Chuật, 80 tuổi (ở thôn Phương Quý, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) không phải bận tâm, lo lắng gì về tiền viện phí, thuốc men. Bởi, ông có lương hưu, là người có công với cách mạng, được BHYT chi trả 100%.
Ông Đào Đức Chuật cho biết: Tôi có tiền sử tim mạch, huyết áp nên tháng nào cũng phải tới bệnh viện lấy thuốc. Mấy năm nay, sức khỏe yếu nên thỉnh thoảng lại phải nhập viện điều trị. May mắn là tôi có thẻ BHYT hưu trí nên bản thân và con cháu cũng không phải lo lắng, loay hoay về tiền bạc. Ví như năm 2019, tôi phải mổ tim, nếu không có BHYT thanh toán thì chắc chắn gia đình tôi sẽ phải trả một khoản phí rất lớn cho ca phẫu thuật, điều đó sẽ tạo gánh nặng đối với con cháu.
Có thể nói, lương hưu là chỗ dựa vững chắc cho người tham gia BHXH và cho cả gia đình họ khi hết tuổi lao động. Nhất là trong thời điểm khó khăn do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, với mức lương được Nhà nước chi trả ổn định và tấm thẻ BHYT giúp họ không phải chịu sức ép về thu nhập, kinh tế cũng như gánh nặng viện phí nếu không may ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày.
|
Vì vậy, để mở rộng đối tượng hưởng lương hưu, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, hiện nay, BHXH tỉnh đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Ông Nguyễn Tấn Sang -Phó Giám đốc BHXH tỉnh Kon Tum cho biết: Hiện nay, ngoài những người là cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị, người lao động ở các doanh nghiệp…tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, thì người dân ở khu vực phi chính thức, lao động tự do đều có quyền tham gia BHXH để được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Khi đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu và thời gian tham gia, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng. Quyền lợi về lương hưu và BHYT của người tham gia BHXH tự nguyện cũng được đảm bảo như người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc. Mức lương hưu liên tục được nâng lên trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH; được cấp thẻ BHYT (trong suốt thời gian hưởng lương hưu) với mức hưởng lên đến 95% khi đi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, cao hơn mức hưởng 80% của người tham gia BHYT theo hộ gia đình đang được áp dụng theo luật định.
Song song với việc tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân về quyền và lợi ích khi tham BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh Kon Tum cũng không ngừng chú trọng đến việc mở rộng hệ thống các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT và mạng lưới nhân viên thu BHXH, BHYT, giúp người dân dễ dàng tiếp cận chính sách và chủ động tham gia. Phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng Bảo hiểm xã hội số -VssID trên thiết bị di động cá nhân để thay cho thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh, theo dõi quá trình tham gia BHXH, BHYT, lịch sử hưởng các chế độ…Qua đó, giúp người dân tự giám sát các chế độ được thụ hưởng, bảo vệ quyền lợi an sinh của mình và giúp các cơ sở khám, chữa bệnh thuận tiện hơn khi tiếp nhận bệnh nhân đến khám và điều trị.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng khám chữa bệnh cho người khám chữa bệnh BHYT; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhằm tạo thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho người dân khi đi khám, điều trị bệnh BHYT.
Nghị quyết số 28-NQ/TW (ngày 23/5/2018) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH đặt ra mục tiêu “Từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”. Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu này, theo Chương trình số 72-CTr/TU (ngày 22/11/2018) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XV, tỉnh ta đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 phấn đấu có 40% số người hết tuổi lao động được hưởng lương hưu hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tăng lên 50% trong giai đoạn 2025-2030.
Có thể nói, lương hưu có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của người lao động, người dân khi về già. Nguồn thu ổn định hàng tháng và tấm thẻ BHYT với mức chi trả cao giúp người lao động, người dân tự chủ hơn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe, giảm bớt sự phụ thuộc vào gia đình và xã hội.
Thùy Hương