Sức bật mới cho các thôn, làng đồng bào DTTS
Với mục tiêu xây dựng 284/510 thôn (làng) vùng đồng bào DTTS đạt nông thôn mới trong năm 2025, Kế hoạch số 817/KH-UBND ngày 13/3/2025 của UBND tỉnh về xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS được kỳ vọng đem lại sức bật mới cho tiến trình này.
|
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 18/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng thôn (làng) nông thôn mới (NTM) ở vùng đồng bào DTTS, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao trong nhân dân, nhiều thôn (làng) đồng bào DTTS đã mang diện mạo mới, nhà cửa được sửa sang ấm cúng hơn; đường nội thôn, liên thôn được mở rộng ra, kéo dài thêm; các thiết chế văn hóa được xây dựng.
Người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất; biết dựng vườn trồng cây ăn quả, nuôi gia cầm, đào ao thả cá, không còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà tự tay xây dựng cuộc sống mới. Sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng được cải thiện rõ rệt.
Sự chuyển mình từ các thôn (làng) vùng đồng bào DTTS là cơ sở quan trọng góp phần thực hiện xây dựng xã nông thôn mới đạt kết quả cao và thực chất.
Thông báo số 1169-TB/TU ngày 6/12/2024 về Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sơ kết thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU nêu rõ, sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, sự vào cuộc, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, việc xây dựng thôn (làng) NTM ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.
Đến nay, có 119/510 thôn (làng) cơ bản đạt chuẩn 10/10 tiêu chí (chiếm tỷ lệ 23,42%); trong đó, có 63/95 thôn (làng) vùng đồng bào DTTS thực hiện điểm các cấp (tỉnh, huyện, xã) cơ bản đạt chuẩn 10/10 tiêu chí (chiếm tỷ lệ 66%). Riêng thôn Làng Mới của xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei (được chọn để xây dựng thôn điểm nông thôn mới của tỉnh) đã được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới.
Tuy nhiên, tiến trình xây dựng thôn (làng) vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM còn những hạn chế, tồn tại, cần được khắc phục.
Trong đó, tiến độ bị chậm so với lộ trình đề ra; một số địa phương chưa có thôn (làng) nào được công nhận đạt chuẩn NTM. Nhiều thôn (làng) thuộc diện chỉ đạo điểm các cấp vẫn chưa đạt chuẩn; ở một vài địa phương, các thôn điểm mới cơ bản đạt từ 5- 8 tiêu chí.
Đáng chú ý là kết quả xây dựng thôn (làng) NTM ở vùng đồng bào DTTS chưa bền vững; một số thôn (làng) được công nhận đạt chuẩn NTM chưa thực chất; đời sống vật chất và tinh thần của người dân một số vùng đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo người DTTS chiếm tỷ lệ cao trong tổng số hộ nghèo của tỉnh.
Vì vậy, Kế hoạch số 817/KH-UBND ngày 13/3/2025 của UBND tỉnh về xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS được kỳ vọng đem lại sức bật mới cho tiến trình này.
Mục đích của Kế hoạch số 817 là xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS có kinh tế hộ phát triển, có mô hình sản xuất kinh doanh, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phù hợp, có cảnh quan, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; an ninh trật tự được đảm bảo; hạn chế thấp nhất mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của người dân trên địa bàn.
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Tháp- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 284/510 thôn (làng) ở vùng đồng bào DTTS được công nhận thôn (làng) nông thôn mới. Trong đó, riêng năm 2025 phấn đấu có thêm 200 thôn (làng) đạt chuẩn nông thôn mới.
Các thôn (làng) còn lại phấn đấu cơ bản đạt chuẩn từ 6 tiêu chí trở lên, ưu tiên hoàn thành các tiêu chí như: Tiêu chí số 1 về Giao thông, số 2 về Điện, số 3 về Cơ sở vật chất văn hóa, số 4 về Thông tin và truyền thông, số 8 về Văn hóa, giáo dục và y tế, số 10 về An ninh trật tự xã hội.
|
Để thực hiện được mục tiêu trên, cần có quyết tâm cao và những giải pháp đồng bộ, cụ thể. Trong đó, các sở, ngành, địa phương cần xác định việc xây dựng thôn (làng) NTM ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong kế hoạch kinh tế - xã hội; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị- đồng chí Nguyễn Hữu Tháp nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự tham gia của các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở; có sự phân công, phân nhiệm trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ kết quả”.
Huy động mọi nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn các chương trình MTQG đầu tư, xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng trên địa bàn thôn (đường giao thông nông thôn, điện sinh hoạt, cơ sở vật chất văn hóa, hệ thống thông tin và truyền thông, công trình cấp nước sinh hoạt và bảo vệ môi trường nông thôn).
Ưu tiên thực hiện các mô hình, hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất.
Và quan trọng nhất là tăng cường tuyên truyền, vận động người dân dám nghĩ, dám làm, từng bước thoát ra khỏi cách suy nghĩ, làm ăn kiểu cũ. Tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội theo phương châm 3 không: Không chấp nhận đói, nghèo; không trông chờ ỷ lại; không tự ti, thỏa mãn (bằng lòng, chấp nhận cuộc sống hiện tại).
Thành Hưng