Lời hiệu triệu vang vọng non sông
Đất nước đang trong những ngày gian khó, nhưng với lời hiệu triệu vọng khắp non sông, cả nước Việt Nam ta sẽ góp sức, đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng Đảng, Nhà nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chiến thắng đại dịch Covid-19.
Tôi đã có một đêm không ngủ. Và tôi tin chắc rằng, có nhiều, rất nhiều người cũng thức trắng đêm khi đọc Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài.
Đọc Lời kêu gọi, giống như nghe Tổ quốc gọi tên mình. Thấy sục sôi nhiệt huyết, muốn xung phong “ra trận”, làm theo sức mình- một người bạn viết trên zalo lúc 1 giờ sáng 30/7.
Mỗi người trong chúng ta, hãy theo lời hiệu triệu vọng non sông hôm nay mà cống hiến, mà đóng góp cho công cuộc chống dịch. Cách làm có thể khác nhau, miễn là phù hợp với hoàn cảnh mới, phương cách mới- một người bạn khác là bác sĩ viết.
Tôi, và rất nhiều bạn bè của anh đều biết, mấy tháng nay, anh gần như không được nghỉ ngơi. Là thành viên quan trọng của một Đội đáp ứng nhanh, những cuộc gọi lúc nửa đêm, những ngày dài truy vết đã cuốn hết tâm trí, hút hết sức lực của anh.
|
Những ngày qua, chúng ta đã lo lắng, bất an, đã đau đớn, xót xa khi dịch bệnh bùng phát ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, với liên tục các con số về ca mắc mới bị xô đổ hàng ngày, từ 2 con số, 3 con số, rồi 4 con số...
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng,… vắng lặng đến tê người. Một sự vắng lặng bất thường ở những thành phố lớn sầm uất của một đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Cuộc chiến với một kẻ địch phi truyền thống, phi phép tắc, phi quy luật đã thực sự bước vào giai đoạn cam go nhất, quyết liệt nhất.
Ở Kon Tum, “hơi thở nguy hiểm” của “giặc” Covid-19 cũng bắt đầu được cảm nhận rõ hơn khi tỉnh nhà phát hiện những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên; khi dòng người từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê “tránh dịch” chạy xe máy xuyên ngày đêm qua địa bàn tỉnh.
Rất tuyệt vời là các ca bệnh đều được phát hiện và ngăn chặn ngay từ chốt kiểm soát, chưa vào tỉnh, nên tỉnh ta chưa có ca bệnh cộng đồng.
Những lúc này, chúng ta có Đảng, có Nhà nước, có đoàn thể và có khối đoàn kết toàn dân. Hơn 3 tháng qua, khi mỗi người thuộc lòng những khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch” thì hình ảnh lãnh đạo Đảng, Chính phủ bận rộn với những chuyến đi kiểm tra thực tế “con thoi”, đến những điểm “nóng nhất”; những cuộc họp xuyên ngày đêm cũng đã trở nên quen thuộc.
Và chiều 29/7, chúng ta được nghe lời kêu gọi của người đứng đầu Đảng ta. Đây là lần thứ hai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lời kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trước đó vào ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng ra lời kêu gọi toàn dân chung sức để chiến thắng đại dịch.
Trong lời kêu gọi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, hiện nay, tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan rất nhanh, gây tổn hại lớn về sức khoẻ và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống.
Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, Tổng Bí thư "tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài": Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.
|
Tổng Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 từ Trung ương tới cơ sở phải quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực; chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình.
Các cấp, các ngành tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh; linh hoạt, sáng tạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công việc hệ trọng này.
Không quên biểu dương, động viên các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận “sự vào cuộc kịp thời, tích cực của cả hệ thống chính trị đã góp phần kiềm chế, ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh; phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân”.
Và Tổng Bí thư khẳng định: "Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 và phải chiến thắng cho bằng được".
Tôi tin rằng, khi đọc lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hàng triệu người Việt Nam sẵn sàng xung trận với tinh thần của những chiến binh quả cảm “vâng mệnh lệnh của Tổ quốc, của nhân dân”.
Dẫu đâu đó có những người chống đối cách ly, có những người vẫn vi phạm yêu cầu giãn cách, vẫn có những thông điệp mang tính xuyên tạc, bóp méo nỗ lực chống dịch của cả nước, nhưng đó chỉ là những việc làm, tiếng nói lạc lõng và thiển cận. Bởi họ chưa từng đặt mình vào vị trí của những y bác sĩ, những tình nguyện viên nơi tuyến đầu đang khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ chiến đấu với “giặc Covid”; chưa từng phải xa người thân hàng tháng ròng phục vụ công tác chữa trị, cách ly; cũng chưa từng dãi nắng dầm mưa, thức trắng hết ngày dài đến đêm thâu nơi biên cương để ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép....
Sẽ lại có những tháng ngày gian khó nhưng đẹp tuyệt vời lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước sục sôi; lòng nhân ái và tinh thần đoàn kết của người dân đất Việt.
Sẽ lại có những chiến binh áo trắng; những tình nguyện viên xông lên tuyến đầu chống dịch; những người lính Cụ Hồ ngủ rừng nhường giường, ăn mì gói nhường cơm cho dân; những bà mẹ góp từng đồng tiền dành dụm được; những em bé đập heo đất lấy tiền tiết kiệm gửi ra “tiền tuyến”…
Vì lời hiệu triệu vang vọng non sông ấy đã chạm vào con tim mỗi người con đất Việt!
Hồng Lam