Kon Rẫy: Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp vùng nông thôn
Những năm qua, phong trào phụ nữ và nông dân khởi nghiệp trên địa bàn huyện Kon Rẫy ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống người dân, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS.
|
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017–2025”, Hội LHPN huyện Kon Rẫy đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong hội viên. Hội thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, cuộc thi ý tưởng sáng tạo, hỗ trợ các điều kiện về vốn, kỹ thuật, tập huấn. Qua đó, góp phần thay đổi tư duy sản xuất, giúp nhiều hội viên phụ nữ mạnh dạn trên hành trình khởi nghiệp từ chính lợi thế của bản thân, các sản phẩm đặc thù của địa phương.
Bà Phạm Thị Ngọc Hà – Chủ tịch Hội LHPN huyện Kon Rẫy cho biết, từ năm 2017 đến nay, huyện đã hỗ trợ 8 ý tưởng tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh, trong đó có 3 ý tưởng đạt giải. Các hoạt động hỗ trợ của Hội không chỉ dừng lại ở việc khuyến khích sáng tạo, mà còn chú trọng sự công bằng, ưu tiên hỗ trợ những nhóm phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống như phụ nữ khuyết tật, phụ nữ đơn thân. Qua đó, đảm bảo hoàn thành mục tiêu lớn nhất là không có hội viên phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau, ai cũng có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.
|
Huyện Kon Rẫy hiện có 6 mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ, trong đó hỗ trợ trực tiếp cho 68 hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng. Nhiều mô hình tiêu biểu được nhiều người đến tham quan, học hỏi như: Trồng lúa nếp than và sản xuất rượu cần tại xã Đăk Tờ Lung; sản xuất lúa sạch tại xã Đăk Kôi; nuôi heo đen, nuôi dê sinh sản tại 2 xã Đăk Ruồng, Đăk Tờ Re; mô hình “Dứa không gai sấy dẻo” tại xã Đăk Pne; tổ liên kết chế biến và tiêu thụ măng khô, chuối sấy. Các mô hình này giúp hội viên có thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng, nhiều phụ nữ đã thoát nghèo bền vững.
Được Hội LHPN huyện kết nối và hỗ trợ, đầu năm 2025, chị Y Ty ở thôn 1, xã Đăk Tờ Re nhận được 1 cặp dê giống sinh sản từ nguồn lực của tổ chức Plan Kon Tum. Với tinh thần quyết tâm và chuẩn bị kỹ lưỡng, chị đã xây dựng chuồng trại sạch sẽ, gọn gàng để chăm sóc đàn dê phát triển khỏe mạnh. Đây là bước khởi đầu quan trọng giúp chị thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất, tiến đến làm chủ kinh tế gia đình và cải thiện cuộc sống.
Chị Y Ty chia sẻ: Lúc đầu, tôi rất lo lắng vì chưa có kinh nghiệm nuôi dê, nhưng được cán bộ hướng dẫn kỹ lưỡng nên cảm thấy yên tâm hơn nhiều. Hiện dê phát triển khỏe mạnh, tôi tin rằng trong tương lai đàn dê sẽ sinh trưởng tốt, phát triển giống hiệu quả. Tôi nhận ra rằng phải dám nghĩ, dám làm, mới có cơ hội thay đổi cuộc sống.
Phong trào khởi nghiệp, vượt khó cũng lan tỏa mạnh mẽ trong thế hệ thanh niên và các hội viên nông dân trên địa bàn huyện.
Tiêu biểu như Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” hiện đang được phát động sâu rộng. Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, huy động nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương và địa phương để hỗ trợ vốn cho hơn 2.100 hộ vay đầu tư phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, từng bước giúp nông dân nâng cao trình độ sản xuất hiệu quả. Nhờ sự hỗ trợ này, từ năm 2020 đến nay đã tạo việc làm ổn định cho gần 1.000 lao động tại chỗ, giúp hơn 600 hội viên nông dân thoát nghèo; có hơn 30 tổ, nhóm hợp tác xã được thành lập của các hội viên nông dân hoạt động hiệu quả.
Một trong những mô hình khởi nghiệp hiệu quả, tạo sự lan tỏa thời gian qua là trang trại trồng nho xanh không hạt của anh Huỳnh Đạt Lâm – hội viên nông dân trẻ tại thôn 3 (xã Tân Lập). Từ thành phố Kon Tum lên lập nghiệp tại vùng đất còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác, anh Lâm đã mạnh dạn đầu tư trồng gần 2ha nho với số vốn lên tới vài tỷ đồng. Được Hội Nông dân huyện kết nối, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, anh từng bước xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững. Sau gần một năm chăm sóc, hiện vườn nho đã cho ra bói và chuẩn bị vào vụ thu hoạch đầu tiên.
Chia sẻ về lựa chọn của mình, anh Lâm cho biết: Mặc dù nho là loại cây trồng còn khá mới trên địa bàn huyện, nhưng tôi nhận thấy Kon Rẫy có thời tiết và thổ nhưỡng thích hợp để phát triển cây trồng này. Vì vậy tôi đã mạnh dạn khởi nghiệp với mục tiêu tạo ra sản phẩm mới, độc đáo để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, tôi còn mong muốn nhân rộng mô hình và chia sẻ, chuyển giao kinh nghiệm để giúp nhiều hộ dân khác trong vùng cùng phát triển bền vững.
Nhờ sự hỗ trợ tận tình từ các cấp, ngành, nhiều mô hình kinh tế trên địa bàn huyện Kon Rẫy được triển khai thành công và phát huy hiệu quả rõ rệt. Qua đó không chỉ giúp nâng cao đời sống của người dân mà còn khơi dậy tinh thần vượt khó, khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hoàng Thanh