Khúc ru buồn dưới chân núi Chư Mom Ray
Xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) nằm dưới chân núi Chư Mom Ray với 6 làng đồng bào DTTS là người Hà Lăng (một nhánh của dân tộc Xê Đăng) sinh sống. Kể từ ngày xuống núi lập làng, cuộc sống của người Hà Lăng đã đổi thay rõ nét, ấm no đang hiện hữu trong từng căn nhà. Thế nhưng, đâu đó chúng tôi vẫn nghe kể về những khúc ru buồn khi những câu chuyện lấy chồng từ thuở 13 vẫn chưa có hồi kết.
Đổi thay khi xuống núi lập làng
Lâu lắm rồi, cuối tháng 5 vừa qua chúng tôi mới có dịp trở lại Rờ Kơi. Thật ngạc nhiên trước những đổi thay của Rờ Kơi hôm nay, không chỉ đường trung tâm xã mà đường đến các thôn, làng đều đã được thảm bê tông phẳng lì; những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát; những lô cà phê, cao su, rẫy bời lời ven rừng xanh mướt... Duy chỉ có cái khí hậu vùng biên nóng hầm hập thì vẫn khó chịu như xưa.
Đon đả chào khách, Phó Chủ tịch UBND xã - A Him tranh thủ giới thiệu: Các nhà báo biết không, ngày trước, người Hà Lăng ở Rờ Kơi quanh năm sống du canh, du cư giữa đại ngàn gắn bó với cây lúa rẫy, cây mì... Làng của người Hà Lăng nằm giữa lưng chừng núi bởi người dân quan niệm chóp núi là của trời, dưới thấp là của con ma, nơi đấy con người không sống được. Ở trên núi cao, cuộc sống du mục quanh năm, người dân chỉ biết phát đốt, chọc tỉa; đói nghèo, bệnh tật, lạc hậu lắm. Mãi đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, sau nhiều nỗ lực tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành trong huyện, bộ đội biên phòng và những người tiên phong trong xã, người dân ở đây mới dần thông cái đầu, từ từ xuống núi lập làng và xây dựng cuộc sống mới. Rờ Kơi hôm nay không còn xa xôi cách trở như ngày nào, mà đã khoác lên mình diện mạo mới rồi; điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng đồng bộ, cuộc sống của người dân nơi đây đang khởi sắc từng ngày...
|
Còn nhớ, hồi đó cuộc sống khó khăn lắm chứ đâu có được như bây giờ. Ban đầu khi mới xuống núi, do thay đổi nếp ăn nếp ở, cách làm nên cán bộ nhà nước, bộ đội phải giúp đỡ bà con nhiều lắm, nhất là khai hoang ruộng trồng lúa nước. Cũng nhờ chính sách định canh, định cư; rồi sau này là tách hộ lập vườn, cuộc sống của bà con dần ổn định. Đến hôm nay, người dân Rờ Kơi không chỉ biết trồng lúa nước, cây ăn trái mà nhận thức, trình độ thâm canh đã được nâng lên rõ rệt khi nhà nhà đã biết trồng cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi trâu, bò; những rẫy cao su, cà phê, bời lời ngày càng được mở rộng là bằng chứng rõ nhất về điều này - A Him chia sẻ.
Với sự hỗ trợ của Nhà nước, khoảng 10 năm trở lại đây, người dân Rờ Kơi đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa rẫy, mì sang trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Toàn xã hiện có 935ha cây cao su, gần 100ha cây cà phê, hơn 300ha cây bời lời. Tận dụng lợi thế đồng cỏ, người dân còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò, toàn xã hiện có khoảng 800 con trâu, bò.
Không chỉ có kinh tế phát triển, xuống núi lập làng đã mang lại bước tiến vượt bậc về văn hoá – xã hội. Theo lời già làng A Linh (làng Rờ Kơi) thì cái được rõ nhất là con cháu được học hành, việc khám chữa bệnh rất thuận tiện, được tiếp cận với thông tin văn hoá, khoa học kỹ thuật... Cái tư tưởng “sợ con ma núi, ma rừng” đã được loại bỏ hẳn, người dân bây giờ thi nhau làm kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa...
Mấy năm nay, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân Rờ Kơi lại chung sức, đồng lòng góp công, góp của để xây dựng quê hương. Ở Rờ Kơi bây giờ đã xuất hiện những hộ gia đình làm kinh tế giỏi, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ chính thửa ruộng, mảnh rẫy của mình, như A Ghinh (làng Rờ Kơi), A Bửu (thôn Giang Xiêng), A Hum (làng Kram)...
Vẫn còn những khúc ru buồn
Đang rôm rả chuyện trò về những đổi thay của Rờ Kơi, bỗng Phó Chủ tịch UBND xã - A Him ngừng câu chuyện chép miệng thở một tiếng dài thườn thượt, đôi mắt đượm nỗi suy tư. Hiểu được băn khoăn của khách, giọng trầm lại, A Him nói ngay: Dù cuộc sống hôm nay đã có nhiều đổi thay, nhận thức của người Hà Lăng cũng đã tiến bộ nhiều rồi, nhưng chỉ có chuyện tảo hôn là vẫn còn nan giải lắm. Nhiều đứa trẻ vừa lớn lên mới 14, 15 tuổi đã lập gia đình rồi. Mà các nhà báo biết rồi đấy, tảo hôn sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ như làm suy giảm chất lượng nòi giống, trẻ em suy dinh dưỡng và cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo sẽ đeo bám. Chưa hết đâu, nhiều đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng đã bước vào cuộc sống gia đình nên khi gặp những trắc trở, khó khăn không đủ sức gánh vác, vượt qua dẫn tới bỏ nhau, chia tay...
|
Rồi ông ấy ví dụ như Y Tỉu (làng Rờ Kơi), khi lấy chồng chưa đầy 15 tuổi. Do chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn nên hai gia đình chỉ làm đám cưới nho nhỏ rồi cho chúng nó về ở chung, thế nhưng ở với nhau mới được dăm bữa nửa tháng không biết mâu thuẫn thế nào, Y Tỉu đã bỏ về nhà mẹ đẻ rồi.
Chúng tôi được cán bộ xã dẫn đến một số gia đình để tìm hiểu về vấn đề tảo hôn ở đây. Hỏi thăm vào nhà Y Lữu, chúng tôi gặp một cô bé đang chơi trò oẳn tù tì với đám trẻ con trong xóm, khuôn mặt khá non nớt nhưng cái bụng thì đã lùm lùm, cô bé bẽn lẽn giới thiệu, em chính là Y Lữu.
Y Lữu kể: Em sinh năm 2001, lấy chồng cuối năm 2016. Năm em đang học lớp 8 thì quen A Báo, thế là học xong lớp 8, em xin bố mẹ cho nghỉ ở nhà luôn đến cuối năm thì bọn em làm đám cưới. Hiện tại, hai vợ chồng em vẫn đang ở chung với bố mẹ đẻ nên mọi việc từ ruộng rẫy đến việc nhà thì vẫn do bố mẹ lo, em đang có bầu nên chỉ quanh quẩn ở nhà, ngoài 2 bữa cơm mỗi ngày thời gian còn lại cũng chỉ biết chơi với mấy đứa em.
Chúng tôi hỏi thêm: Thế trong làng có nhiều bạn lấy chồng sớm như cháu không? Thoáng chút ngượng ngùng, Y Lữu đáp: Cũng có một số bạn như Y Phấn, Y Soái, Y Riu... Do bọn em không đi học nữa hay học không vô, ở nhà có người ưng thì lấy...
Sớm hơn cả Y Lữu, Y Phấn năm nay mới 17 tuổi nhưng đã lấy chồng được gần 3 năm và đã có con được hơn 1 tuổi. Hôm chúng tôi đến nhà thì Y Phấn đi vắng, cha của Y Phấn là A Thăng chỉ tay lên tấm hình cưới và bức ảnh một bé trai kháu khỉnh bảo: Đó là vợ chồng Y Phấn và con của chúng nó. Mình cũng biết, lấy vợ lấy chồng sớm là không nên, là vi phạm quy định của Nhà nước, nhưng chúng nó ưng nhau rồi, không cho cưới lỡ chúng nó làm liều thì còn xấu hổ hơn.
Cũng theo A Him, cán bộ xã Rờ Kơi thường xuyên xuống làng tuyên truyền, vận động người dân không nên lấy chồng sớm… Mặc dù gần đây tình trạng này cũng đỡ hơn nhưng vẫn còn nan giải lắm bởi nhiều đứa trẻ cứ lên rẫy, xuống đồng thấy chàng trai ưng ý là bắt về làm chồng mà không cần hỏi ai.
Cuộc sống của người Hà Lăng ở Rờ Kơi đang thay đổi từng ngày, trong mấy năm nữa khi những vườn cao su, cà phê lớn lên cho thu hoạch chắc chắn sẽ tạo bước đột phá về kinh tế. Thế nhưng, để Rờ Kơi tiến bộ hơn nữa, cần từng bước chấm dứt tình trạng tảo hôn. Có lẽ để làm được điều này cần phải có một quá trình đòi hỏi sự quyết tâm mạnh mẽ của các cấp, các ngành và cả ý thức của mỗi người dân.
Hương Nga