Không chối bỏ chính mình
Tôi viết những dòng này, vừa để gửi lời động viên đến đứa em khuyết tật, cũng vừa nhắn nhủ những người khuyết tật mà tôi quen hoặc không quen rằng: Đừng tự chối bỏ chính mình.
Người nói với tôi câu ấy chính là đứa em đáng thương. Ngay từ khi sinh ra, em đã bị khuyết tật hệ vận động. Điều đó mặc định một điều, cuộc đời em phải gắn liền với chiếc xe lăn.
Sau này, cũng không ai đi tìm hiểu nguyên nhân vì sao em lại phải chịu đựng sự nghiệt ngã của số phận như vậy. Thỉnh thoảng, sau khi uống rượu, bố em- một cựu chiến binh-lại ứa nước mắt khi kể về cuộc hành quân qua một cánh rừng phủ đầy lớp chất lỏng, hít vào muốn nghẹt thở, chảy nước mắt nước mũi.
Như bất cứ một đứa trẻ khuyết tật nào khác, em đã trải qua tuổi thơ không mấy êm đềm, khi không thể chạy nhảy như chúng bạn; lo sợ thành trò đùa, bị người khác trêu chọc hay nhạo báng.
|
Nhưng may mắn thay, em được gia đình và mọi người xung quanh chăm sóc, yêu thương. Bố mẹ, anh chị, bạn bè chơi với em, an ủi và động viên, thay nhau đưa em đến trường.
Sống trong sự yêu thương ấy, em luôn có tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực, hòa đồng với mọi người. Em luôn tự tin và chủ động xây dựng từng kế hoạch phấn đấu ngắn hạn cho mình và nỗ lực thực hiện.
Đặc biệt, em luôn tự làm lấy những việc có thể tự làm, thay vì dựa dẫm vào người khác. Em cố gắng học tốt, tham gia những trò chơi phù hợp. Không chỉ tự lo cho bản thân, em còn giúp mẹ lo chuyện cơm nước, quét dọn nhà cửa.
Tôi thường khuyên em nghỉ ngơi vì lo ngại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, em tự tin nói: Em làm được.
Sau đó, em thi vào trường cao đẳng sư phạm. Gia đình muốn em ở nhà, vì kinh tế gia đình đủ để lo cho em, nhưng em tự tin nói: Con làm được.
Và bây giờ, em đã là một thầy giáo, được bố trí dạy gần nhà.
Em nói rằng, tình yêu thương của gia đình và những người sống quanh em là bệ đỡ, còn niềm tin vào chính mình là “thuốc phóng” để em có được ngày hôm nay. Với người khuyết tật, bị chối bỏ không đáng sợ, tự chối bỏ mình mới đáng sợ.
Cuộc sống của người khuyết tật là cả một hành trình phấn đấu để vượt qua hoàn cảnh và vượt qua chính mình.
Khi còn nhỏ, dù là bẩm sinh hay chẳng may gặp bạo bệnh, biến chứng, sinh hoạt hàng ngày phải trông cậy vào người nhà, đi học bị bạn bè trêu chọc, xa lánh nên phần lớn sẽ tự ti, dần thu mình nhằm tạo khoảng cách an toàn cho bản thân.
Lớn lên, người khuyết tật cũng sẽ gặp trở ngại trong cuộc sống, công việc, sự nghiệp. Không chỉ do ánh mắt chê cười, soi mói hay thương hại của những người xung quanh, mà còn do chính “rào cản” từ bản thân.
Họ ngại tiếp xúc với người khác, tự “đóng cửa” trước sự quan tâm, chăm sóc của mọi người; không đủ tự tin vào bản thân mình, từ đó cản trở việc hòa nhập cộng đồng.
Trên thực tế, vẫn không ít người khuyết tật bị coi thường, không tôn trọng. Khi tham gia lao động, họ thường chỉ được giao một số công việc với mức lương hạn chế; không được thăng tiến bình đẳng; ít được tập huấn dạy nghề để nâng cao tay nghề, dẫn đến có nguy cơ dễ bị sa thải.
Vì vậy, họ gặp khó khăn trong việc hòa nhập vào đời sống kinh tế và xã hội do sự kỳ thị và phân biệt đối xử từ cộng đồng, cần đến sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể và xã hội.
Cho nên, tôi kể câu chuyện của em với mong muốn động viên, khích lệ những người khuyết tật. Tôi muốn nói với họ rằng: Phải tin vào bản thân. Nếu ta không tự vượt qua khó khăn của chính mình, tìm cơ hội vươn lên, thì dù người khác có đỡ ta đứng dậy thì cũng không thể vững vàng.
Tất nhiên, không như “những người bình thường”, để chứng minh được mình, vươn lên làm chủ số phận, làm chủ cuộc sống của mình, người khuyết tật nỗ lực hơn nhiều, nghị lực hơn nhiều. Đặc biệt là phải tự tin hơn nhiều lần.
Vì nghề nghiệp, tôi quen biết với nhiều người không may mắn, và biết rất rõ họ không được cuộc đời ban cho nhiều lựa chọn. Trong số họ, có không ít người khuyết tật vẫn để tâm lý tự ti đè nặng, đến mức ỷ lại. Thường ngày, họ than vãn về nỗi khổ của mình, và trông chờ một chiều vào xã hội.
Nhưng có rất nhiều người khiến tôi khâm phục bởi ý chí, nghị lực và niềm tin vào cuộc đời, dù cuộc đời bất công với họ.
|
Đó có thể là một chị bán vé số ngồi trên xe lăn ở bùng binh Trần Phú – Bà Triệu bất kể nắng mưa; hay cậu thanh niên ngồi xe lăn miệt mài làm việc trong xưởng mộc. Đó có thể là một em học sinh ngày ngày đến trường trên đôi nạng, hay bà cụ ngồi bán rau bên vỉa hè.
Tất cả đều là tấm gương sáng về nghị lực và nỗ lực. Từ việc làm của mình, họ đã chứng minh rằng, dù con đường hòa nhập với xã hội và tự phát triển bản thân có không ít rào cản, nhưng với ý chí và sự nỗ lực, suy nghĩ và tư duy tích cực, không ỷ lại vào gia đình và xã hội, họ đã thành công.
Theo các chuyên gia, để tạo cơ hội cho người khuyết tật vươn lên, cần thiết phải xây dựng và thực hiện các chính sách, chương trình giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến khuyết tật với các can thiệp khác nhau.
Trong đó, thực hiện chính sách và chương trình hỗ trợ việc làm và các vấn đề liên quan đến việc làm cho người khuyết tật; cung cấp các dịch vụ miễn phí hoặc trợ cấp, lợi ích an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng trong làm việc và tiếp cận dịch vụ cho người khuyết tật.
Đồng thời, việc tăng nguồn chi ngân sách nhà nước cho các hoạt động bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật để công việc hỗ trợ được thực hiện một cách thường xuyên, nhất là ở cấp cơ sở, là rất quan trọng, tạo nền tảng và động lực để người khuyết tật vươn lên.
Nhưng bên cạnh đó, bản thân người khuyết tật cũng cần học cách tự vượt lên trên bất hạnh của mình. Hãy tự tin chiến đấu với số phận, hòa nhập với cộng đồng, đón lấy cơ hội bứt phá giới hạn bản thân.
Và quan trọng nhất, không được chối bỏ chính mình!
Hồng Lam