Khát vọng Chuyển đổi số
Chuyển đổi số tác động tới mọi người dân, cho nên, phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng hô khẩu hiệu.
1. Chủ trương chuyển đổi số, phát triển kinh tế số được Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh trong các văn kiện Đại hội; được đưa vào Báo cáo chính trị thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị.
Trên cơ sở đó, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Hơn 2 năm qua, làn sóng Chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ ở mọi ngành, mọi cấp, trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện hơn bao giờ hết ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực.
|
Ngày 10/10 năm nay trở thành một ngày ý nghĩa với công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam, bởi lần đầu tiên chúng ta chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Trước đó, ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Đối với tỉnh Kon Tum, có thể khẳng định việc Chuyển đổi số được thực hiện một cách chủ động và tích cực. Ngày 18/2/2022, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nghị quyết số 09-NQ/TU xác định quan điểm chuyển đổi số là yêu cầu khách quan; là giải pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mục tiêu của Nghị quyết là cơ bản hình thành được nền tảng chính quyền số để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; tập trung ưu tiên đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ở một số lĩnh vực thiết yếu, tạo động lực thúc đẩy phát triển.
Trong hơn một năm qua, các nguồn lực đã được huy động và sử dụng có hiệu quả để thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện ở cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các doanh nghiệp và người dân.
Kết quả là đến nay, 20/20 sở, ngành đã kiện toàn ban chỉ đạo hoặc tổ chỉ đạo; 10/10 huyện, thành phố thành lập ban chỉ đạo về Chuyển đổi số.
Hạ tầng số phát triển mạnh mẽ, toàn tỉnh có 100% số xã được phủ sóng 2G, 3G, 4G; mạng cáp quang phủ đến 100% số xã; 99,7% số thôn được phủ sóng 4G.
Số doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử đạt 100%. Trên 98% doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử và trên 98% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử.
Riêng lĩnh vực thủ tục hành chính, 1.322/1.419 thủ tục cấp tỉnh thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Việc cung cấp, tích hợp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia của tỉnh đạt tỷ lệ và thứ hạng cao trong cả nước; hoàn thành chỉ tiêu 100% TTHC đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4.
Vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đã thể hiện qua nhiều lợi ích mà người dân được thụ hưởng, trong đó có việc tiếp cận một cách nhanh nhất, bình đẳng nhất với tất cả các dịch vụ của xã hội, tạo dựng một cuộc sống, môi trường sống hiện đại, văn minh và thông minh.
Chắc chắn rằng, mỗi người dân, dù ít hay nhiều, đều đã có những cảm nhận về những thay đổi mà quá trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số đã tạo ra trong nhiều mặt của đời sống xã hội.
2. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến Chuyển đổi số của tỉnh. Như hạ tầng kỹ thuật còn khó khăn nhất định; nhận thức về Chuyển đổi số của cấp ủy, chính quyền một số nơi còn hạn chế; một số hoạt động triển khai còn chung chung, thiếu cụ thể; nội dung về phát triển nguồn nhân lực phục vụ Chuyển đổi số chưa được chú trọng triển khai.
Nhận thức về Chuyển đổi số của người dân đang ở mức hạn chế. Nhiều người dân, khi được hỏi về Chuyển đổi số vẫn còn tỏ ra ngạc nhiên, và đặt câu hỏi trở lại “Chuyển đổi số là gì”. Hoặc băn khoăn không hiểu, Chuyển đổi số sẽ đem lại ích lợi gì cho họ.
Theo các chuyên gia, việc hiện thực hóa khát vọng Chuyển đổi số phụ thuộc lớn vào khả năng, mức độ sẵn sàng sử dụng công nghệ số và các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số của người dân.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 66,44% dân số trưởng thành và 79,79% hộ gia đình có điện thoại thông minh, 48,33% hộ gia đình có cáp quang băng rộng. Vì vậy, Chuyển đổi số phải bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm.
|
Cần xác định việc nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số cho người dân và phát triển nguồn nhân lực Chuyển đổi số là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục, song song với việc thực hiện các nhiệm vụ về Chuyển đổi số của địa phương.
Theo đó, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về Chuyển đổi số bảo đảm hiệu quả, thiết thực; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn về Chuyển đổi số cho các đối tượng phù hợp. Hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, toàn xã hội tham gia đóng góp dữ liệu và sử dụng các dịch vụ, tiện ích của các nền tảng số quốc gia
Trong điều kiện hiện nay, việc tích cực triển khai các tổ công nghệ số cộng đồng để hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các nền tảng số Việt Nam là một hướng đi hiệu quả để phát triển kỹ năng số, văn hóa số của người dân trên môi trường mạng, thúc đẩy Chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.
Một kết quả rất đáng ghi nhận là đến nay, đã có 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thành lập được tổ công nghệ số cộng đồng (566 tổ với 2.519 thành viên).
Với ưu thế gần dân, sát hộ, các tổ công nghệ số cộng đồng sẽ là yếu tố quan trọng để người dân thực sự là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho Chuyển đổi số, chứ không phải hô khẩu hiệu.
Thành Hưng