NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG AIDS (1/12)
Im lặng không phải… là vàng
Khi người nhiễm HIV/AIDS không còn im lặng, cùng nắm tay đi đầu cuộc chiến chống HIV/AIDS sẽ làm thay đổi cái nhìn của người thân, của xã hội về mình, góp phần làm nên thành công cho cuộc chiến chống HIV/AIDS.
|
1. Tôi quen D qua một anh bạn đồng hương. Nhắc đến anh bạn này, trong tôi vẫn có một niềm kính trọng sâu kín. Không phải vì anh lớn tuổi hơn hay anh chín chắn hơn - dù cả 2 đều đúng - mà chính là vì những việc anh đã làm, đang làm và sẽ làm cho một vài người nhiễm HIV/AIDS mà anh biết. Đã mấy năm nay, anh lặng lẽ kết nối với họ, trò chuyện với họ, chăm sóc họ mà chẳng mảy may suy nghĩ.
Hôm ấy, D ngồi thung dung uống nước, nhìn mọi người nói chuyện rôm rả; khuôn mặt cô hơi tái, nước da xanh xao. Nếu không được anh bạn giới thiệu trước, hẳn rằng tôi sẽ cho rằng đây là một người bạn “bình thường” của anh đến chơi nhà.
Tôi phục lắm cái tư thế D thản nhiên trò chuyện với “những người bình thường” quây quần xung quanh; việc cô kể về cuộc sống của mình ngày trước và bây giờ, không giấu giếm. Càng phục hơn việc anh bạn, à không, phải nói cả gia đình anh, vui vẻ trò chuyện với D, xem D như người thân trong nhà, không tị hiềm, không xa lánh… Bản thân tôi, khi nghe anh nói về căn bệnh của D, đã giật mình và vô tình… nhích ra một chút. Giờ nghĩ lại vẫn thấy xấu hổ.
Chuyện của D có lẽ cũng “quen thuộc” như nhiều người nhiễm HIV khác. Cũng những ngày tháng nông nổi, đua đòi, hút chích… cho đến một ngày phát hiện ra mình nhiễm HIV. Cô độc trong gia đình; chịu đựng những ánh mắt kỳ thị, những lời bàn tán, nói xấu của chính người thân, bạn bè và cộng đồng; không dám học hành; không có người để chia sẻ và tâm sự; cảm thấy có lỗi với bản thân, có lỗi với gia đình vì lối sống buông thả nên đã gây ra gánh nặng cho gia đình và người thân… là những gì mà D đã phải trải qua, phải chịu đựng suốt năm trời. Cô thu mình lại, cô độc và đau khổ. Cho đến một ngày, qua người quen kể chuyện, anh bạn tôi đã tìm đến, chuyện trò, động viên, khích lệ…
Và rồi, người ta đã thấy một D khác hẳn. Một người nhiễm HIV bị xa lánh, bị kỳ thị lại đang từng ngày, từng giờ đi tuyên truyền, vận động gia đình, xã hội xóa bỏ tư tưởng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; cũng như vận động những người đồng cảnh ngộ như mình không nên vì lo sợ bị phân biệt đối xử mà giấu giếm, không dám đi đến cơ sở y tế để điều trị; vận động họ dũng cảm góp tiếng nói cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
|
2. Đó là câu chuyện mà tôi muốn kể khi mà toàn cầu đang có những hành động thiết thực trong Ngày thế giới phòng chống AIDS và “Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014” với chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV”.
Trên thực tế, tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS còn khá phổ biến trong xã hội, thậm chí ngay cả trong một gia đình. Công khai có, ngấm ngầm có; thô bạo có, tế nhị có. Nghĩa là dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Chẳng hạn, tại nhà thì người thân cho người nhiễm HIV ăn, ở riêng; chối bỏ người nhiễm HIV, không cho ở nhà, tìm cách đưa người nhiễm HIV vào các cơ sở tập trung... Tại cộng đồng thì có người cấm hoặc hạn chế người thân tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS; không muốn làm việc, học tập cùng người nhiễm HIV...
Vì sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, nên người nhiễm HIV/AIDS giấu giếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, sống cô độc, tự kỳ thị với chính bản thân mình. Từ đó, họ dễ bi quan, chán nản, hoặc sợ hãi, không dám tiếp cận với chương trình phòng chống HIV/AIDS nên không được tư vấn về kỹ năng phòng lây truyền HIV cho người khác thì có thể vô tình làm lây nhiễm HIV cho người khác. Đây cũng là rào cản khiến người nhiễm bệnh không được hưởng đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV- được pháp luật bảo vệ- bao gồm quyền học tập, lao động và sinh hoạt như những người không nhiễm HIV.
Vâng, người xưa nói “im lặng là vàng”, nhưng với những người nhiễm HIV/AIDS thì không phải như vậy. Với họ, im lặng không phải là vàng, mà là đồng nghĩa với cái chết trong đơn độc. Chỉ khi người nhiễm HIV/AIDS không còn im lặng thì họ mới tìm được nhau và chỉ khi họ cùng nắm tay đi đầu cuộc chiến chống HIV/AIDS mới làm thay đổi được cái nhìn của người thân, của xã hội về mình, góp phần làm nên thành công cho cuộc chiến chống HIV/AIDS.
Mấy năm nay, D. lặng lẽ gặp gỡ, kết nối với những người cùng cảnh ngộ, kết nối với những tấm lòng nhân ái với hy vọng tạo nên tiếng nói mạnh mẽ hơn trong cuộc đấu tranh chống kỳ thị, phân biệt đối xử. Tiếc là “lớp vỏ” tự ti, sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử mà chính những người nhiễm HIV/AIDS dựng lên quanh mình khó có thể phá bỏ nên việc kết nói của D. gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng sự nỗ lực ấy ít nhất cũng có đền đáp khi gia đình D và gia đình trong nhóm bạn của D đã đón nhận và chăm sóc họ. Như vậy, rào cản tâm lý đang được tháo gỡ dần dần…
Mong lắm, cái ngày mà người nhiễm HIV/AIDS không còn bị kỳ thị!
Lê Hải