Huyện Kon Plông: Phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS
Huyện Kon Plông hiện có 108 người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Những năm qua, Kon Plông đã phát huy vai trò của những người có uy tín trong việc làm cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân; giúp đồng bào các DTTS trên địa bàn hiểu và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần xây dựng huyện ngày càng phát triển.
Cầu nối ý Đảng - lòng dân
Đối với đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh nói chung và Kon Plông nói riêng, già làng, những người có uy tín luôn được coi là lãnh tụ tinh thần, hạt nhân đoàn kết của mỗi thôn, làng. Họ là những người gắn bó và hơn ai hết hiểu rõ về cuộc sống, nếp ăn nếp ở của người dân trong thôn, làng; trong mỗi gia đình, dòng tộc. Đồng thời, họ cũng là những người nắm bắt và hiểu được tường tận những khó khăn, vướng mắc cũng như tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Với uy tín trong cộng đồng, bằng tiếng nói của dân tộc mình, họ có thể truyền đạt đến người dân một cách dễ hiểu và tiếp thu nhanh nhất các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, phát luật Nhà nước; đồng thời, họ cũng giúp phản ánh tiếng nói của người dân đến với cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể để có những phương hướng, giải pháp thực hiện hữu hiệu.
Chính vì thế, những năm qua, huyện Kon Plông luôn tích cực phát huy vai trò của đội ngũ này để đưa tiếng nói, chính sách của Đảng đến được với người dân và ngược lại giúp người dân hiểu, tích cực hưởng ứng, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước.
|
Các già làng, người có uy tín luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm; gần gũi với bà con; thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con đoàn kết, không nghe theo kẻ xấu, bảo vệ rừng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, các già làng đã vận động người dân tích cực hưởng ứng, thực hiện các phong trào, cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động như: “Sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Toàn dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng”; “Chung sức xây dựng nông thôn mới”... Đây là những việc làm rất thực tế có hiệu quả của đội ngũ già làng, người có uy tín.
Tiêu biểu như nữ già làng Y Vân (làng Măng Krí, xã Ngọc Tem), từ khi chưa được bầu làm già làng, bà đã là người đi đầu trong mọi công việc của làng, tích cực vận động người dân thay đổi những tập tục lạc hậu và thực hiện theo những kiến thức mới như trồng lúa theo thời vụ, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc; giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.
Đặc biệt, năm 2015, bà đã vận động cả làng gồm 56 hộ làm một cuộc cách mạng đó là rời làng từ nơi ở cũ nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao để về nơi ở mới an toàn hơn. Rồi để xây dựng cuộc sống ở làng mới khang trang hơn, ấm no hơn, bà lại vận động người dân tích cực tham gia góp công sức để làm đường nông thôn mới, đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi...
|
Già làng A Xi (làng Viôlắc, xã Pờ Ê) với thâm niên hơn 30 năm làm già làng, chia sẻ: Việc đầu tiên của già làng chính là phải gương mẫu và tạo được uy tín. Để tiếng nói của mình luôn được bà con đón nhận, trước hết phải nghe tiếng nói của bà con trước, chỉ khi mình thấu hiểu được nỗi niềm của họ thì giải quyết mới suôn sẻ. Mình nói, mình làm, mình lắng nghe dân làng rồi mình cần biết cách chỉ ra cho bà con thấy được những cái lợi, cái hại của từng việc, hướng dẫn họ làm thì họ mới tin và làm theo.
Chăm lo “bóng cả đại ngàn”
Nhận thức rõ vị trí cũng như tầm quan trọng của các già làng, người có uy tín trong quá trình phát triển KT-XH trên địa bàn, thời gian qua, huyện Kon Plông đã dành nhiều sự chăm lo; thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước, chương trình của tỉnh đối với các đối tượng này.
Ông Lê Tấn Hiển – Trưởng phòng Dân tộc huyện Kon Plông cho biết: Hằng năm, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, địa phương, vào dịp lễ, tết truyền thống của mỗi dân tộc trong huyện, tết nguyên đán…, Phòng đã phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện tổ chức thăm hỏi, tặng quà để động viên, khích lệ tinh thần những người có uy tín. Khi có ai trong số họ ốm đau nặng, gặp khó khăn do thiên tai, thì huyện, các xã cũng trích kinh phí để hỗ trợ thêm giúp họ vượt qua khó khăn. Ngoài ra, hằng năm, Phòng còn tổ chức cho những người có uy tín đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở một số địa phương và tham gia các lớp tập huấn, tuyên truyền về pháp luật, kỹ thuật sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó, giúp họ có kiến thức để tuyên truyền đến bà con nhân dân trong các khu dân cư…
|
Một trong những việc làm quan trọng nhất là hàng năm, huyện Kon Plông đều tiến hành rà soát, lập danh sách xét người có uy tín; tổ chức gặp mặt già làng, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS trên địa bàn để ghi nhận, biểu dương những công lao, đóng góp của đội ngũ này đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế -xã hội của huyện; đồng thời qua đó động viên đội ngũ già làng, người có uy tín tiếp tục cùng với Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân chăm lo xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn.
Có thể khẳng định, các già làng, người có uy trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Kon Plông thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động tại địa phương; là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc; là hạt nhân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Thiên Hương