Hiệu quả từ một đề án
Để huy động sức mạnh toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, BĐBP tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết kiến thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới..
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý hơn 280km đường biên, tiếp giáp với Lào và Campuchia. Dọc tuyến biên giới này có 13 xã (thuộc 4 huyện) với 101 thôn, làng và 1 cụm dân cư.
Nhìn chung, ở khu vực này, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ việc buôn bán, sử dụng ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, di canh, di cư tự do, khai thác tài nguyên khoáng sản, lâm sản trái phép...
Để huy động sức mạnh toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, BĐBP tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết kiến thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới. Đặc biệt, những năm qua, BĐBP tỉnh tích cực triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013 - 2016” và đã đạt được một số kết quả thiết thực.
Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh ban hành các văn bản nhằm thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án. Đồng thời, chỉ đạo các đồn Biên phòng tham mưu UBND các huyện biên giới cụ thể hóa kế hoạch của tỉnh, thành lập Ban chỉ đạo, phục vụ cho việc tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện nội dung Đề án ở cơ sở.
Căn cứ vào kế hoạch, các xã biên giới với sự tham mưu, phối hợp của các đồn Biên phòng đã lựa chọn nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng; hình thức tuyên truyền khá đa dạng, phong phú, phù hợp với phong tục, tập quán, trình độ nhận thức của người dân.
Một số địa phương đã phát huy vai trò nòng cốt của Trưởng ban công tác Mặt trận, cùng với những người có uy tín, già làng tổ chức tuyên truyền từng đợt, từng nhóm, lồng ghép trong hội, họp, sinh hoạt các đoàn thể, chào cờ đầu tuần, tổ chức đối thoại trực tiếp, trên loa phát thanh… Qua đó, phát huy được hiệu quả tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân trên địa bàn khu vực biên giới; hạn chế các vụ việc vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết.
Công tác biên soạn tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền được BĐBP tỉnh đặc biệt chú trọng. Tài liệu tuyên truyền được soạn thảo theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với trình độ nhận thức, tư duy và phong tục tập quán của người dân địa phương.
Qua 3 năm triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo Đề án, các đồn Biên phòng đã phối hợp nghiên cứu, biên soạn phát hành 10 đề cương, 36 loại tờ gấp tuyên truyền pháp luật, 1 tiểu phẩm pháp luật với nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu; góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên khu vực biên giới.
Các đồn Biên phòng chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn và thành lập các câu lạc bộ tư vấn pháp luật ở các xã biên giới với 57 thành viên gồm chủ tịch UBND các xã biên giới, cán bộ đồn Biên phòng, cán bộ tư pháp xã. Các câu lạc bộ hoạt động nề nếp, làm việc 2 buổi/tuần, kịp thời tư vấn, giải đáp những vấn đề pháp luật cho nhân dân trên địa bàn.
|
Các đồn Biên phòng và UBND các xã triển khai thực hiện Đề án đã chủ động khai thác có hiệu quả các loại sách, báo, tủ sách pháp luật; đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt đọc sách, báo pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới; duy trì có hiệu quả hoạt động của 36 ngăn sách, tủ sách pháp luật (mỗi ngăn sách, tủ sách luôn duy trì khoảng từ 50 đến 70 loại sách và trên 50 tờ gấp tuyên truyền pháp luật). Các tài liệu được thống kê, theo dõi, quản lý chặt chẽ; sách được sắp xếp, chia theo ngăn, ô, từng lĩnh vực cụ thể nhằm đảm bảo thuận tiện cho việc nghiên cứu tìm hiểu pháp luật của cán bộ chiến sĩ và cán bộ, nhân dân.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án, nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của nhân dân khu vực biên giới có chuyển biến rõ nét. Đây là kết quả thiết thực, từng bước tạo nền tảng vững chắc, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội địa phương, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Kon Tum ngày càng vững mạnh.
Đắc Vinh