Hát mãi khúc quân hành
Ngày 22/12, Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 79 năm ngày thành lập. Và buổi sáng này, việc đầu tiên tôi làm sau khi thức dậy là nhắn tin chúc mừng anh em, bạn bè- những người đã trải qua quân ngũ, hoặc đang gắn bó với nghiệp binh.
1.Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập, theo quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy.
Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam
Từ 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Quân đội nhân dân Việt Nam đã trải qua nhiều dấu mốc lịch sử trong quá trình xây dựng và trưởng thành.
Trong thế kỷ XX, hai cuộc kháng chiến gian khổ của nhân dân Việt Nam chống lại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ được kết thúc trên bàn đàm phán với Hiệp định Geneva năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973
Tuy nhiên, trên thực địa, nó kết thúc nhờ những chiến thắng quân sự mang tính quyết định của Quân đội nhân dân Việt Nam, với chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), Điện Biên Phủ trên không (1972) và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975).
Từ khi học ở trường làng, chúng tôi đã mê mẩn với hình ảnh chú bộ đội với ngôi sao trên mũ. Đôi khi, hình ảnh ấy hòa vào hình dáng bố tôi, chú tôi, các anh tôi, và rất nhiều thanh niên trai tráng trong làng ngày ấy.
Lớn lên một chút, chúng tôi học bài đầu tiên về thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ở khu rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).
Tôi còn nhớ rõ bức tranh minh họa lễ thành lập, với những đường nét đơn giản. Dù vậy, những trái tim non nớt vẫn thấy rung động. Sau này, khi lên cấp hai, học môn Lịch sử, tôi mới được trông thấy bức ảnh chụp buổi lễ.
Sau khi thống nhất đất nước, Quân đội ta tiếp tục bước vào hai cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Và thực hiện các nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền quốc gia trên biển.
Ngày nay, Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn đang khẳng định vai trò với đất nước, với nhân dân và dân tộc trong thời đại mới; từng bước chuyển mình theo hướng chính quy, tinh nhuệ và hiện đại hơn.
|
Ngày nay, Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn hàng ngày giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống mới; thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường, tai nạn đường biển, đường không..., xứng danh Bộ đội Cụ Hồ mà nhân dân và cả dân tộc đã ghi nhận, tôn vinh.
Gia đình lớn của tôi, kỳ diệu thay, bắt đầu từ kháng chiến chống Mỹ đến nay, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia gia nhập đội ngũ điệp trùng và oai hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong kháng chiến chống Mỹ, bố tôi, bác và chú tôi cùng ở chiến trường. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chỉ có bố và chú trở về, còn bác nằm lại ở Quảng Bình năm 1972.
Trong đoàn quân tiến lên biên giới phía Bắc năm 1979 có con trai một người bác khác của tôi. Khi ấy anh mới 18 tuổi, lén viết đơn xin ra trận. Chỉ mấy tháng sau, gia đình nhận giấy báo tử. Anh hy sinh trong một trận đánh khốc liệt ở Lạng Sơn.
Đến giờ tôi vẫn nhớ vóc dáng cao lớn và nước da đen cháy của anh. Ở làng, anh có tiếng khỏe mạnh, giỏi việc, khéo miệng, mấy bà có con gái độ tuổi cập kê ngấm nguýt anh dữ lắm. Nhưng lại cũng nghịch ngợm có tiếng. Bác thường răn: Đủ tuổi, cho mi vô bộ đội, may ra mới hết phá.
Từ đó đến nay, “đội quân nhân” trong gia đình tôi ngày càng đông thêm. Có người đang là sĩ quan cấp cao, nhiều người phục viên, giải ngũ về quê làm kinh tế. Ai cũng luôn cố gắng để xứng danh một quân nhân.
|
2.Đất nước ta, dân tộc ta, nhân dân ta mãi yêu quý và tự hào về Quân đội nhân dân Việt Nam- một đội quân cách mạng “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu".
Trong niềm tự hào chung ấy, nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum càng tự hào khi Đội giải phóng quân- tiền thân của Lực lượng vũ trang tỉnh- được thành lập từ ngày 25/8/1945, chỉ 8 tháng sau khi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời.
Từ ngày 25/8/1945 đến nay, khúc quân hành vẫn luôn vang lên, khi hào hùng, sôi nổi, lúc lặng lẽ, sâu lắng, nhưng mãi thúc giục, cổ vũ, động viên bao thế hệ thanh niên lên đường, thực hiện hoài bão cao cả: Bảo vệ Tổ quốc, tô thắm thêm những trang vàng lịch sử.
Trải qua 78 năm cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc, vì quê hương, làm sao kể hết những ân tình quân dân thắm thiết. Những trang sử truyền thống viết bằng máu xương, bằng công sức của biết bao thế hệ, vẫn đang dày thêm theo từng năm tháng.
Trong những năm kháng chiến vất vả, gian lao mà anh dũng, lớp lớp cha anh, bằng niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng và lòng trung với nước, với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc.
Những thế hệ chiến sĩ thời bình cũng miệt mài theo khúc quân hành, viết tiếp trang sử, dù lặng lẽ nhưng không kém phần hào hùng, luôn đi đầu, là nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống lụt bão, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, xóa đói giảm nghèo.
Ở bất cứ nơi nào, dù là xa xôi, hẻo lánh nhất đều in dấu chân chiến sĩ. Họ cùng ăn, cùng làm, cùng ở với người dân; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Ở tất cả các mặt trận, từ giúp dân xóa đói, giảm nghèo; xóa bỏ hủ tục; làm đường giao thông đến xây dựng thôn, làng “no đủ - vững mạnh - an toàn”, đều in đậm dấu ấn của cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang tỉnh.
May mắn được nhiều lần đồng hành với những người lính trong Lực lượng vũ trang tỉnh, tôi nhận ra rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn luôn xứng đáng với niềm tin yêu trong lòng dân, xứng đáng với tên gọi đầy tự hào: “Bộ đội Cụ Hồ”.
Gắn bó khăng khít, chia sẻ, đồng cảm, ân cần với nhân dân, mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đang viết tiếp khúc quân hành, dù lặng lẽ nhưng hào hùng.
|
3.Sẽ là thiếu sót rất lớn, nếu như trong ngày này không viết về những cựu chiến binh. Không chỉ viết về họ, mà tôi còn muốn gửi vào đó sự tin yêu, quý mến và trân trọng nhất.
Truyền thống trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với chế độ xã hội chủ nghĩa và nhân dân đã được cựu chiến binh tôi luyện, thử thách, khẳng định trong chiến tranh, càng được phát huy mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Ngày qua ngày, họ vẫn đang sống như đã sống, viết tiếp khúc quân hành, dù lặng lẽ nhưng hào hùng. Gương mẫu là phẩm chất tốt đẹp của cựu chiến binh Việt Nam; nói đi đôi với làm là phương châm hành động của mỗi cựu chiến binh.
Hầu như ở bất cứ nơi nào, dù là xa xôi, hẻo lánh nhất, cũng có sự hiện diện của cựu chiến binh. Phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” được triển khai rộng khắp. Việc “Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Các cấp hội, hội viên CCB đã quán triệt, thấm nhuần và thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước. Mỗi cựu chiến binh luôn nỗ lực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Hội viên cựu chiến binh tham gia tích cực và có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Ở tất cả các mặt trận, từ giúp dân xóa đói, giảm nghèo; xóa bỏ hủ tục; làm đường giao thông đến xây dựng thôn, làng “no đủ - vững mạnh - an toàn”, đều có sự đóng góp của cựu chiến binh.
Hội viên cựu chiến binh đã xóa được hàng ngàn căn nhà tạm; huy động hàng trăm ngày công lao động, hiến hàng trăm nghìn mét vuông đất làm đường giao thông nông thôn, xây trường học.
Tinh thần tự lực, tự cường, giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống, phấn đấu giảm nghèo bền vững, làm giàu hợp pháp luôn được phát huy. Bên cạnh đó cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào, các mô hình tự quản, bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ đường biên cột mốc.
Chiều 21/12, tôi tình cờ thấy hình ảnh người lính già tóc bạc vỗ về tấm lưng rộng của người lính bên Hội trường Ngọc Linh.
Người lính già ấy hẳn làm một trong số những cựu chiến binh dự buổi gặp mặt cán bộ Quân đội nghỉ hưu nhân Kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023), 34 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2023) do UBND tỉnh tổ chức.
Đẹp làm sao hình ảnh ấy. Nó làm ngân lên trong tôi hai câu thơ trong bài thơ Tiếng hát sang xuân của nhà thơ Tố Hữu: “Lớp cha trước lớp con sau. Đã thành đồng chí, chung câu quân hành”.
Đẹp làm sao những cái vỗ về ấy. Đó như là lời nhắn nhủ rằng, lớp cha trước đã sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, lớp con sau hãy tiếp tục hát vang khúc quân hành, sống như cha anh đã sống “vì nước vì dân”, xứng đáng với tên gọi đầy tự hào: “Bộ đội Cụ Hồ”.
Hồng Lam