“Gieo chữ” trên núi Ngọc Linh
Những điểm trường nằm vắt vẻo lưng chừng mây, nhìn lên là núi, nhìn xuống cũng là núi, ấy vậy mà tình yêu học trò đã giúp các thầy cô giáo nơi đây vượt lên tất cả. Nếu không có tình yêu thương học sinh, tận tâm với nghề thì những thầy giáo cô giáo, giảng dạy trên các điểm trường nằm trên núi khó có thể vượt qua khó khăn trong sự nghiệp trồng người.
Một ngày giữa tháng 11, chúng tôi có dịp về thăm các thầy cô giáo và các em học sinh ở xã Ngọc Linh. Ở xã đặc biệt khó khăn này có Trường PTDT bán trú THCS và Trường Tiểu học xã Ngọc Linh.
Cách thành phố Kon Tum chừng 180km, xã Ngọc Linh dường như quanh năm mây mù bao phủ, giao thông đi lại ở đây khá khó khăn, vất vả. Tôi cùng một anh bạn đồng nghiệp làm ở Đài Truyền thanh truyền hình huyện cố gắng vượt qua nhiều con dốc ngoằn ngoèo, thẳng đứng để vào trường trước khi mặt trời lặn.
|
Cố gắng là vậy, thế nhưng đường từ ngã ba Đăk Tả đến xã Ngọc Linh mùa này đi không hề dễ dàng chút nào. Đoạn đường dài chừng 40km nhưng chúng tôi đi từ 4h chiều mãi đến hơn 6h tối mà vẫn chưa thể đến nơi.
Khi xe chúng tôi vừa qua thủy điện Đăk Mét đang thi công dang dở thuộc thôn Kon Hriêng, xã Đăk Choong cách xã Ngọc Linh chừng 12km nữa thì bị lầy (đoạn đường này vừa bị sạt lở do cơn mưa chưa kịp khắc phục). Mặc dù hè nhau xuống đẩy nhưng chiếc xe ô tô vẫn không tài nào qua được.
Không còn cách nào khác, chúng tôi quay lại một gia đình công nhân thủy điện để tránh mưa. Nghe điện thoại “cầu cứu” của chúng tôi, các thầy giáo của xã Ngọc Linh đi xe máy ra đón.
Trên đường đi, thầy giáo Nguyễn Quang Duyên - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Ngọc Linh cho biết, đường như thế này là dễ đi lắm rồi, nếu nhà báo mà vào thăm trường cách đây chừng 3 ngày trước thì đường không thể đi được cho dù là xe máy.
Vào đến nơi đã hơn 7h tối, vậy mà khi biết có khách lên thăm, các thầy cô giáo vồn vã ra đón, tay bắt mặt mừng mời chúng tôi vào dùng cơm tối với “đặc sản” rau rừng được hái dưới chân núi Ngọc Linh.
Trong bữa cơm đạm bạc, anh Nguyễn Quang Duyên cho chúng tôi biết về tình hình dạy và học ở nơi đây. Hệ thống trường THCS được đầu tư xây dựng kiên cố, không còn cảnh học sinh phải học trong các phòng tạm. Những năm trước đây, tình trạng học sinh bỏ học diễn ra phổ biến ở tất cả các cấp học, đặc biệt là học sinh bậc trung học cơ sở nhưng nay đã giảm rõ rệt...
Nói thì nghe đơn giản vậy, nhưng ở xã vùng sâu, đặc biệt khó khăn này, để có được kết quả đó là cả một quá trình “đến từng làng, gõ cửa từng nhà” của đội ngũ giáo viên để tìm hiểu nguyên nhân, tuyên truyền, vận động các gia đình cho con em đến lớp.
Lúc đầu, có những học sinh khi thấy thầy, cô giáo đến nhà đã chạy trốn không chịu ra gặp, nhưng với sự kiên trì vận động, thuyết phục của đội ngũ giáo viên nên học sinh đã trở lại lớp học.
Nhiều tập tục kiêng cữ của làng cũng gây trở ngại không ít cho công tác vận động của các thầy cô nơi đây. Việc đến từng làng vận động phải khéo và tránh các ngày kiêng cữ của làng, nếu vào làng đúng vào các dịp kiêng cữ thì sẽ bị làng giữ lại cho đến khi nào hết thời gian kiêng cữ mới cho ra khỏi làng.
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Ngọc Linh - Phan Quốc Lập cho biết: Trường Tiểu học xã Ngọc Linh có 314 học sinh hiện đang theo học ở 23 lớp, trong đó có đến 6 lớp ghép. Trường có 11 điểm trường, nhưng chỉ có 3 điểm trường là có thể đi được bằng xe máy, còn lại 8 điểm trường đều phải đi bộ, leo núi dốc thẳng đứng khó như “đường lên trời”.
|
“Những điểm trường nằm vắt vẻo lưng chừng mây, nhìn lên là núi, nhìn xuống cũng là núi, ấy vậy mà tình yêu học trò đã giúp các thầy cô giáo nơi đây vượt lên tất cả. Nếu không có tình yêu thương học sinh, tận tâm với nghề thì những thầy giáo cô giáo, giảng dạy trên các điểm trường nằm trên núi khó có thể vượt qua khó khăn trong sự nghiệp trồng người. Thực tế, có nhiều giáo viên trẻ mới ra trường khi được phân công về đây đã bỏ nghề vì ngại khó khăn, vất vả” - anh Lập chia sẻ.
Muốn đến được điểm trường gần nhất cũng phải leo núi dốc thẳng đứng mất hơn 1 giờ đồng hồ đi bộ. Trời nắng đi còn đỡ, nếu trời mưa thì leo núi trơn trợt, thầy cô giáo đến trường bị té ngã vài lần là chuyện thường. Các điểm trường hầu hết là tạm bợ. Các thầy, cô giáo dạy ở các điểm trường này họ đều ở lại trường có khi vài tháng trời cũng chưa “xuống núi” lần nào, trừ những lần điều động về họp - anh Lập cho chúng tôi biết thêm về nỗi gian truân của người thầy "cắm làng" ở các điểm trường.
Đời sống của những thầy, cô giáo “cắm làng” ở đây hầu hết đều rất khó khăn, thiếu thốn; quanh năm chỉ biết đến rau rừng và gạo muối thì có khi xuống núi mua, có khi được bà con dân làng góp cho.
|
Vì yêu trẻ, cố gắng mang con chữ đến với các em nên nhiều thầy, cô giáo nơi đây đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để bám lớp, bám trường. Nhưng bù lại là niềm vui khi các thầy cô nhìn những thành quả của hành trình “trồng người” mà họ đã dày công vun trồng đang "đơm bông kết trái"; đó là nhận thức của các em học sinh của người dân Xê Đăng nơi đây về việc học từng bước được thay đổi, "cái chữ" đã đến được với các em nhỏ.
Những gương mặt ngây thơ ngồi nghe thầy cô giảng bài một cách chăm chú, những bông hoa rừng các em hái vội buổi sáng đem đến lớp tặng thầy cô giáo nhân Ngày nhà giáo Việt Nam có lẽ là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất của "những người gieo chữ trên đỉnh Ngọc Linh".
Tạm biệt đỉnh Ngọc Linh trở về thành phố Kon Tum trong khí trời se lạnh đầu đông ở Tây Nguyên mà lòng tôi ấm lạ.
Đắc Vinh