Đồng bào các DTTS tỉnh thực hiện tốt Quyết tâm thư
Qua 5 năm triển khai thực hiện Quyết tâm thư và Chương trình hành động Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ III, giai đoạn 2019-2024 (viết tắt là Quyết tâm thư), tỉnh ta hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu về kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Ông Đinh Quốc Tuấn- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Thực hiện Quyết tâm thư, trong 5 năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát việc triển khai thực hiện công tác dân tộc, các chương trình, chính sách ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ủy ban MTTQ và tổ chức chính trị-xã hội các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên thi đua yêu nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội và đạt được những kết quả nổi bật. Kinh tế tỉnh ta chuyển dịch đúng hướng và có sự tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người tăng hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm hàng năm đạt kế hoạch đề ra, trong vùng đồng bào DTTS và miền núi hình thành các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình.
|
Nổi bật có phong trào “Nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” thu hút được đông đảo các hộ nông dân tham gia. Đến nay, toàn tỉnh có 10.400 hộ đạt danh hiệu “Sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp; các hội viên giúp nhau vượt khó, thoát nghèo với trên 6,1 tỷ đồng và 43.620 ngày công lao động. Tiêu biểu ở huyện Tu Mơ Rông có các tấm gương như hộ bà Y Bắp ở thôn Đăk Viên và bà Y Lan ở thôn Đăk Song (xã Tê Xăng) với mô hình trồng trọt và chăn nuôi; ông A Điện Chung ở thôn Kô Xia II (xã Ngọc Lây) với mô hình trồng trọt, trong đó có trồng cây sâm Ngọc Linh; bà Y Hlạng ở thôn Pu Tá (xã Măng Ri) với mô hình trồng sâm dây.
Tại huyện Ngọc Hồi có các mô hình như: Nuôi gà thịt an toàn, trồng lúa chất lượng cao ST25 tại xã Đăk Xú; nuôi gà thịt an toàn sinh học, trồng ngô lai chất lượng cao tại xã Đăk Ang; nuôi ngan thịt tại thị trấn Plei Kần.
Tại huyện Đăk Glei có các mô hình như: Nuôi bò sinh sản, trồng và phát triển cây sâm dây, phát triển nuôi dê sinh sản, nuôi ong rừng lấy mật tự nhiên tại thị trấn Đăk Glei và xã Đăk Plô, Mường Hoong, Đăk Man.
Tại huyện Sa Thầy có các mô hình: Nuôi heo rừng lai, heo làng tập trung tại xã Hơ Moong, Rờ Kơi; đánh bắt cá, liên kết trồng cây nghệ vàng tại xã Sa Bình; nuôi gà thả vườn tại xã Sa Nghĩa.
Phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới” được nhân dân hưởng ứng và tham gia tích cực. Qua đó, xuất hiện những gương điển hình như hộ ông Nguyễn Duy Lơ- Phó Bí thư Chi bộ 11, kiêm Trưởng thôn Đăk Tang (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) hiến 500m2 đất để xây trường mầm non thôn và 700m2 đất để xây dựng đường nông thôn. Ngoài ra, năm 2019, ông thành lập Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và dịch vụ Thái Thanh giúp 22 thành viên tham gia thoát nghèo, có thu nhập từ 300-500 triệu đồng/năm.
|
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tạo sự chuyển biến trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị; xây dựng môi trường văn hoá, tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc. Các nội dung triển khai được nhân dân hưởng ứng tích cực, góp phần làm lành mạnh hóa môi trường xã hội, văn hóa, giáo dục, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hoá, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Đến nay, toàn tỉnh có 89 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Đặc biệt, qua 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, toàn tỉnh có 15.343 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; 11.061 hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện; 5.458 hộ DTTS nghèo và cận nghèo tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã. Qua đó, xuất hiện một số gương điển hình, như ông A In- già làng, người có uy tín làng O (xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy); ông Đinh Duy Phương- già làng thôn Đăk Pờ Rồ (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông).
Trong các phong trào thi đua yêu nước có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ trưởng thôn, già làng, người có uy tín, người tiêu biểu trong đồng bào DTTS và họ thực sự trở thành tấm gương tiêu biểu trong các lĩnh vực đời sống. Tiêu biểu như ông A Ngốc ở làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy), ông A Bát (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum), bà Y Gar ở làng Kon Slak (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy), ông A Định ở thôn Đăk Pung (xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô), ông Lò Văn Liện ở thôn Ia Đal (xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai), ông Đinh Thái ở thôn Vi Koa (xã Pờ Ê, huyện Kon Plông).
Nhờ đó, vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh ngày càng đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần người dân được cải thiện, lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước các cấp được nâng cao. Những đề xuất, kiến nghị, những mong muốn chính đáng và hợp pháp của người dân đều được các tổ chức trong hệ thống chính trị ghi nhận, quan tâm xem xét và giải quyết theo thẩm quyền.
Để ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công lao và thành tích của tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và trong việc thực hiện Quyết tâm thư, các phong trào thi đua yêu nước vùng đồng bào DTTS tỉnh, tại đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện, Ban Dân tộc tỉnh tặng giấy khen cho 20 tập thể, 40 cá nhân và Chủ tịch UBND các huyện tặng giấy khen cho 86 tập thể, 235 cá nhân.
Tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV năm 2024, Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen cho 1 tập thể, 5 cá nhân và tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” cho 5 cá nhân; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2019-2024.
Trần Văn Phúc