Điểm sáng giáo dục Mầm non Đăk Kroong
Nằm ở địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Glei, nỗ lực tổ chức bán trú cho các cháu mẫu giáo giúp Trường Mầm non xã Đăk Kroong thu hút học sinh, duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ. Nhà trường xứng đáng là một trong số điểm sáng giáo dục vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
5 năm trước, Trường Mầm non xã Đăk Kroong có 10 lớp với 202 cháu- đạt tỷ lệ huy động chưa đến 80% tổng số học sinh. Cơ sở vật chất chủ yếu gồm 6 phòng học bán kiên cố nằm rải rác tại các thôn làng, còn lại là lớp tạm, lớp học nhờ trường tiểu học và nhà rông.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhà trường chủ động đề xuất kế hoạch và vận động tổ chức mô hình bán trú tại chỗ cho học sinh. Theo đó, hè năm 2014, Ban giám hiệu nhà trường và các cô giáo đã đến tận các gia đình có con em học tại trường để giới thiệu, phân tích, vận động tuyên truyền về mô hình bán trú.
Ban đầu, hầu hết cha mẹ các cháu đều lắc đầu, kêu khó kêu khổ, lấy đâu ra cơm gạo, đồ ăn cho con, rồi còn phải mua sắm đồ đạc ở trường ở lớp...
Chưa được đồng thuận, nhà trường chủ động đưa ra “phương án” tạm ứng tiền hỗ trợ ăn trưa theo chế độ của Nhà nước dành cho các cháu để mua đồ dùng, vật dụng sinh hoạt... Phụ huynh nhất trí, song còn e ngại không biết kết quả ra sao.
Đầu năm học 2014-2015, kế hoạch mở lớp bán trú cho 310 học sinh của Mầm non Đăk Kroong chính thức được triển khai. Phụ huynh các cháu mẫu giáo 3-4 tuổi đóng góp 400.000 đồng/ cháu để mua sắm nệm, chăn, gối, khăn... phục vụ ở bán trú. Riêng các cháu mẫu giáo 5 tuổi chỉ nộp 330.000 đồng/ cháu vì đã có giường được trang bị trong phạm vi triển khai đề án phổ cập trẻ 5 tuổi.
Việc mua sắm đồ dùng không chỉ do Ban đại diện Hội phụ huynh nhà trường đảm nhiệm, mà còn được đặt mua “tận gốc”, tiết kiệm chi phí.
Một tuần sau khai giảng, các lớp bán trú đều đi vào hoạt động. Ban đầu, một số gia đình cố gắng đưa cơm với rau, mắm; song nhiều cháu cũng chỉ đạm bạc chút cơm trắng với muối tiêu, muối ớt. Tuy vậy, mỗi bữa ăn vẫn được tổ chức gọn gàng, ngăn nắp. Giờ ngủ trưa dần đi vào nề nếp. Nhiều phụ huynh đến tận nơi xem các cô tổ chức cho các cháu ăn ngủ, rất hài lòng.
Được cha mẹ ngày càng quan tâm hơn, nên sau này, bữa cơm trưa của các cháu ở lớp ngày càng đủ chất và đồng đều.
Năm học 2016-2017 là năm thứ 3, mô hình tổ chức bán trú cho các cháu mẫu giáo được duy trì ở Trường Mầm non Đăk Kroong. Nhà trường có 14 lớp với 386 cháu; trong đó, có 13 lớp mẫu giáo với 361 cháu, 1 lớp nhà trẻ 25 cháu. Chất lượng, hiệu quả bán trú đã được khẳng định.
|
Cô hiệu trưởng Đoàn Thị Thu cho biết: 3 năm gần đây, tỷ lệ huy động trẻ 3- 5 tuổi của nhà trường đều đạt 96- 97%, riêng trẻ 5 tuổi huy động đạt 100%. Các lớp duy trì 100% sĩ số. Tỷ lệ học sinh chuyên cần cũng được nâng lên trên 98%. Kết quả đánh giá trẻ 3- 4 tuổi, các cháu đều đạt khá và tốt. 100% trẻ 5 tuổi của nhà trường đạt loại khá và tốt, vững vàng vào lớp 1. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm rõ rệt. Số cháu 3-5 tuổi thấp còi, nhẹ cân chỉ còn dưới 12%.
Góp phần tổ chức, duy trì nền nếp các lớp bán trú, 4 năm qua, Trường Mầm non xã Đăk Kroong đã được đầu tư các nguồn vốn để xây dựng thêm 7 lớp học và 1 nhà ăn, bếp ăn cho trẻ và khu hiệu bộ, văn phòng.
Hiện tại, trường không chỉ đảm bảo quản lý, sử dụng tốt 14 bộ đồ dùng đồ chơi ngoài trời tối thiểu, mà còn huy động phụ huynh phối hợp với các cô giáo làm bộ đồ chơi bằng bánh xe ô tô trị giá 16.000.000đ.
Đội ngũ hiện đã ổn định gồm 20 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Cán bộ, giáo viên đều đạt chuẩn trình độ, trong đó, 50% đạt trên chuẩn. Nhiều giáo viên đạt giáo viên giỏi làm đồ dùng sáng tạo cấp huyện. 2 giáo viên đạt giải cao trong hội thi giáo viên giỏi làm đồ dùng sáng tạo cấp tỉnh.
Tuy vẫn còn phải nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt hơn công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, song những năm qua, Trường Mầm non Đăk Kroong liên tục giữ vững danh hiệu lá cờ đầu ngành học Mầm non của huyện Đăk Glei và tỉnh Kon Tum. Năm học 2014-2015, nhà trường vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen; năm học 2015-2016, nhận Bằng khen của UBND tỉnh.
Thanh Như