Để đáp ứng yêu cầu chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch Covid-19
Sau khi Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, đối với một tỉnh may mắn chưa có ca nhiễm cộng đồng như Kon Tum, điều đáng quan tâm vẫn là phải tập trung giữ vững thành quả đã tạo lập để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, góp phần cùng cả nước chuyển sang “trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể”.
Mẹ đau ốm liên miên, có lần phải nhập viện gấp để điều trị, song nhiều tháng nay, chưa về Kon Tum được khiến chị Phạm Thanh Thảo ở phường Thống Nhất (thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) đứng ngồi không yên. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, dĩ nhiên, chị vẫn có thể về thăm gia đình nếu đảm bảo nghiêm túc quy định cách ly 14 ngày sau vào tỉnh khi qua Chốt kiểm soát dịch Covid-19 Sao Mai. Tuy vậy, bộn bề công việc khiến chị đành chấp nhận “ở đâu ở yên đấy”, đợi ngày “ thông tuyến”.
Mong muốn của chị Thảo cũng là trông đợi của nhiều người dân trong tỉnh và các tỉnh giáp ranh Kon Tum (Gia Lai, Quảng Ngãi, Quảng Nam). Bởi vậy, ai cũng vui mừng và tin tưởng, hy vọng trước thông tin Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Nghị quyết 128/NQ-CP, ban hành Quy định tạm thời về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Vẫn biết, cùng với “chủ động”, “tích cực”, thì “thích ứng” và “linh hoạt” để hướng tới “kiểm soát” diễn biến phức tạp của dịch bệnh luôn nằm trong định hướng, phương châm, mục tiêu, giải pháp xuyên suốt để phòng, chống Covid-19 của cả nước; song việc xác định rõ các yêu cầu, nội dung này theo phương châm “chuyển hướng chiến lược” phòng chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” thì lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu nỗ lực phòng, chống dịch bệnh trong một giai đoạn mới.
|
Xác định chuyển từ “không Covid” sang chủ động “sống chung” với dịch bệnh là chủ trương của Chính phủ được sự đồng thuận và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, nhằm tiếp tục phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả gắn với khôi phục kinh tế, đưa xã hội về trạng thái bình thường mới. Càng tin tưởng hơn khi công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam trải qua nhiều khó khăn, thách thức đã đạt được những kết quả bước đầu và đặc biệt nước ta đã rút ra được nhiều bài học cần thiết, quý báu để chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh.
Có lẽ, chưa khi nào, mỗi người chúng ta đều trải qua nhiều cảm xúc đan xen, lẫn lộn như trong thời gian phải đối mặt với diễn biến gay gắt, khó lường của đại dịch Covid-19. Vậy nên, càng trân trọng và đồng cảm hơn, khi Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được thực hiện, nhằm điều chỉnh toàn bộ chiến lược, phương thức ứng phó với dịch bệnh trong thời gian tới. Mục tiêu cao nhất vẫn được nhất quán là: Bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng và tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.
Theo đó, việc phân vùng để ứng phó với dịch bệnh được xác định theo 4 cấp độ, tương ứng với các vùng màu xanh (cấp 1) nguy cơ thấp, màu vàng (cấp 2) nguy cơ trung bình, màu cam (cấp 3) nguy cơ cao, màu đỏ (cấp 4) nguy cơ rất cao. Phạm vi đánh giá cấp độ dịch (theo 3 tiêu chí) được tiến hành từ quy mô cấp xã, trong đó khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể là một trong số yêu cầu mà các địa phương, trong đó có tỉnh Kon Tum chúng ta cần lưu ý, quan tâm nhằm đảm bảo áp dụng đạt hiệu quả tính linh hoạt, hiệu quả trong phòng, chống dịch .
Theo yêu cầu chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch, các biện pháp áp dụng ở 4 cấp độ dịch được Chính phủ xác định rõ ràng, cụ thể. Song song quy định đối với cá nhân về tiếp tục tuân thủ 5K, đi lại, điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19…, còn có 9 biện pháp áp dụng đối với hoạt động của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp. Trong đó, không thể không kể đến các biện pháp cụ thể liên quan đến việc tổ chức các hoạt động tùy theo mỗi cấp độ dịch được người dân rất quan tâm, như tổ chức hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời mà vẫn đảm bảo phòng, chống dịch; quy định vận tải hành khách công cộng; lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh; quy định về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ …, hoạt động của nhà hàng/quán ăn, chợ truyền thống; hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp; hoạt động của cơ quan, công sở; hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa - thể dục, thể thao…
Tại địa bàn tỉnh ta, thời gian trở lại trường học, nền nếp giảng dạy - học tập tại các cơ sở giáo dục đã dần ổn định, gắn với đảm bảo nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Nhiều công dân sống, làm việc, học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được hỗ trợ trở về tỉnh an toàn, đảm bảo cách ly theo quy định. Sắp tới, cùng niềm vui đoàn tụ với gia đình, mong sao, các lao động này sẽ được quan tâm tạo việc làm, ổn định thu nhập, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế của địa phương trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh.
Tập trung mọi nỗ lực để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, Kon Tum sẽ góp phần cùng cả nước sớm chuyển sang trạng thái bình thường mới, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Thanh Như