Đề án 06- “Làn gió mới” trong chuyển đổi số
Hai năm thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), thành phố Kon Tum đã tạo nên “làn gió mới” trong công cuộc chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Thanh Mân- Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum khẳng định, để triển khai Đề án 06 trên địa bàn, Thành ủy, UBND thành phố đã có sự chỉ đạo quyết liệt; các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện với quyết tâm cao.
Về hoàn thiện thể chế, UBND thành phố đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu, triển khai việc rà soát, kiến nghị các cấp sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có quy định việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, xác nhận thông tin tại nơi cư trú, công bố công khai các thủ tục hành chính liên quan để công bố cho người dân biết và thực hiện.
|
Kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC ghi nhận bước đột phá mạnh mẽ khi tất cả phòng chuyên môn thuộc UBND thành phố và bộ phận “một cửa” các cấp trên địa bàn đã thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC7 đối với 25 dịch vụ công thiết yếu.
Trong đó, tỷ lệ hồ sơ có số hóa đầy đủ thành phần hồ sơ khi tiếp nhận ở cấp thành phố đạt 85%; tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết TTHC đạt 69,5%. Ở cấp xã, các số liệu này lần lượt là 75,6% và 66,5%.
UBND thành phố đã triển khai rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cung cấp thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công. Đến nay, cấp thành phố đang thực hiện 181/227 TTHC, đạt tỷ lệ 79,7% (122 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 59 dịch vụ công trực tuyến một phần); cấp xã đang thực hiện 93/117 TTHC, đạt tỷ lệ 79,4% (43 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 50 dịch vụ công trực tuyến một phần).
Theo đánh giá của UBND thành phố Kon Tum, là 1 trong 5 nhóm tiện ích theo Đề án 06, nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội là một “điểm sáng”, đã thực sự đem lại sự chuyển biến mạnh mẽ.
Theo đó, việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử theo các lĩnh vực đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính không cần phải mang theo các loại giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Quá trình kiểm tra, xác minh thông tin công dân của cán bộ tiếp nhận hồ sơ được nhanh chóng, chính xác hơn.
Như trong lĩnh vực y tế, hiện nay 100% cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Trung tâm Y tế thành phố đã triển khai ứng dụng căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VneID thay thế thẻ BHYT trong khám bệnh, chữa bệnh.
Hay trong các lĩnh vực tài chính, 2 TTHC đã khai thác dữ liệu dân cư phục vụ định danh và xác thực điện tử, cắt giảm giấy tờ cá nhân như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, xác nhận cư trú.
|
Ông Nguyễn Thanh Mân cho rằng, sau hai năm nỗ lực triển khai Đề án 06, địa phương đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, tạo nên “làn gió mới” trong công cuộc chuyển đổi số.
Đề án 06 đã góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; góp phần hạn chế tiêu cực, “tham nhũng vặt”; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Mân cũng nhìn nhận, quá trình triển khai cho thấy có nhiều hạn chế, tồn tại cần khắc phục, nhiều việc phải làm.
Trong đó nổi lên là cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc ở các bộ phận chức năng chưa đầy đủ, ảnh hướng đến chất lượng giải quyết hồ sơ điện tử, cũng như tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Tỷ lệ hồ sơ phát sinh qua dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên địa bàn vẫn còn thấp.
Ứng dụng VNeID chưa được hoàn thiện, còn gặp các lỗi khi nộp hồ sơ, tích hợp các loại giấy tờ, thể hiện thiếu thông tin trên ứng dụng. Điều này gây khó khăn cho công tác tuyên truyền cũng như cho người dân khi đi lại giữa các cơ quan để tích hợp thông tin nhưng vẫn chưa giải được giải quyết.
Vì vậy, chính quyền thành phố Kon Tum Tum đã và đang nỗ lực triển khai quyết liệt, sáng tạo các giải pháp trọng tâm nhằm khắc phục khó khăn, tồn tại để hoàn thành các mục tiêu Đề án 06 đến năm 2025,
Chúng tôi xác định đây là công việc rất khó khăn, chưa có tiền lệ, nếu không có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt thì khó có thể đạt được kết quả. Nhất là trong điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nguồn lực hạn hẹp, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển- ông Nguyễn Thanh Mân nhìn nhận.
Trong đó, giải pháp được ưu tiên hàng đầu là tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân về sự cần thiết và lợi ích thiết thực của Đề án 06, dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ tiện ích khác.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thu nhận hồ sơ CCCD, hồ sơ định danh điện tử cho công dân; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao tỷ lệ sử dụng tài khoản định danh điện tử trong giao dịch điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Sử dụng thông tin giấy tờ tích hợp trên ứng dụng VNeID, CCCD gắn chíp thay thế các giấy tờ vật lý trong giao dịch theo quy định của pháp luật.
Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương, nguồn nhân lực thực hiện thu thập, số hóa, làm sạch dữ liệu (tư pháp, đất đai, nhà ở, dữ liệu của các tổ chức đoàn, hội) để cập nhật bổ sung làm giàu hệ sinh thái tạo lập dữ liệu dùng chung giữa các ngành.
Hồng Lam