Dạy thêm, học thêm
Đã từng gây “sóng” dư luận cách đây mấy năm rồi lắng xuống, gần đây, tranh luận lại bùng lên, khi tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, chuyện dạy thêm được đề xuất đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Trong khi dư luận xã hội đang “sôi sùng sục”, với hai luồng quan điểm trái ngược nhau, thì cô O. vẫn tất bật và đều đặn 3 buổi “lên lớp” mỗi ngày. Đúng là 3 buổi, gồm 2 buổi dạy ở trường và 1 buổi dạy thêm… ở nhà.
Cô O. là giáo viên tiểu học, chồng là bộ đội, đóng quân xa nhà, một mình cô chăm sóc bố mẹ chồng già yếu và 2 con nhỏ. Thu nhập của hai vợ chồng chỉ đủ để chi tiêu tằn tiện, tích góp chút đỉnh dự phòng khi đau ốm.
Vì vậy, như nhiều đồng nghiệp, cô nhận dạy kèm tại nhà vào buổi tối cho một số học sinh.
“Ban đầu, em không muốn dạy thêm đâu, nhưng một số phụ huynh cứ nằn nì mãi, nể quá nên em nhận mấy cháu, vừa vui lòng phụ huynh, mình cũng có thêm thu nhập, dù không nhiều”- O. nói.
|
Nhưng mấy ngày nay, lớp dạy thêm của cô O. đóng cửa. Tôi tò mò hỏi lý do, cô cho hay phải nghỉ vì mới đây, Sở GD&ĐT cũng như Phòng GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo các trường yêu cầu giáo viên không tổ chức dạy thêm dưới bất kỳ hình thức nào.
Không chỉ vậy, Phòng còn chỉ đạo lập đoàn kiểm tra kiểm tra, theo dõi, nắm bắt tình hình dạy thêm, lập danh sách giáo viên “vi phạm” để có biện pháp xử lý.
Vậy thì cũng “nguy hiểm” nhỉ. May mà cô biết tin cho học sinh nghỉ học chứ để phát hiện ra cũng căng đấy- tôi an ủi.
O. cười như mếu: Em cũng đâu có yêu cầu hay gợi ý phụ huynh cho con đi học thêm đâu. Toàn là phụ huynh đề nghị cả, không nhận lời thì trách móc, giận dỗi, mà nhận lời thì cứ như chơi trò “cút bắt”, nơm nớp lo.
Tôi chợt nhớ cách đây mấy năm, “lệnh” cấm dạy thêm cũng được triển khai khá quyết liệt. Cơ quan quản lý giáo dục phối hợp với nhà trường thực thi hàng loạt biện pháp mạnh, từ quán triệt chủ trương, yêu cầu cam kết, đến thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất đến tận nhà giáo viên.
Dù vậy, những lớp học thêm vẫn tồn tại một cách âm thầm dai dẳng, với nhiều chuyện vừa hài vừa bi.
Học sinh đi cửa sau vào nhà thầy cô sau buổi học chính khóa, cất gọn ghẽ giày dép và im ỉm đi vào lớp học luôn khép kín cửa để tránh ánh mắt của đoàn kiểm tra, của dư luận.
Còn phụ huynh được dặn dò cẩn thận, từ chuyện chở con đến đâu thì cho con xuống đi bộ đến nhà cô; cuối buổi đứng chờ con ở đâu, đón con thế nào để qua mặt cơ quan chức năng.
Một số giáo viên còn nghĩ ra cách thuê giáo viên nghỉ hưu đứng ra mở lớp, tuyển học sinh, còn mình đứng lớp một cách “danh chính ngôn thuận”.
Bởi thế, khi “lệnh” cấm dạy thêm dần bị quên lãng theo thời gian, hoạt động dạy thêm lại quay về “quỹ đạo” cũ. Trong khi đó, cơ quan quản lý và nhà trường cũng chỉ nhắc nhở chung chung, hoặc kiểm tra chiếu lệ.
|
Nhưng gần đây, tranh luận về chuyện dạy thêm lại bùng lên, khi được đề xuất đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
Dưới góc nhìn cá nhân, tôi nghĩ rằng chúng ta không nên phủ nhận hoàn toàn lợi thế của việc học thêm. Hoạt động này góp phần củng cố, nâng cao kiến thức cho học sinh; phụ đạo học sinh có học lực yếu, kém, bồi dưỡng học sinh khá giỏi.
Mặt khác, cha mẹ học sinh muốn kết hợp nhờ thầy cô giáo dạy thêm, quản lý con cái lúc bận việc, nhất là trong dịp nghỉ hè cũng là điều hợp lý.
Càng không nên có cái nhìn thiếu công tâm với những thầy cô giáo có tham gia dạy thêm. Bởi không phải cứ mở lớp dạy thêm là “có vấn đề”, là tiêu cực, là vì đồng tiền mà “ép phụ huynh, học sinh phải đi học thêm”.
Bên cạnh đó, phải nhìn nhận một thực tế là, nhu cầu học thêm còn xuất phát từ chính nhu cầu của phụ huynh và học sinh.
Như cô O. từng kể, nhiều phụ huynh phản đối mạnh lắm, ca thán, phàn nàn dữ lắm, nhưng cũng chính phụ huynh đó đến tận nhà năn nỉ cô giáo nhận kèm thêm cho con mình, vì “ở nhà không kèm nổi”.
Tôi có một người bạn thuộc “trường phái” phản đối mạnh mẽ việc dạy thêm. “Không học thêm và không cần học thêm là tốt nhất. Gánh nặng kinh tế cho gia đình và gây áp lực cho các cháu. Cả ngày trên trường rồi về nhà lại đi học thêm và làm bài thì thời gian đâu cho các cháu làm những việc khác để phát triển toàn diện được”- anh nói.
Nhưng rồi một buổi tối, tôi bắt gặp anh chở con đi học thêm ở nhà cô giáo O. Bất ngờ chưa.
Thấy tôi nhìn anh với ánh mắt ngạc nhiên, anh gãi đầu gãi tai: Ờ thì, nhu cầu chung mà. Tớ nói không rồi, nhưng con bé cứ đòi mãi.
Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng, một bộ phận giáo viên vụ lợi, bằng nhiều cách khác nhau bắt ép học sinh học thêm, làm tăng gánh nặng kinh tế cho một số gia đình, gây lãng phí về thời gian, tiền bạc và ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh.
Tôi cực lực phản đối tình trạng này!
Việc có đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không còn đang được bàn thảo, và chắc chắn sẽ còn phải tranh luận nhiều.
Nhưng vì đây là nhu cầu có thật nên việc cấm tuyệt đối e là không khả thi, có thể đem lại kết quả, nhưng chỉ là “phần ngọn”, có thể khiến việc dạy thêm lại có “biến tướng” tinh vi hơn.
Cho nên, thay vì cấm, cần có biện pháp quản lý phù hợp, từ trung ương đến địa phương và cấp trường học.
Theo đó, nhà trường cần dành thời lượng củng cố, hệ thống hóa kiến thức đã học cho học sinh, tổ chức phụ đạo tại lớp đối với học sinh có học lực yếu kém; thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, phát huy năng lực tự học của học sinh.
Thanh tra, kiểm tra, giám sát và có hình thức xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng vụ lợi trong dạy thêm của một số giáo viên.
Mặt khác, phụ huynh học sinh cần nhận thức rõ tác hại của việc học thêm không đúng mục đích; tránh chạy theo tâm lý đám đông hoặc “bệnh thành tích” để “ép” trẻ học thêm quá sức.
HỒNG LAM