Đăk Tô: Khắc phục khó khăn, ổn định dạy và học
Năm học 2022-2023 đã được một tháng. Dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành Giáo dục Đăk Tô đang nỗ lực khắc phục để từng bước ổn định dạy và học, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm học.
Năm học mới này, toàn ngành Giáo dục huyện Đăk Tô có 30 trường học công lập. Trong đó, bậc mầm non có 10 trường, cấp tiểu học có 11 trường, cấp THCS có 7 trường và 2 trường có 2 cấp học (trường TH-THCS). Toàn huyện có 537 lớp, (bậc mầm non 150 lớp, cấp tiểu học 262 lớp, THCS 125 lớp) với hơn 15.119 em, tăng hơn 400 em so với năm học trước.
Theo Phòng Giáo dục và đào tạo Đăk Tô, cái khó nhất trong năm học này là về đội ngũ giáo viên. Hiện nay, toàn ngành có 979 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; so với định mức thì vẫn còn thiếu 160 giáo viên (cụ thể, ở bậc mầm non thiếu 81 giáo viên, cấp tiểu học thiếu 70 giáo viên và cấp THCS thiếu 9 giáo viên). Việc thiếu giáo viên sẽ gây khó khăn trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), đặc biệt là dạy học 2 buổi/ngày.
|
Không chỉ thiếu về đội ngũ giáo viên mà cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ giảng dạy cũng còn thiếu khá nhiều. Đến nay, ở cấp tiểu học thiếu 7 phòng học và THCS thiếu 8 phòng học. Còn lại, hầu hết các trường trên địa bàn đều thiếu phòng hiệu bộ, phòng chức năng, phòng học bộ môn, thư viện và chưa có đơn vị trường học nào được đầu tư xây dựng phòng học ngoại ngữ. Ngoài ra, trang thiết bị, đồ dùng dạy học còn thiếu nhiều (do thiết bị ở các trường học xuống cấp) và thiết bị dạy học chưa đủ đáp ứng cho việc triển khai dạy học đối với môn Tin học và Tiếng Anh Chương trình GDPT 2018.
Ông Nguyễn Văn Hùng- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Trong khi chờ tuyển dụng giáo viên, trước mắt để khắc phục khó khăn, Phòng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sắp xếp bố trí giáo viên tăng giờ, tăng tiết; đồng thời hợp đồng giáo viên dạy tự chọn môn tiếng Anh cho các lớp 4 và lớp 5 tại các trường vùng thuận lợi. Ưu tiên bố trí giáo viên biên chế dạy môn Tin học và Tiếng Anh lớp 3, điều chuyển giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học lớp 3 dạy liên trường trên cùng địa bàn xã, thị trấn để đảm bảo điều tiết trường thừa, thiếu tiết đối với môn Tiếng Anh, Tin học lớp 3. Ngay trong những ngày đầu năm học, lãnh đạo huyện, phòng Giáo dục huyện đã thành lập các đoàn đi đến các xã, trường trên địa bàn để nắm tình hình cũng như công tác dạy và học, từ đó, nắm bắt những khó khăn mà thầy và trò các trường đang gặp phải để có hướng tháo gỡ và giải quyết.
Cô Lê Thị Kim Liên-Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Qua kiểm tra, tình hình đầu năm học tương đối ổn định, học sinh luôn duy trì sĩ số từ trên 90%. Những trường thiếu phòng học, phòng bộ môn thì các trường đã phối hợp với chính quyền địa phương mượn tạm nhà rông để giảng dạy. Dù khó khăn, vất vả, nhưng qua nắm bắt đội ngũ giáo viên vẫn rất tận tình, chia sẻ khó khăn chung với ngành, tích cực giảng dạy và nêu trách nhiệm để gieo ươm những mầm xanh cho tương lai, tất cả vì sự nghiệp trồng người.
|
Tìm hiểu thực tế tại Trường THCS Đăk Trăm, năm học này nhà trường có 431 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 được chia làm 13 lớp.Trong khi đó, trường chỉ có 7 phòng học nên nhà trường phải chia khối lớp 7, 9 tổ chức học buổi sáng, buổi chiều là lớp 6,8. Còn để học nâng cao, hay phụ đạo cho học sinh yếu, nhà trường phải mượn lớp học của trường tiểu học tại thôn và mượn nhà rông của thôn để luân phiên tổ chức giảng dạy.
Cô Nguyễn Thị Hợp- Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Rõ ràng, thiếu phòng học nên rất khó khăn trong việc bố trí lịch học. Đặc biệt, nhà trường chỉ có một phòng máy nên không thể bố trí cố định một lớp mà phải luân phiên các khối lớp để giảng dạy. Ngoài ra, trường không có phòng hiệu bộ để hàng tuần họp chuyên môn đành phải tận dụng phòng thư viện để họp.
“Chúng tôi mong sao trường sớm được đầu tư đủ phòng học để có thể tổ chức dạy cho tất cả các lớp trong buổi sáng. Còn buổi chiều để tổ chức học phụ đạo và học nâng cao, bồi dưỡng học sinh giỏi…ngay tại trường, không phải đi các thôn vừa khó khăn cho học sinh vừa vất vả cho giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”- cô Nguyễn Thị Hợp cho hay.
Trong khi chờ bổ sung biên chế và tuyển dụng giáo viên cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồ dùng dạy học thì trước mắt, toàn ngành giáo dục Đăk Tô vẫn đang cố gắng khắc phục khó khăn để ổn định công tác dạy và học. Tuy nhiên, để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ và các chỉ tiêu đề ra trong năm học, hơn lúc nào hết, ngành giáo dục huyện Đăk Tô mong tỉnh, huyện sớm giải quyết những thiếu thốn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học để phục vụ tốt nhu cầu dạy và học…
Phúc Nguyên