Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Đài PT-TH Kon Tum 30/11/1991-30/11/2016)
Đài PT-TH tỉnh: Tăng lượng phát sóng các thứ tiếng dân tộc
Kon Tum là một tỉnh miền núi có trên 55% dân số là đồng bào DTTS, chính vì thế, cùng với sự tăng trưởng về kinh tế - xã hội và khoa học - kỹ thuật, Đảng bộ và chính quyền địa phương đã không ngừng nỗ lực trong việc phát triển mạng lưới thông tin đến với bà con vùng đồng bào DTTS.
Trong nhiều năm qua, ngoài phát sóng bằng tiếng phổ thông, Đài PT-TH tỉnh còn quan tâm sản xuất phát sóng 4 thứ tiếng: Xê Đăng, Ba Na, Giẻ - Triêng, Gia Rai để bà con hiểu được chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với quốc kế dân sinh được cặn kẽ hơn, chính xác hơn và dễ hiểu hơn.
Nhà báo Y Phiếu - Trưởng phòng PT-TH các thứ tiếng dân tộc của Đài PT-TH tỉnh cho biết: Phòng có 16 biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên được chia làm 4 tổ tương đương với 4 thứ tiếng. Các biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên được đào tạo về trình độ nghiệp vụ chuyên môn từ trung cấp trở lên, đáp ứng với nhiệm vụ chuyên môn được giao. Hiện có 6 người đang tiếp tục theo học các lớp đại học tại chức tại tỉnh nhằm đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn.
|
Tháng 4 năm nay, Đài PT-TH tỉnh mở chương trình Phát thanh tiếng Gia Rai với thời lượng 15 phút/chương trình/ngày và đến tháng 7 mở chương trình Truyền hình tiếng Gia Rai với thời lượng 30 phút/tuần.
Trong tháng 10/2016, để góp phần đáp ứng chương trình truyền hình của bốn thứ tiếng dân tộc nói trên được phong phú và đổi mới, Ban Giám đốc và Ban Biên tập Đài PT-TH tỉnh đã thống nhất mở thêm Chuyên mục “Chính sách dân tộc” một tháng 1 số với thời lượng 15 phút/chuyên mục/1 tổ tiếng dân tộc.
Các chương trình các thứ tiếng dân tộc đã phản ánh kịp thời tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, y tế, giáo dục, xã hội, an ninh quốc phòng; đặc biệt là các chế độ chính sách đối với đồng bào DTTS, gương người tốt việc tốt. Bên cạnh đó, việc thực hiện biên tập phụ đề của bốn thứ tiếng phát trên sóng truyền hình địa phương cũng như chương trình VTV5 đã được đảm bảo.
Đối với chương trình phát thanh các thứ tiếng dân tộc thiểu số hàng ngày, Đài đã sản xuất đều đặn, trong đó mỗi tổ sản xuất 2 chương trình mới phát buổi sáng và buổi chiều/ngày, 1 chương trình phát lại vào buổi trưa/ngày. Tổng 4 thứ tiếng sản xuất 8 chương trình mới/ngày với thời lượng phát sóng là 120 phút/ngày và trong năm đã sản xuất được 7.118 chương trình với thời lượng phát sóng là 548 giờ. Trong đó, 4 chương trình phát lại/ngày với thời lượng 15 phút/chương trình, Đài đã sản xuất được 1 giờ/ngày và tổng chương trình phát lại được 1.460 chương trình/năm với thời lượng 274 giờ/năm.
Như vậy, trong năm 2016, Đài đã sản xuất cả mới và phát lại là 7.264 chương trình các thứ tiếng dân tộc thiểu số với tổng số 822 giờ. Hàng tháng, 4 tổ vẫn luôn duy trì tốt với số lượng chương trình nêu trên, đảm bảo về nội dung và chất lượng phát sóng.
Sản xuất truyền hình địa phương của 4 thứ tiếng luôn duy trì thực hiện mỗi tổ 1 chương trình trong một tuần với thời lượng 30 phút. Tổ Gia Rai sản xuất vào thứ 2 hàng tuần và phát sóng vào chiều thứ 5 hàng tuần. Tổ Giẻ - Triêng sản xuất vào thứ 3 hàng tuần để phát sóng vào chiều thứ 6 hằng tuần. Tổ Ba Na sản xuất vào thứ 4 hàng tuần để phát sóng vào thứ 7 hằng tuần. Tổ Xê Đăng sản xuất vào thứ 5 hàng tuần để phát sóng vào chủ nhật hằng tuần.
Mỗi tuần, mỗi thứ tiếng sản xuất truyền hình 1 số, trong tháng bình quân 4 số/4 thứ tiếng và đã sản xuất được 192 chương/năm với tổng thời lượng 5.760 phút/năm. Nội dung chương trình luôn đảm bảo về nội dung và hình ảnh.
Nhà báo Y Phiếu cho biết thêm, các phóng sự gửi phát trên kênh VTV5 của Đài Truyền hình Việt Nam luôn được các biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên các thứ tiếng dân tộc cân nhắc đề tài, đảm bảo về nội dung và hình ảnh tốt, nên nhiều năm qua luôn được Ban Truyền hình tiếng dân tộc của Đài Truyền hình Việt Nam đánh giá cao. Đặc biệt, từ tháng 9/2016 đến nay, Đài sản xuất tạp chí gửi VTV5 có số lượng bài phóng sự tăng nhiều hơn so với đầu năm, có lúc mỗi thứ tiếng sản xuất từ 1-3 số/tháng, tăng từ 1-2 số/ tháng.
Trong công tác tuyên truyền trên 2 làn sóng phát thanh và truyền hình của 4 thứ tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh luôn được bảo đảm đúng định hướng. Nội dung và hình ảnh luôn đảm bảo với tính trung thực, chuẩn xác, đúng thông tin người thật, việc thật. Công tác dịch, đọc chương trình phát thanh và truyền hình, các biên dịch viên đã nêu cao tinh thần trung thực và trách nhiệm đối với việc thực hiện dịch tin bài đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu, không bị sai sót.
So với các năm trước, năm 2016 này, các thứ tiếng dân tộc đều được lãnh đạo Đài PT-TH tỉnh tăng thời lượng phát sóng đến tận các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS của tỉnh, đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin và hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Vĩnh Hà