Cùng tắm dòng nước Mê Kông
“Cùng tắm dòng nước Mê Kông, cùng chung cánh đồng bát ngát, Việt Nam - Campuchia sát vai nhau gìn giữ Biển Đông. Đoàn kết nào tay trong tay, cùng chung mối thù đế quốc, Việt Nam - Campuchia sát vai nhau gìn giữ hòa bình. Việt Nam-Campuchia tay cầm tay Samaki”. Đó là lời một bài ca nói về tình hữu nghị thắm thiết, lâu bền, gắn bó keo sơn giữa hai đất nước, hai dân tộc: Việt Nam và Campuchia.
Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, nhân dân ba nước Đông Dương lại tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ đầy gian khổ. Với sự giúp đỡ của Việt Nam, lực lượng kháng chiến Campuchia từng bước được xây dựng và trưởng thành, tích cực phối hợp với quân giải phóng miền Nam Việt Nam và quân đội Pathét (Lào) thực hiện liên minh đặc biệt chiến đấu đánh bại các kế hoạch chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai ở Đông Dương, làm nên chiến thắng lịch sử của nhân dân Việt Nam và Campuchia vào mùa Xuân năm 1975.
Khi cả hai đất nước hoàn toàn được giải phóng, Campuchia lại rơi vào thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử bởi nguy cơ diệt chủng của tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xary - Khiêu Xamphon. Sự tàn bạo của bọn chúng đối với nhân dân Campuchia cũng như những tội ác mà bọn chúng gây ra cho nhân dân Việt Nam trên tuyến biên giới đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của nhân dân hai nước chống lại chế độ diệt chủng man rợ.
|
Thực hiện quyền tự vệ trước những hành động xâm lược với chính sách “giết sạch, cướp sạch, phá sạch” vô cùng dã man, tàn bạo của bè lũ Pôn Pốt đối với nhân dân Việt Nam và đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam đã cùng với những chiến sĩ cách mạng và nhân dân Campuchia tiến hành cuộc cách mạng ngày 7/1/1979, lật đổ chế độ diệt chủng. Sự giúp đỡ của Việt Nam đối với cách mạng Campuchia trong cuộc chiến này được đánh đổi bằng xương máu của biết bao chiến sĩ quân tình nguyện và là biểu tượng của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, chí nghĩa, chí tình giữa hai dân tộc láng giềng anh em.
Kể từ khi chính thể Vương quốc Campuchia được thành lập (năm 1993), quan hệ Việt Nam - Campuchia bước vào giai đoạn mới. Hai bên tiếp tục giữ mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Nhà nước Campuchia đặc biệt coi trọng quan hệ với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, coi đó là sự tất yếu nhằm giữ vững ổn định và phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu bảo đảm hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, hợp tác hai bên cùng có lợi, củng cố quốc phòng - an ninh vì lợi ích của hai nước.
|
Tỉnh Kon Tum và tỉnh Rattanakiri (Campuchia) có chung đường biên giới dài gần 138,7km. Để gắn chặt hơn tình đoàn kết hữu nghị giữa hai tỉnh, vào tháng 5/2016, hai tỉnh ký kết biên bản hợp tác, chính thức thiết lập quan hệ hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành của hai bên đã tích cực phối hợp triển khai các nội dung hợp tác và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia nói chung, giữa tỉnh Kon Tum - Rattanakiri nói riêng.
Từ năm 2016 cho đến nay, tỉnh Kon Tum đã cử 49 đoàn với 359 lượt cán bộ cấp cao, công chức của các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh, các huyện giáp biên sang thăm, làm việc tại tỉnh Rattanakiri và hàng chục đoàn cán bộ cấp cao, các cơ quan, địa phương của tỉnh bạn sang thăm và làm việc tại tỉnh ta. Các lĩnh vực hai tỉnh có mối quan hệ hợp tác như: Y tế, giáo dục, quy tập và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất Campuchia về nước, góp phần xây dựng và tăng cường mối quan hệ hữu nghị gắn bó, tin cậy và cùng nhau phát triển.
Đặc biệt hơn, mới đây vào tháng 10/2023, Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Kon Tum và Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Rattanakiri đã ký kết tăng cường quan hệ hợp tác. Theo đó, hai tỉnh thống nhất ký kết Biên bản tăng cường hợp tác nhiều nội dung quan trọng trên nhiều lĩnh vực về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của hai tỉnh trong giai đoạn 2023 - 2028. Trong đó, hai tỉnh quyết tâm tăng cường đẩy mạnh quan hệ hợp tác phát triển trên các lĩnh vực liên quan, dựa trên tinh thần hữu nghị, truyền thống, tôn trọng và tin cậy; tiếp tục thực hiện hoạt động xã giao, thăm hỏi, trao đổi đoàn các cấp dưới hình thức gặp gỡ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau nhằm tăng cường, tạo điều kiện cho các sở, ban, ngành, đơn vị chuyên trách và các huyện giáp biên giữa hai tỉnh thiết lập quan hệ, tuyên truyền, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực liên quan.
Thống nhất hỗ trợ phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại giữa hai tỉnh đồng thời là đối tác hợp tác với nhau, đẩy mạnh đầu tư, khuyến khích ưu đãi việc kinh doanh, hỗ trợ, xúc tiến tổ chức triển lãm, hội chợ thương mại nhằm quảng bá sản phẩm và trao đổi thông tin lẫn nhau; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích doanh nghiệp hai tỉnh nghiên cứu, tìm hiểu các cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực thương mại, du lịch phù hợp với tiềm năng và khả năng của mình trên cơ sở hợp tác hai tỉnh cùng có lợi. Thống nhất thiết lập quan hệ hợp tác, thúc đẩy trao đổi mặt hàng nông sản và phát triển du lịch trên cơ sở các quy định luật pháp của mỗi nước.
Thống nhất thúc đẩy kết nối ngành du lịch Kon Tum với các tỉnh của Campuchia dựa trên cơ sở Kế hoạch phát triển du lịch trong Vùng Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, giai đoạn năm 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục tăng cường hợp tác tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, ban ngành và lực lượng chức năng của hai tỉnh trong việc bảo vệ, gìn giữ môi trường biên giới, chú trọng bảo vệ Vườn quốc gia Chư Mom Ray của tỉnh Kon Tum (Việt Nam) và Vườn Quốc gia Virachey, tỉnh Rattanakiri (Campuchia) là cốt lõi trong việc triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, thống nhất tiếp tục củng cố, tăng cường mở rộng các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và phát triển văn hóa truyền thống như biểu diễn nghệ thuật, thể thao mỗi năm một lần bằng hình thức thay phiên nhau đăng cai; tăng cường hợp tác, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thông qua việc thúc đẩy Sở Giáo dục và Đào tạo hai tỉnh để phổ biến, trao đổi, thu hút du học sinh tham gia các khóa đào tạo chuyên môn nghiệp vụ dựa trên nhu cầu sử dụng chuyên môn của mỗi tỉnh.
Tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống, sự hợp tác toàn diện tốt đẹp giữa hai tỉnh không ngừng được củng cố, phát triển trở thành biểu tượng thiêng liêng, tài sản chung vô giá. Cùng nhau tiếp tục kế thừa và vun đắp tình đoàn kết, mối quan hệ truyền thống, hữu nghị, gắn bó và sự hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Dương Đức Nhuận