Cờ đỏ sao vàng sáng tương lai
Những ngày này, đâu đâu cũng rực rỡ màu cờ Tổ quốc với ngôi sao vàng lấp lánh. Lá cờ nền đỏ sao vàng rực rỡ, tươi thắm là một biểu trưng đặc biệt, thiêng liêng, cao quý và đầy tự hào của hồn nước, lòng dân.
Nơi tôi ở, cờ Tổ quốc được các gia đình treo trước nhà từ trước Ngày Chiến thắng 30/4, và đến hôm nay vẫn kiêu hãnh tung bay trong gió.
Mỗi lần được tự tay lấy lá cờ mới tinh ra khỏi túi, vuốt phẳng nếp gấp, cẩn thận luồn vào cán, rồi treo lên trước nhà là một lần tôi sống trong lòng tự hào vô bờ bến về Tổ quốc.
Và tôi như thấy mình của nhiều năm về trước, khi còn là cậu học sinh lớp 5, vinh dự được đại diện học sinh toàn trường lên kéo cờ trong lễ khai giảng năm học mới.
Dưới hồi trống giục, tôi run run kéo dây giữa ánh nhìn ghen tị của bạn bè. Lá cờ đỏ sao vàng từ từ bay lên đón gió đầy kiêu hãnh. Rồi sau đó, khăn quàng đỏ trên vai, mắt nhìn cờ Tổ quốc, chúng tôi hát vang Quốc ca.
Trong các buổi tập, thầy giáo dạy thể dục kể cho chúng tôi nghe rằng, lá cờ đỏ có một ngôi sao vàng 5 cánh nằm ngay chính giữa lần đầu tiên tung bay trong khởi nghĩa Nam Kỳ.
|
Người vẽ nên lá cờ đó là chiến sĩ cộng sản Nguyễn Hữu Tiến. Sau khi khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, Nguyễn Hữu Tiến bị thực dân Pháp xử bắn vào ngày 28/8/1941.
Trước khi ra pháp trường, ông đã để lại lời nhắn tha thiết về lòng yêu nước, căm thù giặc cũng như tinh thần bất khuất, cùng niềm tin vào tương lai: “Anh em đi trọn con đường nhé/Cờ đỏ sao vàng sáng tương lai”.
Cũng từ khi ngồi trên ghế trường làng, tôi đã thuộc lòng ý nghĩa của lá cờ đỏ sao vàng. Đây là linh hồn của một dân tộc, là hồn nước, là hồn dân; là biểu tượng thiêng liêng khẳng định chủ quyền Tổ quốc.
Nền đỏ tươi tượng trưng cho màu máu đỏ - màu nhiệt huyết cách mạng, màu sinh lực và chiến đấu, chiến thắng; sắc vàng tươi của ngôi sao tượng trưng cho màu da vàng, cho sự rạng rỡ của linh hồn dân tộc Việt Nam.
Ngôi sao vàng 5 cánh đại diện cho các giai cấp, tầng lớp trí thức, nông dân, công nhân, thương gia, binh lính. Tất cả đã cùng hợp nhất đoàn kết trong đại gia đình Việt, tạo nên sức mạnh trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, bảo vệ và phát triển đất nước.
Chuyện kể rằng khi ở Pháp năm 1946, Bác Hồ kính yêu đã nói với ông bà Ô Brắc rằng: Màu đỏ trên lá cờ của chúng tôi là màu hoa đào của miền Bắc, màu vàng là màu hoa mai ở miền Nam. Ông bà thấy đấy, Nam Bộ là đất của Việt Nam. Bắc Nam là một, không ai, không có sức mạnh nào chia cắt được!
Tháng 9/1941, văn kiện Chương trình Việt Minh nêu rõ: “Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc”.
Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) đã thống nhất quyết định Quốc kỳ Việt Nam là nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Ngày 5/9/1945, Bác ký Sắc lệnh số 5-SL ấn định Quốc kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng.
Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam thông qua năm 1946 cũng quy định rõ: “Quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”.
Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp 2013 đều chính thức hóa, cụ thể hóa mô hình Quốc kỳ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có “nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”.
Suốt mấy ngày nghỉ lễ, tôi thường lặng lẽ dạo phố, ngất ngây đi dưới bóng cờ đỏ, dưới muôn ánh sao vàng. Nhìn mỗi người đều thấy yêu thương hơn, đều muốn bắt tay, muốn ôm hôn; đều thấy “những môi cười là bó hoa đời tươi thắm tuyệt vời, đẹp niềm tin mãi mãi”.
Rừng cờ sao lấp lánh hôm nay là biểu hiện của lòng tự hào dân tộc, là nơi gửi gắm tình yêu Tổ quốc, là lời khẳng định niềm tin son sắt của Dân với Đảng. Rừng cờ sao ấy cũng mang theo niềm tin của mỗi người dân rằng “non sông ngàn thuở vững âu vàng”.
Đi trong muôn ánh sao vàng, chợt trào dâng niềm tự hào với ý nghĩ, dù ở bất cứ đâu, từ cột cờ thiêng liêng nơi Quảng trường Ba Đình giữa thủ đô Hà Nội, tới hút hắt biên cương, ta đều được ngắm nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh.
|
Tôi nhớ, những lần xuống biển, tận mắt thấy những đoàn tàu đánh cá ra khơi, trên mỗi tàu đều phấp phới cờ đỏ sao vàng. Cờ Tổ quốc giúp ngư dân có thêm sức mạnh và niềm tin để kiên cường bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền của đất nước.
Trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma, người lính Trường Sa cuốn lá cờ trước ngực, lấy thân mình làm trụ cờ trước khi trúng đạn. Rồi sau đó, lá cờ thấm đẫm máu người lính Việt ôm lấy hình hài anh gục xuống rạn san hô giữa đại dương.
Bao nhiêu câu chuyện về sự hy sinh lẫm liệt, về máu xương ngã xuống bên sắc cờ Tổ quốc còn lưu truyền mãi. Trong đó có lá cờ đỏ phủ trên tro cốt của bác cả tôi.
Bác tôi hy sinh năm 1972 tại chiến trường Bình Trị Thiên. Năm 2003, gia đình tìm được mộ bác và đưa về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Trong mộ bác, lá cờ Tổ quốc lặng ôm lấy bác vào lòng dịu dàng như người mẹ. Chất vải đã mục, duy chỉ có ngôi sang vàng năm cánh vẫn in trên lồng ngực.
Đi giữa rừng cờ nơi phố thị, tôi nhớ tới lễ chào cờ cùng các chiến sĩ biên phòng nơi biên giới Ia H’Drai. Lá cờ vươn lên trên nền trời xanh thắm. Chúng tôi, già có trẻ có rưng rưng ngắm lá cờ kia đang uốn lượn mà tự hào, mà thầm hứa sẽ phấn đấu hết mình, sẵn sàng hy sinh vì màu cờ Tổ quốc.
Tôi nhớ tới một ngôi làng xa xôi ở biên giới, ba bề bốn bên là rừng, là núi. Mỗi buổi sáng thứ hai, khi mặt trời vừa tỉnh giấc, già làng lại trang trọng đem lá cờ Tổ quốc được ông cẩn thận cất giữ treo trước nhà rông.
Nơi nơi, cờ Tổ quốc ngời đỏ giữa đất trời. Trong dáng bay mềm mại mà hiên ngang ấy luôn lấp lánh niềm tin về một tương lai tươi sáng!
Hồng Lam