Chuyển đổi số tạo động lực phát triển vùng khó
Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng của sự phát triển trong giai đoạn hiện nay. Và tất nhiên không nằm ngoài xu hướng tất yếu đó, việc đẩy mạnh chuyển đổi số dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nếu biết tận dụng sẽ tạo động lực thúc đẩy vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn phát triển.
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 18/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 1250/KH-UBND ngày 29/4/2022 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực phấn đấu thực hiện đảm bảo mục tiêu lớn nhất là đưa Kon Tum thuộc nhóm 35 địa phương trong cả nước thực hiện tốt nhất về chỉ số đánh giá chuyển đổi số vào năm 2025.
Với đặc thù của một tỉnh miền núi, hơn 53% dân số là đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí thấp, địa hình chia cắt, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, để đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của người dân trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, biên giới, vùng đồng bào DTTS.
|
Thực tế là khi mà đời sống còn quá khó khăn thì hòa nhập chuyển đổi số và những khái niệm như chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, chính quyền số với không ít người dân vùng sâu, vùng xa vẫn còn là chuyện xa xôi đâu đó. Đơn cử ngay từ việc sắm một chiếc máy vi tính, chiếc điện thoại thông minh hay cho dù đã sắm được máy vi tính, điện thoại thông minh nhưng để duy trì 3G, 4G hay wifi để truy cập internet và các ứng dụng tiện ích khác cũng là câu chuyện khó khăn khi thu nhập người dân vẫn ở mức thấp.
Đời sống người dân còn ở mức thấp, mạng internet còn thiếu nên khi các cấp, các ngành triển khai các nội dung liên quan đến chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hết sức khó khăn. Ngay như trong đợt dịch Covid -19, khi ngành Giáo dục thực hiện giãn cách, chuyển sang học trực tuyến thì các trường học ở vùng sâu, vùng xa không thể triển khai vì gia đình các học sinh không có máy vi tính, điện thoại thông minh, không có internet, buộc giáo viên phải đến từng nhà học sinh phát bài tập, dạy theo nhóm nhỏ ở từng thôn, làng. Rồi khi các trường học ở vùng thuận lợi đã triển khai sổ liên lạc điện tử để trao đổi thông tin giữa giáo viên - phụ huynh, thì giáo viên ở vùng sâu, vùng xa vẫn áp dụng phương pháp truyền thống qua các kỳ họp phụ huynh, hoặc “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động, trao đổi thông tin.
Hay hiện nay việc triển khai cấp định danh điện tử ở vùng sâu, vùng xa cũng gặp những khó khăn nhất định. Khi hiểu biết người dân còn hạn chế, số người không sử dụng điện thoại hoặc điện thoại không đủ cấu hình chiếm tỷ lệ cao dẫn đến việc tiếp cận, sử dụng thiết bị di động để cài đặt đăng nhập, sử dụng tài khoản định danh điện tử để giao dịch trên không gian mạng khó khăn.
|
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, thì song hành với giao thông đi trước, mở đường cho sự phát triển, chuyển đổi số góp phần rất lớn trong việc kéo gần khoảng cách giữa các vùng miền, giảm chi phí, giảm thời gian và thúc đẩy sự phát triển cho các xã vùng sâu, vùng xa. Bởi vậy, không vì những khó khăn mà chùn bước. Để người dân từng bước hòa nhịp với chuyển đổi số, các xã vùng sâu, vùng xa đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng đến từng nhà hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số. Các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền và trực tiếp hướng dẫn các vấn đề liên quan đến công nghệ số cho người dân hiểu, dễ nắm bắt, thực hành. Cùng với đó, nhiều chương trình tặng máy vi tính, phủ sóng wifi cũng được các cấp, các ngành triển khai như: Chương trình sóng và máy tính cho em của ngành Giáo dục, huyện Tu Mơ Rông lắp đặt hệ thống wifi miễn phí ở 86 nhà rông trên địa bàn nhằm tạo điều kiện cho người dân vùng khó có điều kiện để ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong cuộc sống, sinh hoạt.
Trên thực tế không ít người dân vùng khó sau khi hòa nhập chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin đã nhận thấy rõ những thay đổi, thuận lợi so với trước kia. Người dân dần ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động tín dụng, thủ tục hành chính. Đặc biệt, các hợp tác xã, tổ hợp tác và một số người dân vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ số trong quy trình quản lý, quy trình sản xuất nông nghiệp, giao dịch trên sàn thương mại điện tử, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy nêu rõ quan điểm: “Trong quá trình chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm”. Nói cách khác, quá trình chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Bởi vậy, cùng với chú trọng huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng, thì việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tạo nền móng, thay đổi nhận thức cho người dân là yếu tố hết sức quan trọng để triển khai chuyển đổi số ở các xã vùng sâu, vùng xa.
Nguyên Phúc