Chuyện biên cương
Ở dặm dài biên cương, luôn có những câu chuyện rất đời thường, nhưng lại thấm đượm nghĩa tình quân dân được viết nên bởi người lính mang quân hàm xanh.
|
Và tôi thường nghĩ rằng, phải chăng chính những câu chuyện ấy đã làm nên sự hấp dẫn, mời gọi đến lạ kì nơi biên viễn gian khó mà tự hào.
Dù đã hơn 3 năm trôi qua, nhưng hình ảnh cậu bé A Ứng quấn quýt bên Trung úy Rơ Chăm Khôi (Đồn Biên phòng Mô Rai, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) vẫn còn đọng mãi trong tâm trí tôi.
Đó là một buổi chiều cuối năm, nắng đỏ đất trời biên cương. Khi chiếc xe bán tải lấm bụi vượt qua vọng gác, chạy vào sân Đồn Biên phòng Mô Rai, tôi chợt nhìn thấy dưới gốc cây, một sĩ quan trẻ đang chăm chú cắt tóc cho cậu bé khoảng 10 tuổi.
Thấy tôi chăm chú nhìn, Thượng tá Bùi Bảo Hưng- khi ấy là Chính trị viên Đồn Biên phòng Mô Rai- giới thiệu: Đó là A Ứng, năm nay 10 tuổi. Bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng khác, nên em ở với bà nội, nhưng bà cũng đã già yếu, cuộc sống rất khó khăn, nên đơn vị đã nhận em là con nuôi của đồn.
Từ tháng 10/2019, sau khi nhận A Ứng làm con nuôi, đơn vị đã giao nhiệm vụ cho Trung úy Rơ Chăm Khôi chăm sóc, giúp em trong xây dựng nề nếp sinh hoạt cá nhân và học tập hàng ngày. Rất nhanh chóng, anh và cậu bé trở nên thân thiết, gắn bó.
Khi tôi đến gần, Rơ Chăm Khôi dừng tay kéo, cười tươi thay lời chào. Tôi ra hiệu cứ tiếp tục, anh lấy khăn phủi nhẹ trên đôi vai gầy của A Ứng, nói: Cũng xong rồi đây anh. Gớm, tóc của cu cậu dài nhanh thôi rồi, tháng nào cũng phải cắt đấy anh ạ.
Thượng tá Bùi Bảo Hưng nắn nắn vai A Ứng "Ái chà, nay có da có thịt rồi. Bố Khôi chăm khéo nhỉ". Mọi người cười vui. Cậu bé cười ngượng nghịu, một tay nắm chặt áo Khôi.
Trong trí nhớ của tôi, A Ứng là cậu bé hiền lành, có phần nhút nhát, hay cười bẽn lẽn mỗi khi có ai hỏi chuyện. Chỉ có đôi mắt là đặc biệt, một đôi mắt sáng và sâu đến kỳ lạ.
Nhưng vì có "bố Khôi" ngồi bên cạnh nên A ứng dần mạnh dạn, rồi vui vẻ kể về những ngày được các chú bộ đội biên phòng chăm sóc, lo lắng chuyện ăn uống, học hành. "Cháu ước mơ sau này lớn lên sẽ làm bộ đội biên phòng, như chú Khôi. Vì vậy, cháu sẽ luôn cố gắng học thật giỏi "- cậu nói, rất nghiêm túc.
Nhìn đôi mắt sáng và sâu của A Ứng, không hiểu sao tôi lại rất tin tưởng cậu bé sẽ làm được. Có nhiều khi, điều ước là thứ viển vông, như một phép “thắng lợi tinh thần”, nhưng rõ ràng với A Ứng không phải như vậy, mà là mục tiêu để cậu bé nỗ lực.
Tối qua, 8/10- kỷ niệm 59 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum (8/10/1963-8/10/2022)- khi ngồi viết những dòng này, tôi băn khoăn tự hỏi không biết sĩ quan trẻ Rơ Chăm Khôi có còn công tác ở Đồn Mô Rai nữa không, hay là chuyển đi đơn vị mới. A Ứng nữa, nay chắc đã cao lớn rồi, hẳn cũng bớt nhút nhát.
Nhưng tôi tin rằng, dù ở đơn vị nào, thì Rơ Chăm Khôi cũng sẽ luôn dành tình yêu thương cho các em nhỏ người DTTS có hoàn cảnh khó khăn. Và biết đâu, bây giờ lại có thêm những con nuôi khác. Còn A Ứng thì chắc chắn vẫn đang cố gắng từng ngày để thực hiện ước mơ của mình.
Câu chuyện của A Ứng chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về người lính mang quân hàm xanh trên dặm dài biên cương mà tôi được chứng kiến hoặc được nghe kể.
Và kỳ lạ thay, những câu chuyện hết sức đời thường ấy lại làm tôi nhớ kỹ nhớ lâu hơn bất cứ con số thống kê nào. Chúng thôi thúc tôi thoát khỏi tư duy và cách hành văn cũ của mình, cũ đến mức trở thành lối mòn.
Tôi chợt nghĩ rằng, phải chăng chính sự hiện diện của những người lính mang quân hàm xanh ấy đã làm cho biên cương gian khó mà tự hào trở nên quyến rũ, mời gọi lạ kì.
|
“Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt"- câu khẩu hiệu quen thuộc ấy được treo ở bất cứ đồn biên phòng nào. Nhưng phải lên cùng ăn cùng ở với các chiến sĩ biên phòng mới hiểu hết ý nghĩa của nó.
Tôi còn nhớ, một người anh khá thân thiết làm đồn trưởng biên phòng nhiều năm, từng nói rằng: Đó là một câu khẩu hiệu, đúng. Nhưng cũng chính là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người lính biên phòng.
Hô khẩu hiệu thì ai cũng làm được, có điều làm thế nào để đồn là nhà, biên giới là quê hương? Làm thế nào để tạo dựng mối quan hệ thân tình, khăng khít, ruột thịt với bà con? Đây lại là cả một quá trình rèn luyện, bồi dưỡng bằng nghị lực và trái tim, không phải cứ cho anh em chiến sĩ học thuộc lòng, rồi hô vang mỗi ngày là có- anh chia sẻ.
Anh đã nghỉ hưu cách đây vài năm, vui vầy bên vợ con, bù đắp lại những năm tháng dài đằng đẵng xa cách. Cách đây vài ngày, anh mời lên nhà chơi. Người đồn trưởng năm nào nay quần đùi, áo thun lúi húi nấu nước chè xanh đãi khách, rồi rung đùi kể lại những chuyện vui quân ngũ với nỗi nhớ không hề giấu diếm.
Tôi nhấp ngụm nước chè xanh đặc quánh để giấu đi sự xúc động của mình. Ai đó đã từng nói, đôi lúc, chúng ta uống trà không phải vì khát nước, càng không phải vì thưởng vị, thèm mùi, mà là một cách để giấu đi những điều rất riêng và rất thiêng liêng.
Đã từng đi nhiều đồn biên phòng, tôi hiểu đó cũng là mục tiêu chung, là quyết tâm lớn của các anh. Với lính biên phòng, cắm chốt, bám làng, ở trong dân mới là lẽ sống.
"Đồn là nhà" là vậy, còn "đồng bào các dân tộc là anh em" cũng thế, phải trải qua quá trình bồi đắp, vun trồng. Còn dân còn biên giới, người lính biên phòng, bằng sự từng trải của mình rất thấm thía điều đó. Có lẽ chính vì thế, chẳng ai hiểu dân, thương dân ở biên giới bằng họ.
Tôi nói ra điều này bằng những gì mắt thấy, tai nghe. Trong những chuyến đi biên giới, tôi được tận mắt chứng kiến những lần sĩ quan biên phòng thành "hòa giải viên" cho gia đình có bất hòa hoặc trong làng có người xích mích, giận hờn nhau không phân xử được.
Đó là những việc nhỏ, còn việc lớn như triển khai các dự án, mô hình trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng đời sống mới, phòng chống tệ nạn xã hội... thì bộ đội biên phòng vừa là người tham mưu cho địa phương, vừa là người cầm tay chỉ việc cho dân.
Không ít cán bộ, chiến sĩ Biên phòng thành "kỹ sư nông nghiệp", hướng dẫn bà con trồng lúa nước, cây ăn quả; tuyên truyền người dân ăn ở hợp vệ sinh làm thầy giáo dạy chữ. Chuyện vui, chuyện buồn, các anh đều có mặt giúp đỡ, sẻ chia.
|
Với phương châm “ba bám, bốn cùng” với đồng bào biên giới, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tích cực và tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, với nhiều chương trình, mô hình đã được triển khai hiệu quả như: “ Bộ đội Biên phòng tỉnh tỉnh Kon Tum chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Bộ đội Biên phòng tỉnh tỉnh Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới”, “ Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi Đồn Biên phòng”, “Xóa mù chữ”, “Điểm sáng văn hóa vùng biên”, “Tiếng loa biên phòng”.
Vì vậy, cũng chẳng có gì lạ, khi nhân dân khu vực biên giới luôn xem các anh như người thân, trở thành tai mắt của bộ đội biên phòng, sát cánh cùng bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc của Tổ quốc. Từ đó, nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân ngày càng được củng cố vững chắc.
Câu chuyện biên cương, vốn không phải một bài viết thông thường, theo khuôn mẫu thông thường- tôi đến, tôi đi lòng vòng, tôi thấy, tôi về, tôi viết-, lại còn được viết lên bởi một người vụng về, cũng không sao tránh khỏi rời rạc và chắp vá, lan man. Nhưng mong rằng sẽ được thông cảm, bởi là một chút tâm ý tặng những người lính mang quân hàm xanh đang ngày đêm thao thức giữ biên cương.
Hồng Lam