Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
Từ năm 2011 đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh đã hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở cho 33 gia đình nạn nhân trị giá 1,5 tỷ đồng, trợ cấp học bổng cho con nạn nhân 318 suất trị giá 243 triệu đồng, hỗ trợ khám chữa bệnh và hỗ trợ khó khăn cho 263 lượt nạn nhân 306 triệu đồng, hỗ trợ 18 con bò trị giá 300 triệu đồng, tặng quà 5.796 lượt trị giá 950 triệu đồng...
Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh được thành lập ngày 1/12/2004 theo Quyết định số 380/QĐ-CT của Chủ tịch UBND tỉnh. Tính từ ngày thành lập đến nay, trải qua 12 năm hoạt động, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh cùng sự tích cực ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và toàn thể nhân dân trong tỉnh nên công tác chăm sóc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam đã được các cấp hội triển khai kịp thời, từng bước giúp các đối tượng ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Ông Lữ Đức Thìn - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết: Từ ngày thành lập đến nay, trải qua 2 kỳ đại hội, quá trình hoạt động của Hội đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trên các mặt công tác. Đến nay, toàn tỉnh có 9/10 huyện, thành phố thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin; 21 hội cơ sở xã, phường, thị trấn ở thành phố Kon Tum và huyện Đăk Hà. Toàn tỉnh có 3.890 hội viên sinh hoạt tại 9 huyện, thành phố.
|
Với tinh thần “Đoàn kết – Nghĩa tình – Trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam”, được sự quan tâm của Chủ tịch UBND tỉnh có thư ngỏ kêu gọi ủng hộ Quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và những tấm lòng nhân ái hảo tâm của nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh, đến nay, đã có trên 600 lượt tập thể, 34 cá nhân ủng hộ trên 4 tỷ đồng để chăm sóc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.
Theo đó, từ năm 2011 đến nay, Hội đã hỗ trợ làm nhà ở mới và sửa chữa nhà ở cho 33 gia đình nạn nhân trị giá 1,5 tỷ đồng, trợ cấp học bổng cho con nạn nhân chất độc da cam 318 suất trị giá 243 triệu đồng, hỗ trợ khám chữa bệnh và hỗ trợ khó khăn cho 263 lượt nạn nhân cùng các khoản chi khác là 306 triệu đồng, hỗ trợ 18 con bò trị giá 300 triệu đồng để phát triển kinh tế, tặng quà 5.796 lượt trị giá 950 triệu đồng.
Nhờ những cố gắng của Hội trong việc chăm sóc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, nên trong những năm gần đây, phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều nạn nhân chất độc da cam điển hình tiên tiến vượt khó khăn, bệnh tật vươn lên sản xuất kinh doanh, tham gia công tác xã hội, làm từ thiện, gương mẫu trong khu dân cư.
Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Chúc trú tại thôn 2, thị trấn Sa Thầy và ông Trương Công Nọng trú tại thôn 3, xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy), ông Nguyễn Ngọc Tường trú tại thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà); gia đình có 4 nạn nhân chất độc da cam như bà Huỳnh Thị Thành trú tại phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum), ông A Dục trú tại xã Đăk Môn (huyện Đăk Glei), ông Lê Hồng Chấm trú tại xã Diên Bình (huyện Đăk Tô), ông Đinh Văn Đí trú tại thị trấn Đăk Rve (huyện Kon Rẫy)… và rất nhiều tấm gương khác nữa.
Bằng những việc làm thiết thực đó, chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 35 tập thể, 45 cá nhân; Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 10 cá nhân; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tặng Bằng Tri ân tấm lòng vàng cho 50 tập thể và tặng Kỷ niệm chương “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” cho 15 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”.
Hy vọng rằng, bằng tấm lòng nhân ái của con người Việt Nam, bằng bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, trong thời gian tới, phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” ở tỉnh sẽ có nhiều khởi sắc, góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau da cam cho những nạn nhân chất độc da cam được sống ấm no, hạnh phúc trong tình yêu thương của cộng đồng xã hội.
Trần Văn Phúc